Thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên có thể thành công nếu Tổng thống Donald Trump nhượng bộ, giảm yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, theo các chuyên gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters |
New York Times đưa tin hôm 20/6 rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét đóng băng hạt nhân, theo đó Mỹ sẽ chấp nhận vị thế của Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân để đổi lấy việc Bình Nhưỡng đồng ý không tăng số lượng vũ khí huỷ diệt.
Cùng ngày, ông Trump đã đi bộ qua Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời tham dự một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo đã tổ chức một cuộc họp kéo dài 1 giờ bên trong Nhà Tự do ở phía Hàn Quốc của DMZ.
Ông Trump và ông Kim đã tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018 và cuộc họp thứ 2 của họ tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 2/2019. Cuộc đàm phán ở Hà Nội đã kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra vì Triều Tiên muốn được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi phi hạt nhân hóa.
Một điều đặc biệt, theo các chuyên gia, ông Trump đã khá mềm mỏng với Bình Nhưỡng, trong khi có đường lối cứng rắn hơn nhiều đối với Iran, bao gồm áp dụng nhiều vòng trừng phạt sau khi rời bỏ thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, thậm chí còn xây dựng quân đội ở Vịnh Ba Tư.
Nhà sử học và nhà bình luận chính trị Dan Lazare nói rằng quá trình xây dựng hướng tới một thỏa thuận đóng băng hạt nhân với Triều Tiên là có thể đạt được.
"Tôi nghĩ rằng có một cơ hội tốt để đàm phán sẽ tiến về phía trước, đơn giản vì mọi người đều mong muốn", ông Lazare nói. "Điều này bao gồm mong muốn của Chủ tịch Kim - người rõ ràng đang tìm kiếm sự giải thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Tổng thống Trump – muốn tìm kiếm một sự phát triển khác đi, xa khỏi mớ hỗn độn ở Vịnh Ba Tư".
Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga có vẻ như cũng muốn thấy một số cách giải quyết vấn đề.
"Đây là một mục tiêu rất thực tế đối với phần quản trị của cộng đồng và tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông Kim không nắm bắt được vì nó có thể chấm dứt sự phong tỏa kinh tế", ông Lazare nhận định. "Với mọi người đều rất hợp lý, vậy thì vì sao không để lý trí tiến lên?".
"Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều đồng lòng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đang phản đốii trong khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer và các nghị sĩ đảng Dân chủ khác không quá vui mừng vì một mối quan hệ tốt với Triều Tiên, với lý do nó có thể dễ dàng dẫn đến mối quan hệ với Nga", ông nói.
Tuy nhiên, Lazare cho biết ông nghi ngờ liệu các nhân vật như ông Bolton và Schumer có thể làm gì để ngăn chặn quá trình này hay không.
Giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên sẽ có lợi cho Mỹ, mang đến khả năng loại bỏ lý do khiến Bình Nhưỡng quyết tâm giữ lại răn đe hạt nhân của riêng mình, ông Lazare giải thích.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Sputnik)