Theo chuyên gia quân sự về tác chiến điện tử (EW) và tình báo Sergei Beskrestnov của Ukraine, lực lượng vũ trang Nga trước đây thường điều khiển máy bay không người lái tấn công mục tiêu ngay khi chúng vừa được triển khai. Tuy nhiên, chiến thuật này hiện không còn được Moscow sử dụng nhiều.
Ông Beskrestnov cho biết trong thời gian gần đây, lực lượng vũ trang Nga thường điều khiển máy bay không người lái bay vòng quanh Kiev và các thành phố khác của Ukraine hơn là tập trung phá hủy các mục tiêu.
Vị chuyên gia trên nhận định rằng với chiến thuật mới, quân đội Nga có thể đang cố gắng "làm hao mòn" khả năng phòng không, làm cạn kiệt kho tên lửa và đạn dược của lực lượng vũ trang Ukraine khi liên tục phải bắn hạ những máy bay không người giá rẻ của Nga bằng các vũ khí đắt tiền.
Lý do thứ hai được đưa ra cho sự thay đổi này là Nga đang muốn "thăm dò” các vị trí phòng không được quân đội Ukraine bố trí trên lãnh thổ. Một khi đã xác định được nơi các tên lửa của Kiev được phóng đi, Moscow có thể tránh việc các tên lửa hành trình và UAV dùng để tấn công đối phương bị bắn hạ.
Đầu tháng 7, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ các binh sĩ Ukraine cho biết, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái Lancet trong các cuộc tấn công. Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak cũng từng thừa nhận rằng việc Moscow tăng cường sử dụng Lancet đã tạo ra nhiều khó khăn cho quân đội Ukraine.
"Mỗi ngày chúng tôi bắn hạ ít nhất một hoặc hai chiếc Lancet... nhưng thật không may, tỷ lệ đánh chặn không phải là 100%", ông Sak nói.
Lancet chỉ mang một lượng thuốc nổ tương đối nhỏ (1,5-5 kg) và kém mạnh hơn đạn pháo cũng như các loại tên lửa nhưng có thể gây sát thương đáng kể với lực lượng Ukraine. Khả năng bay đuổi theo mục tiêu khiến loại UAV này trở thành mối đe dọa đối lớn với các thiết bị có giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và hệ thống phóng tên lửa do phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine.
Ông Yuriy Sak cho biết, lưới hoặc lồng kim loại có thể giúp hạn chế thiệt hại, nhưng cách phòng thủ tốt nhất là súng chống máy bay không người lái tự động được trang bị radar cũng như các hệ thống tác chiến điện tử.
Vị tướng trên nhấn mạnh rằng Kiev cần thêm nhiều hệ thống tác chiến điện tử từ các đồng minh. Nếu không có những hệ thống như vậy, binh lính Ukraine thường buộc phải cố gắng bắn hạ Lancet bằng vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, máy bay không người lái này bay với tốc độ 100 km/h nên bắn hạ nó bằng vũ khí nhỏ không phải là một thử thách dễ dàng.
Phương Uyên(Theo Top War)