(ĐSPL) - Bôn ba tứ xứ làm lụng đủ nghề mới ki cóp được 300 triệu đồng, với ước mong về lại quê hương xây căn nhà sinh sống. Ấy thế mà khi về lại làng quê, ông lại dùng chính số tiền đó xây cầu đi lại cho mọi người. Để rồi khi có người thắc mắc, ông cười hiền khô: “Có gì to tát đâu”.
Cầu phao nghĩa tình
Trong một lần công tác tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi loay hoay tìm cách trở lại trục đường chính, bởi ba bên bốn bề đều bị dòng sông Vu Gia chia cắt thì được ông Phan Quốc Hải (68 tuổi, trú xã Đại An, huyện Đại Lộc) mách bảo: “Cứ theo con đường nhỏ liên thôn này sẽ thấy cầu phao “ông Dũng”. Băng qua cầu chạy ù là ra đường lớn”.
Cây cầu phao vững chãi do ông Lê Dũng tự bỏ tiền, bỏ công xây dựng nên mang lại niềm vui cho nhiều người. |
Mới nghe qua, thầm nghĩ cái tên cầu “ông Dũng” họa chăng cũng như mọi nơi là một địa danh của làng xã nơi đây. Thế mà, khi tường tận chúng tôi được một phen ngỡ ngàng bởi gốc tích của nó. Ông Nguyễn May (trưởng thôn Phú Lộc, xã Đại An) cho biết: “Lão Dũng gàn ấy, còn sống khỏe re chứ địa danh, địa tích nào đâu. Cây cầu này là do ông Dũng xóm chúng tôi tự bỏ ra 300 triệu đồng mua đồ, rồi đem sức ra làm. Bà con thân thương nên quen gọi là cầu “ông Dũng” đấy”.
Theo chân vị trưởng thôn, chúng tôi tiến về căn nhà nhỏ nằm sát đám ruộng của ông Lê Dũng (51 tuổi, trú thôn Phú Lộc, xã Đại An). Căn nhà nhỏ còn trơ những đám tường loang lổ, bên trong ngổn ngang đồ nghề sửa chữa xe máy, không có vật dụng gì đáng giá. Ở cái tuổi ngũ tuần như ông, người ta lo ki cóp trăm bề mong muốn xây lên căn nhà mới hay dành chút tiền cho tuổi già mai sau thì người đàn ông chưa vợ này chấp nhận sống tạm bợ trong cái chòi sửa xe để dốc toàn bộ số tiền xây nhà ra làm cầu cho dân làng.
Đúng cái khí khái chất phác của con người xứ Quảng, ông khoát tay hào sảng: “Chuyện nớ có chi to tát đâu. Tui ở một mình quan trọng chi nhà cửa, để từ từ. Đem số tiền làm nhà ấy ra làm cầu phao cho mọi người đã, chứ tui nghĩ rồi, không có cái cầu phao nớ thì sẽ có nhiều người chết”.
Nói về cây cầu phao do chính tay mình làm nên, ông Dũng kể, hồi đó, sau quãng thời gian bôn ba tứ xứ, ông quyết định về lại quê hương dựng nhà, mở tiệm sửa xe với mong ước gần nơi chôn rau cắt rốn, ổn định cuộc sống. Làng Phú Lộc quê ông bao đời người dân lam lũ cấy cày nuôi thân. Tuy vậy, do bị dòng Vu Gia cắt ngang nên toàn bộ hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đều nằm bên kia sông. Thế nên, dù mưa gió bão bùng, mùa nước dâng hay mùa hạn hán, bà con đều lặn lội chèo ghe sang sông làm việc.
Cùng với khó khăn, nguy hiểm là biết bao cái chết thương tâm. “Cực nhất là mùa giông lốc ghe thuyền rất dễ lật. Rồi bọn trẻ nhỏ đi học rất nguy hiểm. Có lần, cả làng khóc nghẹn khi chứng kiến cái chết của một thanh niên. Cậu này là con một, cũng là một kỹ sư mới ra trường, được xem là niềm tự hào của gia đình. Hôm đó, sau buổi làm đồng, cậu ta bơi sang sông để lấy ghe chèo ngược lại đón mẹ già về ăn cơm. Bơi được nửa đường thì đuối nước mà chết”, ông Dũng bồi hồi nhớ lại.
Sau đám tang người thanh niên xấu số, ông Dũng trằn trọc không yên rồi quyết định dùng 300 triệu đồng là tiền để dành xây nhà ra làm cầu cho bà con. Báo cáo nguyện vọng lên chính quyền xin họp dân lấy ý kiến, ông nhận được không ít cái lắc đầu, xua tay. “Cũng đúng thôi, ở cái vùng đất nghèo nước mặn như chúng tôi mà ông Dũng bảo bỏ tiền xây cầu miễn phí quả là chuyện lạ đời. Ban đầu, có người trách ông “hâm hâm”, “nổ” cho vui, bởi nhà còn chưa có mà ở lại còn đòi lo chuyện bao đồng. Ấy vậy mà lúc họp dân, nghe ông nói mạnh mẽ, cứng rắn, thấy cái quyết tâm của ông, bà con tụi tui hiểu rõ nên ủng hộ hết mình”, bà Lý Sáu (66 tuổi, trú thôn Phú Lộc) chia sẻ.
Được sự đồng ý của bà con, ông tiếp tục đề đạt nguyện vọng lên chính quyền các cấp xin phép được xây cầu. Vốn là một người am hiểu về cơ khí, máy móc, ông quyết định sẽ tự mình làm cầu. Ông Dũng kể lại: “Mất nhiều đêm để mày mò thiết kế mới được cây cầu. Tôi quyết định phải tự tay mình gò hàn nên nó, một phần cũng tại tiền không có là bao, không dám thuê thợ, phần nữa, tôi cũng là dân cơ khí nên tự tin vào tay nghề của mình”.
Để làm cầu phao vượt sông Vu Gia, một mình ông ngược xuôi vào ra Đà Nẵng mua 147 cái thùng phuy, 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp. Xong giai đoạn tìm kiếm vật liệu ưng ý, ông bắt đầu hì hục thiết kế. Đúng ba tháng sau, bằng sự tỉ mỉ, kiên trì của ông cùng sự giúp sức của dân làng, cây cầu phao khang trang dài 78m, rộng 2m chính thức được hoàn thành trong niềm hân hoan của mọi người.
Chưa hết, khi dẫn chúng tôi đi xem cây cầu, ông Dũng cho biết thêm, vì đặc điểm sông Vu Gia nước lên xuống thất thường, nên ông thiết kế riêng hai trụ cầu nặng 25 tấn ở hai bên bờ nhằm neo giữ cầu phao. “Ở chính giữa cầu, tôi thiết kế một khoảng không cố định kèm một máy tời có thể di chuyển. Ban ngày, khoảng không cố định này được gắn chặt với toàn bộ cầu cho xe máy qua lại. Lúc buổi đêm, tôi dùng máy tời kéo khoảng ấy sang một bên cho thuyền bè qua lại. Nó hoạt động kiểu như bản lề cánh cửa ấy. Chứ thực tình làm cầu nguyên khối chặn dòng luôn thì thuyền bè bà con không đi lại được”, ông Dũng nói về điểm đặc biệt của cầu.
Nhiều người vẫn thường hỏi ông, bỏ hàng triệu ra xây cầu sao không tính chuyện thu ít phí để bù đắp lại, ông xua tay bảo không quan trọng, niềm vui của ông là được thấy xe máy bon bon trên cây cầu mới. “Tôi làm cái cầu là để giúp bà con, bởi ai ở đây cũng nghèo, sao lại thu tiền. Tôi xem đó là niềm vui trong cuộc sống. Đó như là một phần tôi cần làm cho quê hương”, ông Dũng nói.
Cây cầu se duyên
Đang dở dang câu chuyện thì ông Dũng nhận được điện thoại của vợ sắp cưới, nhắc chuyện phát thiệp mời. Ông bẽn lẽn: “Cũng nhờ cây cầu se duyên mà tôi lấy được vợ”. Ông kể tiếp: Lớn lên mẹ ông mất sớm, bố đi lấy vợ hai, anh em phải nghỉ học bươn chải kiếm sống. Bản thân ông chỉ mới học hết lớp năm trường làng. Chữ nghĩa không thông thạo nhiều nhưng bù lại ông khéo tay, giỏi về máy móc, cơ khí.
Thế là ông theo học sửa xe ở các tiệm cơ khí trên thành phố, rồi từ đó, lập nghiệp. Quanh năm, tay chân lem luốc với dầu nhớt, với tiếng gò hàn khiến tuổi xuân dường như qua nhanh hơn. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới hay mình đã đi gần hết nửa cuộc đời. Tưởng chừng “lão gàn” sẽ phải sống cô quạnh cùng tiệm sửa xe máy đến suốt đời, thì trong một dịp tình cờ ông gặp được nửa còn lại của mình. “Cô ấy nhỏ tuổi hơn tôi, là giáo viên một trường ở Đà Nẵng. Hỏi cô ấy rằng thấy anh cục mịch, chân đất như vậy, sao em lại thương, thì cô ấy bảo: “Chân đất, ngược đời, nhưng anh lại có tấm lòng, cái tình, cái nghĩa nên em thương anh””.
Nhiều người dân nơi đây kể lại, biết tin “lão gàn” nhà quê dám bỏ hàng trăm triệu đồng ra làm cầu cho dân, trong khi bản thân mình lại không có lấy một căn nhà tử tế để ở, một cô gái ở tận Đà Nẵng đã ngược xuôi về tận quê nghèo này những mong chạm mặt được ông Dũng. Để rồi, cả hai tâm đầu ý hợp, mến thương nhau từ tấm lòng. “Ông ấy sắp tổ chức đám cưới rồi, bà con đang háo hức chuẩn bị đi mừng ông ấy đây. Đúng là người tốt sẽ gặp được chuyện phước đức mà”, bà Tư Hậu (68 tuổi, trú thôn Phú Lộc) chia sẻ.
Hành động đáng cảm kích Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Đại An (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam),cho hay, từ khi ông Dũng làm cầu cho dân làng, không những không còn vụ tai nạn nào xảy ra mà còn mang lại niềm vui, lợi ích cho bà con. “Xã không có con số thống kê cụ thể, nhưng trước khi có cầu, người dân bị đuối nước liên tục, hầu như năm nào cũng có người chết đuối khi qua đây làm đồng. Cảm kích trước hành động của ông Dũng, xã đã trao tặng sáu sào đất ruộng để ông canh tác”, ông Sáu nói. |
NHÂM THÂN
Xem thêm video:
[mecloud] QCpZKOLvge[/mecloud]