Tết đến xuân về cũng là khoảng thời gian người dân làng La Phù háo hức chuẩn bị cho lễ hội rước “ông lợn”. Theo các cụ cao niên trong làng, lễ rước đặc biệt ở chỗ, mỗi xóm phải tự nuôi một “ông lợn”, được tuyển chọn kỹ càng. Sau đó, những chú lợn này sẽ được trang trí đẹp mắt và lên kiệu rước về đình trong đêm.
Lễ hội rước “ông lợn” tại La Phù độc đáo và có những điều đặc biệt. |
Gia đình nuôi “ông lợn” cũng phải tuyển chọn kỹ
Tìm đến xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) vào dịp cuối năm, PV đã may mắn được nghe về tục rước lợn – một trong những phong tục độc đáo, nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Theo các cụ cao niên trong làng, tục rước “ông lợn” có từ nhiều đời nay và được lưu truyền cho đến tận bây giờ. Chính các cụ cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng, vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân La Phù lại tưng bừng mở lễ hội rước “ông lợn”.
Nhớ lại điển tích về phong tục này, ông Nguyễn Văn Đích (70 tuổi, La Phù) cho biết: “Lễ hội rước “ông lợn” là dịp để người dân làng chúng tôi tưởng nhớ đến công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Tôi cũng được nghe các cụ cao niên trong làng trước đó kể lại, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ để đánh giặc chống ngoại xâm, người dân trong làng thổi xôi, mổ lợn khao quân.
Nhờ những công lao to lớn, Đức Thánh Tam Lang đã được các vị vua sau này là Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong. Một thời gian sau đó, vị tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0h đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày này, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn- đây cũng chính là hình thức để ngài khao quân để tưởng nhớ Tam Lang Đại Vương vào ngày giỗ của ông.
Việc rước “ông lợn” được người dân trong làng chuẩn bị khá kỹ, đặc biệt là việc chăm sóc “ông lợn” đưa lợn tế lên kiệu rước vào đình. “Nguyên tắc các cụ xưa để lại về việc chọn gia đình nuôi “ông lợn” vô cùng cẩn thận. Phải những cặp vợ chồng song toàn, con cái đủ nếp đủ tẻ, ngoan ngoãn, gia đình có tiếng tăm thì mới được nuôi “lợn ông” và tu lễ. Gia đình được bà con hàng xóm tin cậy, chấm điểm, phải biết các điều lễ đã được đặt ra trước đó”, ông Đích cho biết thêm.
Theo ông Đích, sau khi được tuyển chọn, gia đình đó phải nuôi “ông lợn” từ đầu năm đến cuối năm. Trong quá trình nuôi, không được cho bất kỳ ai vào xem hay nhòm ngó, ngay trong gia đình đó cũng phải phân chia rõ ràng, một người chuyên trông nom, người cho ăn. Người lo chuyện gia đình, ma chay cưới hỏi thì không được chạm vào “ông lợn” đang nuôi. “Ông lợn” tuyệt đối không được tiêm, nếu có “trái nắng trở trời” thì gia đình phải ra đình kêu lễ các quan.
Điều quan trọng nhất là môi trường nuôi, thức ăn phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không được cho lợn ăn những thức ăn thừa hay ôi thiu... Mỗi xóm tuyển chọn được một gia đình nuôi lợn. Nếu như xóm đó các gia đình không đủ điều kiện thì phải nhờ xóm khác nuôi cùng một chuồng.
Là một trong những gia đình đã từng được người dân trong xóm “chọn mặt gửi vàng”, ông Trung Bình (xóm Minh Khai, La Phù) chia sẻ: “Có một năm vợ chồng tôi được bà con hàng xóm tin tưởng giao cho việc nuôi “ông lợn” và tu lễ. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng lợn dâng lễ cần sự cầu kỳ.
Để lợn không bị muỗi đốt đỏ ra khi chuẩn bị làm lễ, các gia đình phải căng màn, đốt hương đuổi muỗi trong chuồng. Thức ăn cho “ông lợn” cũng phải được chuẩn bị riêng, “ông lợn” được ăn cháo hoa, cám là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp được nấu chín. Lợn khi lên kiệu về đình phải có dáng đẹp, như vậy dân làng trong năm sẽ làm ăn thuận lợi. Khi được xóm giao nhiệm vụ, gia đình tôi phải chia nhau ra làm công việc trong năm đó. Tôi là người trực tiếp chăm sóc “ông lợn” để không phạm sai lầm”.
“Áo khoác” của “ông lợn” được đặc biệt quan tâm
Khi đã nuôi “ông lợn” hết sức cẩn thận, sáng 13 tháng Giêng, các xóm mang xe đến mời “ông lợn” lên xe. Riêng lợn tu lễ, người trong thôn mang hương hoa, quả đến để lễ thổ công, lễ “lợn ông” rồi mời lợn ông đi theo và lên xe chứ không phải bắt, trói.
Một nét độc đáo hơn nữa là người dân La Phù phải trải chiếu từ cổng chuồng để rước “ông lợn” ra ngoài. Sau khi đã hoàn thành tu lễ (mổ lợn), “ông lợn” được đặt lên một chiếc khung tuýp nước bằng sắt đã được uốn cong trước đó. Theo người dân nơi đây, họ làm như vậy để tạo dáng thật đẹp cho “ông lợn”, sau đó, “ông lợn” được đặt lên chiếc kiệu cao khoảng 1,2m tạo dáng cho lợn như lúc còn sống.
Một điều khá độc đáo và tôn lên sự trang nghiêm của lễ rước chính là khâu thẩm mỹ cho mỗi “ông lợn”. Gần đến ngày rước, mỗi xóm phải cử người khéo tay, để trang trí kiệu rất kỹ càng. Ông Đích cho hay, đây cũng là việc khó khăn vì làm đẹp cho lợn tế rất kỳ công, “áo khoác” của “ông lợn” sẽ được đặc biệt quan tâm.
“Áo khoác chính là miếng mỡ lá lấy ra từ bên trong khi mổ lợn, mỗi xóm phải làm sao để những lá mỡ mỏng tang phủ lên lưng lợn có hình đan như mắt lưới và đẹp nhất. Lợn khi đã tu lễ xong được đặt trên một giá đỡ cao, quanh giá đỡ phải trang trí nhiều họa tiết, hoa văn. Như tai, mắt, đuôi, chân.... được các “nghệ nhân” dán giấy mô phỏng rất cầu kỳ.
Ngày xưa, La Phù chỉ có 6 giáp, nghĩa là 6 “ông lợn” được rước. Nhưng bây giờ, La Phù 16 thôn đồng nghĩa với việc 16 “ông lợn” sẽ được rước về đình trong đêm. “Khoảng 13h ngày 13 tháng Giêng, sau khi mời “ông lợn” lên xe, các cụ sẽ làm tu lễ. Đến 18h, các xóm sẽ dâng lễ ra đường chính, ngõ nào đúng ngõ đấy sau đó lần lượt tiến về đình.
Mỗi xóm sẽ có phong cách rước khác nhau, có xóm hát quan họ, có xóm rước cùng điệu múa sinh tiền. Mỗi đám rước gồm 3 kiệu chính: Bàn lộc, mâm xôi và “ông lợn”. Đi đầu là 2 lá cờ đại, sau đó là đội nhạc kèn, múa lân rồi đến cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả...
Những thanh niên trai tráng nhất trong xóm được chọn để khiêng kiệu. Đúng 21h, các cụ sẽ cho lễ lần lượt vào đình, chỉ có 6 lễ được tiến vào cung còn 10 lễ để bên ngoài dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức. Đúng 24h, các cụ sẽ làm lễ tế kéo dài đến 1-2h sáng hôm sau. Khi làm lễ xong, các xóm sẽ rước các “ông lợn” trở lại nhà và phát lộc cho các hộ gia đình”, ông Đích kể.
MAI HẰNG
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết