Hiện nay, nguyên nhân gây ra vụ sập cầu Morandi ở thành phố Genoa, Ý vẫn chưa được làm rõ nhưng một số chuyên gia đã nêu giả thuyết.
Cầu đường bộ cao tốc Morandi dài 1,2 km (0,8 dặm) được hoàn thành vào năm 1967 và đã kết nối hàng chục tuyến đường sắt cũng như một khu công nghiệp có nhiều nhà máy.
Thông thường, một cây cầu được thiết kế để duy trì ít nhất trong 100 năm. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc vừa qua?
Hiện trường vụ sập cầu Morandi tại nước Ý - Ảnh: BBC |
Vấn đề bảo trì?
"Một cây cầu lớn như vậy cần được các kỹ sư có trình độ kiểm tra và bảo trì thường xuyên. Cầu Morandi đã trải qua khá nhiều đợt nâng cấp", Ian Firth, chủ tịch của Viện Kỹ sư Kết cấu Anh Quốc nhận định.
"Một số can thiệp bảo trì dường như đã diễn ra vào thời điểm đó, nhưng chúng tôi không biết chi tiết nên không thể kết luận liệu đây có phải là một yếu tố gây ra vụ tai nạn hay không", ông trả lời BBC News.
Các nhà điều hành đường cao tốc cho biết việc nâng cấp móng cầu đang diễn ra vào thời điểm tai nạn. Trong thời gian đó, công việc được theo dõi liên tục và sát sao. Quá trình tái cơ cấu được báo cáo đã hoàn tất vào năm 2016.
Bảo trì kém đôi khi là một yếu tố khiến một công trình kiến trúc sụp đổ.
"Trong quá trình hoạt động của cầu Morandi, bảo trì đôi khi là một yếu tố nếu không được lên kế hoạch chu đáo hoặc triển khai kém", ông Firth nói. "Nhiều nhà thầu chỉ coi việc bảo trì là giải pháp đối phó tạm thời nhằm ngăn chặn dấu hiệu xuống cấp và lưu lượng giao thông ngày càng tăng có thể là nguyên nhân gây ra vụ sập cầu".
Lỗ hổng trong thiết kế?
Bản đồ cho thấy vị trí phần cầu bị sập - Ảnh: BBC |
Các chi phí bảo trì thường xuyên đồng nghĩa với việc xây dựng một cây cầu hoàn toàn mới có thể là giải pháp tiết kiệm hơn, theo Antonio Brencich, một kỹ sư cấu trúc đang giảng dạy tại Đại học Genoa.
"Ngay lập tức, cây cầu biểu hiện nhiều vấn đề khác nhau, ngoài chi phí xây dựng, vốn đã vượt quá ngân sách", ông Antonio từng viết vào năm 2016, trong các bình luận được công bố trên truyền thông Ý.
"Cây cầu này có lỗi thiết kế. Sớm hay muộn, nó phải được thay thế”, ông cảnh báo. Những vấn đề này sau đó đã được sửa chữa, ông nói thêm. Trong những năm 1990, một quá trình cải tạo lớn đã diễn ra trên cầu Morandi.
Ông Brencich nhận xét nhà thiết kế, Riccardo Morandi, đã tính toán độ tuổi bê tông cốt thép bằng “một cái nhìn sâu sắc nhưng thiếu tính toán thực tế”.
Morandi rất giống với cây cầy Hồ Maracaibo ở Venezuela là đều do kiến trúc sư Morandi thiết kế.
Cây cầu đó "cũng đã trải qua những vấn đề trong quá trình vận hành. Vì vậy nhu cầu bảo trì của chúng là rất lớn", Ian Firth nói.
Nhưng ông cũng nói thêm: "Tuy nhiên, chưa có bằng chứng để nói liệu có bất kỳ tác động nào xảy ra hay không, còn quá sớm để khẳng định điều gì đã gây ra sự sụp đổ."
Lưu lượng giao thông quá tải?
Cây cầu Urdaneta ở Venezuela do kiến trúc sư Morandi thiết kế - Ảnh: Getty |
Sự xuống cấp có thể đã kết hợp với lưu lượng giao thông quá tải gây ra sự cố. Cây cầu có khoảng 25 triệu lượt xe qua mỗi năm và được coi là đường giao thông huyết mạch của tỉnh Riviera, Italy và nối miền bắc Italy với Pháp.
Một báo cáo năm 2011 của công ty đường cao tốc Ý Autostrade kết luận cây cầu đã bị hư hại: "Hàng dài xe hơi ùn tắc và khối lượng giao thông lớn gây hư hại nghiêm trọng cấu trúc cầu, đặc biệt trong giờ cao điểm", hãng tin Ý Ansa trích dẫn bản báo cáo trên.
"Sự sụp đổ có thể là hậu quả của lưu lượng xe quá tải", ông Firth nói. Nhưng cũng có khả năng cây cầu đã không nhận được nguồn đầu tư xứng đáng vào cơ sở hạ tầng bởi nền kinh tế Italy vốn đang tụt hậu so với các nền kinh tế khác ở Tây Âu.
Cuối cùng, các chuyên gia kỹ thuật đều đồng ý rằng cần có một đội ngũ chuyên gia điều tra tỉ mỉ để xác định nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn thảm khốc.
Thu Phương(Theo BBC)