+Aa-
    Zalo

    Chuyện ít biết về rừng trâm bầu 500 tuổi ở Quảng Bình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khu rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình (Quảng Bình) trải dài trên 4km và rộng hơn 150ha không chỉ là lá phổi xanh của 1 vùng mà còn được xem như báu vật của người dân.

    Khu rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trải dài trên 4km và rộng hơn 150ha không chỉ là lá phổi xanh của 1 vùng mà còn được xem như báu vật của người dân.

    Nơi đây, suối nước ngầm không bao giờ cạn, cây cối xanh mát quanh năm và thảm động vật phong phú,chống cát bay… vẫn được bao thế hệ gìn giữ.

    Lời thề giữ rừng

    Nghĩa Nương là tên cổ của thôn Thanh Bình ngày nay, là ngôi làng nằm trải dài trên bãi cát dọc bờ biển Đông. Theo tiếng Hán thì tên làng rất có ý nghĩa, nó được giải thích nôm na là người con gái hiếu nghĩa. Và cái tên Nghĩa Nương vẫn được người dân tha thiết giữ như minh chứng cho tấm lòng của cả dân làng, biết ơn những gì mà thiên nhiên ban tặng.


    Theo người dân truyền miệng rằng, ông tổ Dương Phúc Thái đã cùng 11 vị khai canh khác chọn mạch địa lý định đất theo hướng Bắc - Nam, lấy mạch nước từ rừng trâm bầu cổ làm nguồn sinh sống, xây dựng các thôn xóm. Thấy thế đất có rừng trâm bầu, trước mặt làng là cánh đồng thuận trồng lúa nước, hợp trồng ngũ cốc, tiền nhân đã đặt định danh tính, chịu sự quản lý của quan phủ trong vùng, dân làng cùng nhau lao động, khai hoang, mở đất, quần tụ sinh sống, cắt đặt lề lối, giữ gìn gia phong, nếp sống để dựng làng .

    Biết làng mình không thể vững chãi với cát trắng, hàng trăm năm nay, người làng cần mẫn góp lúa nuôi đội giữ rừng trâm bầu. Có như thế làng mới vững chải suốt bao nhiêu năm. Đó như một định chế giữ làng được tu dưỡng từ xa xưa.

    Theo các bậc cao niên trong làng, từ xưa đã có hội thề giữ rừng trâm bầu. Câu chuyện hội thề ấy hiện không còn văn tự, nhưng được truyền ngôn giữa mạch sống dân cư qua nhiều thế hệ.

    Rừng Trâm bầu được người dân coi như báu vật

    Do đó, người dân ở đây chỉ được phép quét lá trâm bầu đem về nấu bếp và tuyệt đối không được chặt phá cây cối, kể cả một cành nhỏ nhất. Không ai bảo ai và tự coi đó như là tài sản của riêng mình. Và cứ thế, suy nghĩ đó được truyền từ thế hệ sang thế hệ khác.

    Son sắt với rừng

    Người dân nơi đây luôn tâm niệm, rừng trâm bầu không chỉ là mạch sống của làng mà còn là người bạn tri kỷ gắn bó với họ từ biết bao thế hệ qua. Mặc dù đời sống của người Nghĩa Nương vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ không vào rừng trâm bầu để khai thác, kiếm sống.

    Nhiều người dân trong làng cho biết, làng luôn có một đội giữ rừng được dân làng trả công bằng cách góp lúa để duy trì hoạt động của đội. Và thật vinh dự, năm 2011, thôn Thanh Bình và 11 thành viên của đội giữ rừng được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì những đóng góp trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ.

    Rừng trâm bầu 500 tuổi với thảm thực vật phong phú

    Rừng trâm bầu hôm nay vẫn còn nguyên thảm thực vật vô cùng phong phú cùng nhiều loài chim như: Chào mào, vành khuyên, cu gáy..., nhông cát và nhiều loài bò sát, lưỡng cư khác cùng sinh sống. Cộng sinh với trâm bầu là cây mà ca, lộc vừng, rồi có cả quần thể sâm Mã Lai có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Không ai xác định rừng trâm bầu ở đây bao nhiêu tuổi, nhưng người làng chắc chắn một điều, rừng nhiều hơn số tuổi của làng lập ra cách đây gần 500 năm.

    Những năm kháng chiến, rừng trở thành lá chắn để du kích ẩn náu. Bao ụ pháo ngụy trang dưới tán trâm bầu phun lửa đối đầu với tàu chiến của kẻ thù. Thời bình, rừng trở thành nguồn sống, “lá phổi xanh” của hàng trăm hộ dân ở Nghĩa Nương. Vào những thời điểm nắng hạn gay gắt, nếu các làng khác đều khô hạn thì với Nghĩa Nương, gần 700 giếng nước của làng chưa bao giờ cạn.

    Chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Động vật và Thực vật Quốc tế FFI, ông Nguyễn Văn Lương nhấn mạnh: "Trâm bầu có hệ thống rễ cực tốt cho lọc nước, loại bỏ các chất độc, lọc mặn, khử phèn, hóa giải độ chua. Nó đưa lại một hệ sinh thái trong khu vực sự ưu việt về mảng xanh và không khí trong lành. Đây là khu rừng hiếm thấy trên cát, cần bảo tồn không chỉ cho một làng, mà nó có tác dụng lớn đối với cả vùng".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-rung-tram-bau-500-tuoi-o-quang-binh-a94615.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.