+Aa-
    Zalo

    Chuyện giờ mới kể của Cụm trưởng cụm Tình báo Tư Cang về huyền thoại H.63

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tư Cang - nhà tình báo lỗi lạc, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã cùng đồng đội của mình là các nhà biệt động tài ba Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo,…

    Tư Cang - nhà tình báo lỗi lạc, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã cùng đồng đội của mình là các nhà biệt động tài ba Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo,… xây dựng nên mạng lưới tình báo H.63 huyền thoại, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Phút sinh tử của người lính biệt động thành

    Nhà tình báo lỗi lạc mà chúng tôi nói tới chính là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (SN 1928, biệt danh Tư Cang, ngụ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Cuộc đời ông tham gia cách mạng, làm tình báo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Mặc dù đã bước sang tuổi 90, nhưng giọng ông vẫn vô cùng hào sảng khi nhắc đến những năm tháng hào hùng.

    Ngày đó, để phục vụ cho hoạt động tình báo, đi sâu vào căn cứ địch, Tư Cang phải học đủ thứ nghề, từ chụp ảnh, lái xe, viết văn,… Năm 1966, Tư Cang bí mật thâm nhập vào nội đô Sài Gòn để trực tiếp chỉ huy mạng lưới tình báo của mình, trực tiếp lấy thông tin và giao nhiệm vụ cho các biệt động Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Vũ Ngọc Nhạ,…

    Bằng vốn tiếng Anh, Pháp của mình, ông đã xin vào làm kế toán cho một văn phòng giữa trung tâm Sài Gòn. Lúc này, ông sống ở nhà bà Tám Thảo (biệt động ngầm đang làm thư ký, phiên dịch cho hải quân Mỹ) với danh nghĩa “anh họ ở quê” và làm anh em thân thiết với Phạm Xuân Ẩn (biệt động ngầm đang làm phóng viên một tờ báo lớn của Mỹ).

    Chính trị - Chuyện giờ mới kể của Cụm trưởng cụm Tình báo Tư Cang về huyền thoại H.63

    Nguyên Cụm trưởng cụm Tình báo H.63 - Tư Cang.

    Nhớ lại những ngày tháng đó, ông cười lớn bảo: “Lúc đó, nhìn tướng mạo của tôi và Phạm Xuân Ẩn đều rất “ngon”. Trang phục thì mặc vest trắng, đội mũ, hút thuốc đều theo phong cách Tây Âu, phương tiện đi lại là hai chiếc xe jeep của quân Ngụy nên chẳng ai nghi ngờ gì…”.

    Nói là vậy, nhưng để có thể tồn tại được lâu dài trong lòng địch, Tư Cang và các nhà tình báo phải làm rất nhiều việc, đóng rất nhiều “vai diễn”. Đại tá Tư Cang kể: “Lúc đó, tôi cùng đi với cô giao thông Tám Kiên (một chiến sĩ cách mạng phụ trách giao thông) đến khu căn cứ. Khi đi đến Mỹ Phước (tỉnh Bình Dương), có một nhóm lính Ngụy đứng chặn lại rồi hỏi: “V.C (Việt Cộng - PV) phải không? Xin lỗi, cho tôi xem giấy tờ?”.

    “Lúc đó, cô giao thông là dân thành phố nên có giấy thật, lính Ngụy bỏ qua. Đến lượt tôi, tôi cũng đưa giấy cho bọn chúng xem. Tuy nhiên, đây lại là một tên lính hết sức tinh quái. Hắn xem giấy của tôi và phát hiện ra ngay có điểm khác lạ. Vì thế, hắn lấy tay cuộn tròn giấy lại rồi bóp mạnh. Nếu đúng là giấy sử dụng công nghệ hiện đại do Mỹ sản xuất cấp thì giấy trơn còn giấy của ta làm giả từ ngoài Hà Nội chuyển vào sẽ bị nhàu và nhìn thô hơn. Lúc đó, tôi nói nhỏ với cô giao thông: “Có khi chuyến này mình chết rồi”, tình báo Tư Cang kể lại.

    “Mặc dù sợ nhưng tôi vẫn thể hiện rất tự tin, miệng hút thuốc, mặt vểnh lên. Sau đó, hắn đưa giấy vào cho chỉ huy xem. Tuy nhiên, tên chỉ huy lại nạt, mắng tên lính cản trở người dân và cho đi. Khi được thả đi, tôi có liếc nhìn tên chỉ huy và thấy rất có thể, chỉ huy này cũng biết là giấy giả nhưng vẫn cho đi. Bởi, thực ra, lính Ngụy theo Mỹ lúc đó đa số là con dân Việt Nam bị bắt ép đi lính. Vì thế, một số người dân bị ép buộc đi theo Mỹ nhưng thực tâm rất tốt và muốn hòa bình. Cho nên, họ đã thả tôi ra,…”, nhà tình báo Tư Cang nhớ lại.

    Niềm tin vào đồng đội

    Sau khi trở về từ căn cứ, nhà tình Tư Cang có quay trở lại khu chốt của địch để tìm hiểu về người chỉ huy quân Ngụy thả mình là ai nhưng không được. Về sau, khi có dịp trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông rất ít khi giết quân Ngụy, chỉ đánh họ bị thương và tước vũ khí. Ông bảo, trận chiến nào rồi cũng sẽ kết thúc và không ai muốn đổ máu. Vì thế, nếu tránh được việc không lấy đi tính mạng của ai đó, ông sẽ tránh. Nói tới đoạn này, mắt người tình báo Tư Cang lại ngấn lệ.

    Chính trị - Chuyện giờ mới kể của Cụm trưởng cụm Tình báo Tư Cang về huyền thoại H.63 (Hình 2).

    Nhà tình báo Tư Cang cùng các đồng đội của mình. (Ảnh nhân vật cung cấp).

    Ông kể: “Mọi trận chiến có H.63 tham gia đều toàn thắng. Nhưng trong chiến thắng đó đổi rất nhiều máu xương của đồng đội, đồng chí tôi. Bao nhiêu lần, tôi nghe các anh em bị bắt là bấy nhiêu lần trái tim tôi như thắt lại. Không phải tôi sợ anh em khai ra, mà tôi biết, các đồng chí đó sẽ chết. Lần đó, cô Tám Kiên chạy hớt hải vào gặp tôi bảo, "anh Tư Lâm bị địch bắt rồi, chúng nó đánh anh ấy dữ lắm, mặt anh ấy đã tái, mình phải trốn thôi". Lúc đó, tôi lặng người”.

    “Cô Tám Kiên cùng anh em thu dọn hành lý để rời bỏ căn cứ. Tôi nói, thôi anh em cứ đi đi, tôi tin Tư Lâm sẽ không khai ra chúng ta đâu. Cuối cùng, đúng như tôi dự đoán, cậu ấy đã chấp nhận hy sinh và bị địch mang đày ra Phú Quốc bắn chết với tội danh “Tù binh cộng sản loại ngoan cố”. Sau này hòa bình lập lại, tôi mới có dịp ra đến Phú Quốc thắp nén nhang cho cậu ấy. Những dịp đến ngày 30/4, tôi cùng đồng đội vẫn hẹn nhau để ôn lại kỷ niệm của những năm tháng hào hùng, vẻ vang,…”, Đại tá tình báo bùi ngùi chia sẻ.

    Huyền thoại cụm Tình báo H.63       

    Đầu năm 1961, cụm Tình báo quân sự H.63 (ban đầu có tên là A18) ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (tỉnh Tây Ninh) để phục vụ cho điệp viên nổi tiếng Hai Trung (tức Phạm Xuân Ẩn) được cách mạng ta cử đi nước ngoài học. Sau khi từ Mỹ trở về, Hai Trung hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài do Mười Nho (Nguyễn Nho Quý - cán bộ cục Tình báo) trực tiếp chỉ đạo. Năm 1962, Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63.  Vì thế, Tư Cang được lựa chọn lên thay thế. Cụm Tình báo H.63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nhất với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba,... Vì thế, năm 1971, trước khi miền Nam được giải phóng, cụm Tình báo H.63 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Quân số toàn Cụm có tất cả 45 người, trong quá trình hoạt động đã hy sinh 27 người, 13 người bị thương.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gio-moi-ke-cua-cum-truong-cum-tinh-bao-tu-cang-ve-huyen-thoai-h63-a228058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.