Trong khi nhiều địa phương có trụ sở UBND khang trang, to đẹp thì ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cán bộ địa phương phải làm việc trong những căn phòng chật chội, xuống cấp. Thực trạng trên dẫn đến nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Xếp hàng tiếp khách
Y hẹn theo lịch công tác, tôi gặp anh Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi tại trụ sở vào sáng đầu tuần. Sau khi bắt tay chào hỏi, anh Toàn ái ngại bảo tôi chờ ít phút bởi phòng làm việc đang... bận. Thấy ánh mắt ngạc nhiên của khách, anh Toàn giải thích ngay: “Anh thông cảm. Một phòng làm việc rộng chừng 10m2 mà có đến 7 người gồm 3 lãnh đạo UBND, 2 lãnh đạo HĐND và 2 cán bộ khuyến nông. Hôm nay, đoàn khách của HĐND đến sớm hơn nên tôi phải... nhường phòng”.
Chừng 30 phút sau, thấy khách của HĐND xã ra về, anh Toàn mới vội vã mời tôi vào phòng. Đứng tại cửa ra vào, anh Hồ Văn Mia, Chủ tịch HĐND xã phân bua: “Mình cố gắng giải quyết công việc nhanh chóng hết mức rồi đấy”. Nói xong, anh Mia ôm cặp tài liệu ra ngoài. Đến lượt mình, ngồi trò chuyện cùng anh Toàn chưa ấm chỗ, tôi đã bối rối khi thấy anh Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã cùng một số người dân đứng chờ ở ngoài. Ái ngại, tôi đành thống nhất với anh Toàn sẽ trao đổi thêm qua điện thoại và tạm dừng cuộc trò chuyện.
7 cán bộ xã A Dơi làm việc trong căn phòng chật chội, cũ kỹ |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong căn phòng rộng chừng 10m2 này, 7 cán bộ UBND xã A Dơi liên tục thay phiên nhau tiếp khách, kiểu cuốn chiếu. “Trước đây, chúng tôi cũng cố quen với môi trường chật chội này, cứ việc ai nấy làm. Nhưng, thực sự là anh em không thể tập trung giải quyết công việc khi mọi người ra vào, hỏi han liên tục. 1 chiếc bàn, 2 chiếc tủ, một bàn máy vi tính đã chiếm hết không gian của phòng rồi, cộng thêm 7 người ngồi nữa thì chật như nêm. Để có chỗ tiếp khách, anh em đành ra ngoài bớt”, anh Toàn ái ngại chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã A Dơi, “quân số” trong phòng làm việc của mình chẳng nhằm nhò gì so với phòng đoàn thể. Hiện 13 cán bộ đoàn thể (gồm 7 chủ tịch và 6 phó chủ tịch các đoàn thể) đang làm việc trong khuôn viên rộng khoảng 17m2. Chị Hồ Thị Moan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Dơi than thở: “Mỗi lần họp hành, tôi phải đăng ký lịch trước cả tuần để mượn phòng Đảng ủy hoặc hội trường. Thế nhưng, nhiều khi đăng ký cũng không được vì phía chính quyền và các đoàn thể khác cũng cần chỗ làm việc. Đa phần chị em họp hành, làm việc tại nhà hoặc quán nước gần trụ sở UBND”.
Tại phòng “một cửa”, không khí làm việc cũng rất khẩn trương. Ngay chỗ ngồi cho cán bộ còn chưa đủ nên việc tiếp dân diễn ra rất khó khăn. “Nhiều khi, người dân đến làm việc phải xếp hàng chờ. Không có chỗ ngồi, bà con đứng chật cả hành lang. Nhiều khi bà con sốt ruột, tỏ ra cáu gắt. Anh em chúng tôi cũng phải thông cảm cho nỗi bực bội của dân thôi”, một cán bộ xã cho biết.
Mòn mỏi chờ... chủ trương
Trụ sở UBND xã A Dơi gồm 6 phòng làm việc và 1 hội trường. Công trình được xây dựng từ năm 1996. Hiện nay, xã gồm 32 cán bộ, công chức. Như vậy, tính trung bình, mỗi phòng làm việc có “sức chứa” 6 người.
Không chỉ đối diện tình cảnh xếp hàng tiếp khách, việc trụ sở chật hẹp còn dẫn đến nhiều chuyện đau đầu. Cán bộ, công chức xã A Dơi phải tính toán đủ đường để sắp xếp trang thiết bị, tài liệu trong phòng. Trước đây, xã từng được tài trợ mua sắm một số đồ dùng nhưng địa phương đành từ chối vì “không có chỗ để”. Với một số tài liệu không sử dụng thường xuyên, hầu hết cán bộ, công chức phải thu xếp cất… tại nhà.
Anh Hồ Văn Mia, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết: “Mỗi khi ai đó liên hệ công tác, chúng tôi thường hỏi nội dung rất kỹ để chuẩn bị tài liệu và mang đến cơ quan. Thời gian để tiếp dân không có nhiều mà còn phải chạy đi, chạy về lấy tài liệu, hết sức bất tiện”.
Theo Quyết định 23/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước tại xã, phường, thị trấn: Tùy theo chức vụ, chức danh, tiêu chuẩn diện tích làm việc tối đa cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn từ 10-15m2/người. Đối với những người hoạt động không chuyên trách, tiêu chuẩn diện tích tối đa là 5 m2/người.
Cụ thể hơn, tiêu chuẩn diện tích tối đa cho chỗ làm việc của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND là 15m2/người; Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn là 12m2/người. Đối chiếu với thực tế ở UBND xã A Dơi, diện tích làm việc của các cán bộ, công chức địa phương xếp vào diện “dưới chuẩn”.
Một thực tế khác là trụ sở UBND xã A Dơi hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Bờ tường cũ kỹ, nứt nẻ thành đường dài. Mỗi lần mưa lớn, nước ngấm vào tường, nhỏ từ trần nhà xuống ướt nhẹp. Hệ thống cửa đã xuống cấp nên việc chốt, khóa hết sức sơ sài. Công trình nước sạch, nhà vệ sinh trong khuôn viên trụ sở cũng đã hư hỏng từ nhiều năm trước.
Anh Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Từ 2003 đến nay, trụ sở UBND xã hầu như không được tu sửa gì. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Khe Sanh, trụ sở mới được quét vôi lại. Giờ đây, điều anh em lo lắng nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Chắc năm nay cũng phải chạy đôn, chạy đáo để sơ tán tài liệu, sổ sách thôi”.
Được biết, thời gian qua, chính quyền xã A Dơi đã nhiều lần kiến nghị thực trạng này với cấp trên. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt đầu tư công, mỗi năm, Trung ương chỉ đầu tư xây dựng trụ sở mới cho 1 - 2 xã/huyện. Dù là xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng A Dơi vẫn phải đợi đến lượt. Cán bộ nơi đây không biết sẽ chờ đến bao giờ.
Cũng vì trụ sở làm việc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang nên xã A Dơi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Hiệu quả công việc của cán bộ, công chức xã còn bị ảnh hưởng đáng kể. Đặt trong bối cảnh các xã, thị trấn khác đang rầm rộ hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã A Dơi vẫn đang loay hoay, chưa thể giải được bài toán trụ sở làm việc.