Sau thông báo Singapore được chọn là địa điểm đăng cai thượng đỉnh Mỹ - Triều, các chuyên gia cho rằng chính sự trung lập về ngoại giao của Singapore là một trong những lý do quan trọng khiến nước này được chọn.
Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp lãnh tụ Triều Tiên vào ngày 12/6 tại Singapore. Sau thông báo này, các chuyên gia đều nhận định nơi này là địa điểm có đủ những điều kiện lý tưởng để tổ chức thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Và trên hết, “quốc đảo sư tử” đủ trung lập để Triều Tiên và Mỹ tin tưởng.
Singapore được chọn là địa điểm đăng cai thượng đỉnh Mỹ - Triều. - Ảnh: visitsingapore.com |
“Trong lịch sử, quốc gia này đã là “nhà trung gian chân thành giữa Đông và Tây”, cựu Đại sứ Mỹ ở Singapore David Adelman nói với hãng tin AP.
Cựu đại sứ Singapore tại Mỹ Chan Heng Chee cũng cho rằng chính sự trung lập ngoại giao của Singapore là một trong những lý do quan trọng khiến nước này được chọn. “Singapore không phải đồng minh rõ ràng theo hiệp ước với Mỹ như Nhật Bản, Australia hay Philippines. Dù Singapore thường đón tiếp tàu và máy bay Mỹ, đây không phải là động thái biểu hiện thái độ trước bất kỳ diễn biến nào, mà là sự thoả thuận đã có từ năm 1990”, bà nhận định trên Washington Post.
Trong khi đó, nếu cuộc gặp diễn ra ở khu vực phi quân sự DMZ sẽ khiến sự kiện tỏ ra nghiêng về hướng hoà giải với Triều Tiên hơn. Đây là điều mà các cố vấn của Trump cố gắng không muốn đẩy đi quá xa.
Về mối quan hệ giữa Singapore và Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã từng cho rằng quan hệ Mỹ - Singapore đã trải qua chặng đường kéo dài nhiều thập kỷ kể từ khi nhà lập quốc cũng đồng thời là cha của ông, Thủ tướng Lý Quang Diệu, tới thăm Mỹ lần đầu tiên vào năm 1967.
Lãnh đạo hai nước cũng đã cam kết cùng hợp tác chặt chẽ để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Singapore là đối tác thương mại lớn của Mỹ và là nhà đầu tư châu Á lớn thứ hai vào Mỹ. Kể từ khi hai nước ký thỏa thuận thương mại song phương hồi năm 2004, kim ngạch thương mại Mỹ - Singapore đã tăng hơn 60% và Mỹ đạt 20 tỷ USD thặng dư thương mại với quốc gia Đông Nam Á này.
Thủ tướng Lý Hiển Long tin tưởng doanh nghiệp Mỹ có tiềm năng to lớn để đầu tư và phát triển các thị trường mới, qua đó mang lại sự thịnh vượng cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ đã có mặt ở Singapore từ năm 1968 và được phép tiếp cận các cơ sở quân sự của quốc gia này vào năm 1990.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí và các chương trình đào tạo quân sự cho quân đội Singapore, trong khi quốc đảo này là đối tác quan trọng của Washington trong nhiều vấn đề khu vực, từ chống khủng bố đến an ninh hàng hải.
Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Singapore sẽ khiến hai nước thịnh vượng và an toàn hơn. Giá trị chung của các bên sẽ khiến mối quan hệ bằng hữu song phương ngày càng bền chặt hơn. Chúng tôi thật may mắn khi có một đối tác tuyệt vời và chân thành như Singapore”.
Tổ chức cuộc gặp ở Singapore cũng sẽ tạo được hình ảnh tốt hơn cho ông Trump hơn là đến khu phi quân sự ở biên giới hai miền Triều Tiên – một địa điểm mà Tổng thống Mỹ từng nhắc tới như là một khả năng.
“Nơi này tốt hơn là Tổng thống Mỹ đến trước cửa nhà ông Kim Jong-un,” ông Ian Bremmer, CEO của Eurasia Group, nói. Ông nhận định rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần này ‘được chuẩn bị để diễn ra tốt đẹp”.
Tuy vậy, theo cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, Singapore không phải là đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Philippines. Sự trung lập của Singapore trong mối quan hệ với Mỹ chính là “điểm cộng” để nước này được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung ngày 24/10/2017 tại Nhà Trắng. - Ảnh: AP. |
Ông Robert Einhorn, một nhà phân tích về kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings và một cựu quan chức Bộ Ngoại giao người đã từng đàm phán với Triều Tiên trong những năm 1990, cho biết rằng phía Triều Tiên cũng thoải mái với lựa chọn Singapore vì họ từng tổ chức các cuộc họp ở đó và có đại sứ quán.
“Đó là một nơi mà các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể cảm thấy thoải mái”, ông Einhorn nói.
Nah Liang Tuang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, nhận định: “Singapore không quá xa như các nước châu Âu, điều này cho phép chuyên cơ của ông Kim Jong-un tới Singapore mà không cần tiếp nhiên liệu. Singapore cũng không gần tới mức Tổng thống Trump có thể bị coi là “nhún mình” trước ông Kim Jong-un khi phải đi một quãng đường xa hơn so với Triều Tiên để tới nơi gặp mặt”.
Singapore và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975 và Singapore là một trong số 47 nơi Triều Tiên đặt đại sứ quán. Người Triều Tiên cũng từng tới Singapore làm ăn trong quá khứ. Trước năm 2016, công dân Triều Tiên thậm chí có thể nhập cảnh Singapore mà không cần visa.
Theo nhà nghiên cứu Malcolm Cook tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, “phía Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phải xử lý rất nhiều vấn đề về hậu cần và nghi thức tại nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, do vậy việc chọn một nơi có đại sứ quán (Triều Tiên) là yêu cầu cần thiết được đặt ra”.
Mặc dù Singapore đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên từ năm 2017 dưới sức ép của Mỹ và Liên Hợp Quốc, song nước này vẫn duy trì mối quan hệ trung lập và hữu nghị với Triều Tiên.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)