+Aa-
    Zalo

    Chuyện ít biết về nữ giáo viên chưa một lần được yêu vì… ở bản quá lâu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không cần những lời ca tụng hay bằng khen, hàng ngày cô giáo Xâm vẫn lặng lẽ đem tuổi xuân của mình để ngày ngày chăm sóc cho các em thơ trên đỉnh Xà Phìn (Hà Giang)

    Không cần những lời ca tụng hay bằng khen, hàng ngày cô giáo Xâm vẫn lặng lẽ đem tuổi xuân của mình để ngày ngày tận tụy chăm sóc cho các em thơ trên đỉnh Xà Phìn (Hà Giang).

    Cô giáo Hoàng Thị Xâm. Ảnh: Dân Trí.

    Tại điểm trường Thào Chư Phìn - một trong những ngôi trường khó khăn nhất nhì của vùng núi đá biên cương Hà Giang là nơi sinh sống làm việc của cô giáo Hoàng Thị Xâm và 17 em học sinh. Cô Xâm đã có hơn 8 năm thâm niên làm giáo viên “cắm bản”.

    Cô Xâm năm nay đã ngoài 30 tuổi, nhưng chưa lập gia đình, chưa có người thương. Hàng ngày cô vẫn quấn quýt bên lũ trẻ, lấy đó làm thú vui cho tuổi xuân của mình.

    Cô Xâm tâm sự với báo Dân Trí: “Ở đây người còn không có, lấy đâu ra tình yêu để mà mong. 8 năm trước, tôi ‘chân ướt, chân ráo’ vừa tốt nghiệp, quyết định rời Hà Nội lên vùng cao dạy học. Gặp phải sự phản đối từ phía gia đình; không ít đêm mẹ khóc vừa ôm tôi, vừa trách con dại dột chọn nghề giáo; một mực khuyên tôi ở nhà đi làm công nhân cho đỡ vất vả”.

    Nhớ lần đầu tới điểm trường, cô Xâm gần như kiệt sức vì chưa bao giờ băng qua con đường núi đá dài và dốc cao đến như vậy. Leo lên thì mỏi rã rời chân, leo xuống thì chùn bước không đứng nổi. Hơn thế, điều kiện ở đây lại có tới 7 điểm không: K'hông điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, không có phòng nghỉ riêng của giáo viên, không người và không mưa.

    Điểm trường cô lập với thế giới xung quanh, bốn bề chỉ toàn núi đá cao ngút trời và con đường độc đạo để ra khỏi nơi đây là băng rừng. Chính vì vậy, điều đáng sợ nhất nơi đây là không có nước sạch và không có mưa. Có khi nửa tháng trời, mẹ và các con không có nước để tắm, dành dụm từng gáo nước để uống và nấu nướng.

    Vừa nói, cô Xâm vừa chỉ vào bể nước dự trữ chừng 100m3 cạnh lớp học: "Một năm chỉ tháng 4- 5 có mưa; mỗi khi mưa trút xuống, tất cả mẹ con nháo nhác hứng từng giọt; nào xô, nào chậu, ca, cốc, có khi mang cả tấm bạt nilon ra để lấy nước cho vào bể trữ”.

    Như cô Xâm giải thích, vì địa hình ở đây có nhiều núi cao, ngăn cản hướng gió và mây nên rất hiếm có mưa. Mỗi khi hứng đầy một bể nước, cả cô và trò vừa dùng tắm gội, nấu nướng trong 2 tháng. Đến khi hết nước, các thầy cô sẽ thay phiên nhau đi gánh hoặc đèo nước từ các khe suối, giếng trời sâu trong rừng về.

    Mọi thứ đều thiếu thốn, khiến cuộc sống cũng phải tằn tiện vô cùng, tiết kiệm từ cây nên thắp đến pin điện thoại. Ấy vậy, mà hai người mẹ và 17 đứa con thơ cũng đủ sống, “khéo co thì ấm” trong suốt bao năm bấm chân lên đá cắm bản.

    “Cũng may trong điểm lẻ có 3 anh chị đồng nghiệp, mọi người động viên nhau cố gắng bám trụ lại nơi đây. Những đêm nhớ nhà, muốn có người tâm sự chỉ biết ngẩng mặt lên trời nói chuyện với gió và trăng; thi thoảng có cái máy bay vận tải bay ngang qua thì rủ các con ra ngắm cùng, lấy đó làm thú vui qua ngày”, cô Xâm cười.

    Khu nhà ở của các cô giáo tại điểm trường Thào Chư Phìn. Ảnh: Dân Trí.

    Trước đó, câu chuyện về những cô giáo cắm bản nơi “đỉnh trời” Phú Vang (Điện Biên) cũng khiến nhiều người xúc động.

    Cụ thể, cô giáo Bùi Thị Miên, Trần Thị Thủy, Quàng Thị Cương - những giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Pú Vang (trường Mầm non số 2 Mường Mươn).

    Cô giáo Bùi Thị Miên (SN 1987) cho biết, quê gốc của cô ở tỉnh Hòa Bình. Năm 2009, cô tốt nghiệp Đại học Tây Bắc (Sơn La), Khoa Tiểu học Mầm non. Năm 2010, cô được phân công về công tác tại Trường Mầm non Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

    Sau quá trình công tác tại nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện vùng cao Mường Chà, đầu năm 2018, cô Miên lại quay về công tác tại điểm trường bản Pú Vang (Trường Mầm non số 2 Mường Mươn), nơi năm 2012 cô đã từng giảng dạy. Điểm trường bản Pú Vang là 1 trong 6 điểm trường “vệ tinh” của Trường Mầm non số 2 Mường Mươn, 5 điểm trường khác nằm rải rác ở các bản khác như Huổi Ho, Pú Mua, Huổi Nhả…

    Các điểm trường này có điều kiện khó khăn, cùng chung thực trạng không có điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm phải tận dụng ở các mó nước quanh bản. Tại điểm trường Pú Vang có 52 cháu là con em dân tộc Mông của cụm bản Pú Vang - Huổi Meo theo học. Cơ ngơi của điểm trường bản Pú Vang là ngôi nhà xây cấp 4, trong đó có một gian nhỏ để giáo viên “tá túc”, cạnh đó dựng lên một “lán” nhỏ.

    Các hoạt động giảng dạy, học tập, ăn nghỉ của giáo viên và học sinh hàng ngày đều diễn ra trong các công trình này và khoảng sân đất nện trong khuôn viên trường.

    Ngoài cô giáo Bùi Thị Miên, đảm nhiệm việc dạy dỗ, chăm sóc 40 cháu lớp Mẫu giáo còn có cô Trần Thị Thủy, 12 cháu của lớp Mầm non do cô Quàng Thị Cương phụ trách.

    Theo cô Miên, cô Cương và cô Thủy, cái khó khăn, thiếu thốn và vất vả nhất nơi đây là không có nguồn nước sạch, không có nguồn điện lưới quốc gia, giao thông rất khó khăn, cách trở. Bản làng ở độ cao trên đỉnh núi, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác thiếu trầm trọng nên nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh luôn khan hiếm, phải mua từ ngoài trung tâm xã đưa vào.

    Bản Pú Vang trên vùng cao Tây Bắc. Ảnh: TTXVN

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-nu-giao-vien-chua-mot-lan-duoc-yeu-vi-o-ban-qua-lau-a291774.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan