(ĐSPL) - Việc "thầy" Nguyễn Gia Huệ có thể dùng Kinh Dịch bói trước tương lai cho người khác nhưng liệu "thầy" có bói cho chính mình? Những chiêu "hù ma trục quỷ" của "thầy" đã bị các chuyên gia vạch mặt, thậm chí theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, việc làm của "thầy" có thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Gương tày liếp, bài học nhãn tiền
Mấy năm gần đây, hàng loạt những vụ thầy phong thủy tự xưng "ăn lộc trời", đọc dăm ba cuốn sách phong thủy rồi "xưng hùng, xưng bá", lừa đảo tiền của người dân khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Những vụ thầy phong thủy, thầy bói rởm bị phanh phui và truy tố trước pháp luật về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là hiếm nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những "tín đồ" mê muội. Tuy nhiên, "gieo gió ắt có ngày gặt bão", những vụ thầy phong thủy, thầy bói rởm bị đưa ánh sáng pháp luật đều phải chịu hình phạt rất nặng.
Ngày 26/11/2014, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an huyện Bá Thước vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối tượng Bùi Thị Huệ (SN 1974, trú tại xã Thiết ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo.
Theo tài liệu của cơ quan công an, hành vi của Huệ là lân la đến các gia đình có người ốm đau, hoạn nạn trên địa bàn huyện Bá Thước và các huyện lân cận để thực hiện các phi vụ lừa đảo. Thủ đoạn Huệ thường dùng là tự tung hô mình có khả năng bói toán, gọi hồn hoặc làm lễ giải hạn ngay tại gia đình. Huệ đưa ra chiêu thức là phải đặt lễ giải hạn và yêu cầu đưa tiền để làm lễ. Toàn bộ số tiền này, Huệ gói vào trong quần áo nạn nhân và treo vào khu vực trong nhà bị hại, đồng thời yêu cầu gia đình không được đụng vào. Đến khi làm lễ xong, người nhà mới được mở. Tuy nhiên, khi gia đình mở ra thì số tiền đó đã không cánh mà bay.
Tại cơ quan công an, Huệ thừa nhận từ đầu năm 2013 đến nay, Huệ đã lừa đảo trót lọt trên 15 hộ dân với tổng số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.
“Thầy” Huệ đang nhận tiền của một "con nhang". |
Vụ việc trên cho thấy, những "con nhang, đệ tử" mê muội, bị cuốn vào vòng xoáy "tâm linh" của các thầy bói, thầy phong thủy rởm đã tự phải chi ra không biết bao nhiêu tiền để mua về cho mình những... tai ương, sợ sệt và lo lắng.
Cách đây một năm, ngày 27/11/2013, TAND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phiên toà xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Thị Kiều (53 tuổi, trú xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, giai đoạn 1999 - 2012, Kiều lập bàn thờ tại gia đình để hành nghề mê tín dị đoan. Kiều tuyên bố với mọi người là mình được "ơn trên" để chữa bệnh cứu người. Một số người bị đau mắt, cảm cúm... đến nhờ Kiều chữa và tình cờ hết bệnh nên sau đó "nhắm mắt" tin theo. Lợi dụng chuyện này, Kiều yêu cầu mỗi người giao tiền để cúng "bổn mạng và lấy lộc", mỗi lần cúng từ 20 - 30 triệu đồng. Tổng cộng, sáu người đã bị Kiều lừa, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 3,5 tỉ đồng.
Video tham khảo:
Thầy cúng “bày trò”, nuốt tiền của dân
Tại Cơ quan điều tra, Kiều khai nhận, số tiền lừa đảo được đã sử dụng hết vào việc chi tiêu cho gia đình. Kiều đã bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 18 năm tù và bồi thường hơn 3,5 tỉ đồng đã lừa đảo, chiếm đoạt cho các bị hại.
Từ những vụ án trên, câu hỏi đặt ra là liệu "thầy" Nguyễn Gia Huệ (mà chúng tôi đã phản ánh trong 7 bài báo trước) có thể bị điều tra về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không? Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Đông (Công an TP. Hải Phòng). Thượng tá Đông cho hay: "Chúng ta phải xem xét tới hai yếu tố là "ông thầy" đó có lừa đảo nhiều lần hay không và nó có gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Trong trường hợp, nếu những thông tin mà người dân phản ánh là thực thì việc đầu tiên là những người bị hại phải có đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an. Nếu người bị hại có thể cung cấp những bằng chứng cụ thể thì càng tốt (như băng ghi hình, ghi âm...).
Sau đó, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nữa. Khi thấy, những bằng chứng điều tra khớp với những bằng chứng mà người bị hại cung cấp, đồng thời củng cố thêm những bằng chứng khác, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc. Sau đó, nếu đủ căn cứ, cơ quan công an sẽ tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng để điều tra. Theo tôi, nếu đúng là lừa đảo với số tiền trên 30 triệu đồng, thì đã là hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng rồi. Hơn nữa, nếu "ông thầy" này lừa nhiều người thì cơ quan công an hoàn toàn có đủ căn cứ để khởi tố vụ án".
Căn cứ vào dân để xem xét xử lý
Xung quanh chuyện "thầy phong thủy" Nguyễn Gia Huệ đã mua chuộc lòng tin của các "tín đồ" bằng những quẻ tai ương, những vận hạn do ông tự "phán", báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả. Nhiều độc giả bức xúc trước việc trục lợi lòng tin, tiền bạc của người dân, thầy phong thủy đã “ẵm” cả trăm triệu trong nháy mắt.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Bói toán là một "nghề" không được Nhà nước công nhận, không được xã hội công nhận nên người hành "nghề" này, bản thân đã vi phạm pháp luật. Hơn nữa, lằn ranh giữa mê tín và lừa đảo trong nghề này rất mong manh. Tôi lấy ví dụ, khi một người dân đến xem bói và thấy những lời thầy phán là đúng thì họ rất tin tưởng và làm theo. Như vậy, việc làm này là hành vi mê tín. Tuy nhiên, nhiều người thấy không đúng trong khi phải bỏ ra mấy chục triệu đồng để làm lễ thì họ cho rằng, đấy là lừa đảo. Vì lằn ranh của nó quá mong manh, nên khi nhiều người cảm thấy mình bị mất tiền oan nhưng lại không dám viết đơn tố cáo lên cơ quan công an. Chính vì thế, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý này của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Luật sư Nghi cũng đánh giá về trường hợp của "thầy" Huệ như sau: "Trong trường hợp người bị hại cung cấp đầy đủ bằng chứng, tố cáo hành vi lừa đảo của "ông thầy" này (như ghi âm, ghi hình...) và có đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sau 20 ngày, cơ quan công an phải trả lời đương sự (nếu vụ án phức tạp thì sau 45 ngày) và lúc đó họ sẽ đối chiếu để xem xét có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Theo quan điểm của tôi, với những bằng chứng mà báo cung cấp thì "ông thầy" này có thể bị điều tra về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điều 139, Bộ luật Hình sự quy định rằng, những ai phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Tiếp tục xác minh thông tin về "thâm niên" hành nghề của "thầy" Huệ trên địa bàn, ông Lưu Như Thành, Phó Chủ tịch phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng mới về nhận công tác nên mọi chuyện cũng không được rõ. Qua thông tin báo Đời sống và Pháp luật phản ánh, tôi đã xác minh là có chuyện ông Huệ có lần xích mích với một người phụ nữ và đã bị Công an phường Hạ Đình lập biên bản. Nếu các anh muốn rõ hơn thông tin, tôi sẽ giới thiệu sang làm việc với Công an phường Hạ Đình để nắm rõ sự việc".
Theo lời giới thiệu của ông Lưu Như Thành, chúng tôi sang đặt lịch làm việc với Công an phường Hạ Đình. Sau hơn một tuần hẹn gặp thì lãnh đạo cơ quan công an phường cũng đồng ý gặp để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, đến ngày hẹn gặp để đảm bảo không bị lỡ hẹn trước khi đến làm việc, PV bản báo đã điện liên hệ trước. Tuy nhiên vị Trưởng Công an phường cho biết, tuy nắm rõ thông tin về vụ này nhưng theo nguyên tắc thì "chúng tôi phải nhận được sự đồng ý của Công an quận Thanh Xuân. Khi nào chúng tôi được sự chấp thuận đó thì sẽ cung cấp thông tin cho phóng viên".
Công an phường lập biên bản vì làm mất an ninh, trật tự Trong đơn đề nghị ông Nguyễn Gia Huệ gửi báo Đời sống và Pháp luật có viết rằng, ông và một người phụ nữ tên P.T.Y. đã có xích mích tại nhà ông (số nhà 58, tổ 24B, cụm 6, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) và cả hai cùng lên công an phường trình báo. Tại đó, bà P.T.Y. tố cáo ông Huệ lừa đảo của mình 300 triệu đồng. Trong khi đó, ông Huệ phủ nhận điều này và tố ngược lại rằng, bà Y. dùng bạo lực để ép ông Huệ về sống với mình?! Sau cùng, công an phường đã lập biên bản xử phạt hành chính hai người về tội gây rối, mất trật tự an ninh phường, đồng thời khuyên bà Y. về làm đơn tố cáo hành vi của ông Huệ gửi cơ quan Công an để giải quyết theo đúng pháp luật.. |