+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia nói gì về "màu áo" Nhà hát lớn Hà Nội?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - “Nhà hát lớn Hà Nội đẹp ở sự quý phái chứ không phải là màu sơn. Màu sắc mới làm phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử” – Giáo sư Hoàng Đạo Kính nói

    (ĐSPL) - “Nhà hát lớn Hà Nội đẹp ở sự quý phái chứ không phải là màu sơn. Màu sắc mới làm phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử” – Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho biết.

    Theo tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, giữa tháng 7/2015, Nhà hát Lớn Hà Nội (công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền) đã được chỉnh trang, sơn mới tường và các thanh sắt.

    Nhà hát lớn Hà Nội phủ lên mình màu áo mới.

    Đến nay, toàn bộ mặt tiền nhà hát đã được sơn mới với hai màu trắng và vàng tươi.

    Thực tế, màu áo mới của Nhà Hát lớn Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi lớn. Có quan điểm đồng tình, nhưng nhiều quan điểm cho rằng màu vàng chói lọi đã làm mất đi nét kiến trúc cổ của công trình nghệ thuật cấp Quốc gia này.

    Chị Cúc Phương (Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Nội đã 28 năm, hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội với tông màu dịu trước kia đã in sâu vào tâm trí mình. Mình cũng từng chứng kiến nhà Nhà hát trùng tu năm 1996 nhưng ngày ấy màu sơn không được thay đổi khác hẳn như bây giờ.”.

    Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng màu sơn mới đã phá nát kiến trúc của Nhà hát. 

    Nhận định về màu áo mới của Nhà hát Lớn Hà Nội, chị Cúc Phương cho rằng: “Cá nhân mình vẫn thích nét đẹp hoài cổ, màu sơn mới của Nhà hát cũng rất đẹp nhưng theo mình nó làm mất đi nét kiến trúc Pháp”.

    Em Việt Anh (học sinh lớp 10 trên địa bàn Tp. Hà Nội) cho biết: “Em thấy màu sơn cũ dịu hơn, màu sơn mới có vẻ chói và gắt”.

    Liên quan tới vấn đề này, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hoàng Đạo Kính - kiến trúc sư, chuyên gia về di sản và trùng tu.

    Giáo sư chia sẻ: “Là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong cuộc trùng tu Nhà hát lớn giai đoạn 1994 – 1997, bản thân tôi cảm thấy tiếc khi công trình này bị sơn màu sắc như vậy. Chúng tôi, những người làm trùng tu thời đó còn đây. Vậy mà khi sơn mới không hề được tham vấn ý kiến chuyên môn”.

    Vị chuyên gia về di sản và trùng tu phân tích: “Nhà hát lớn Hà Nội đẹp ở sự quý phái chứ không phải là màu sơn. Màu sắc mới làm phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử. Việc sơn mới phải được nghiên cứu rất tỉ mỉ để giữ được tính nguyện vẹn, không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, tinh thần của công trình”.

    Chiều 23/7, Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: "Về chuyện màu sơn của Nhà Hát lớn Hà Nội, Sở đã nhận được thư mời dự họp của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về vấn đề này. Nhà Hát lớn là công trình Bộ trực tiếp quản lý, nên tất cả các quyết định đều do Bộ thực hiện.”.    

    Với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, theo điều 34 Luật di sản, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phải bảo đảm giữ gìn tối đa nguyên gốc. Ở đây thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

    XUÂN TÙNG

    [mecloud]UIQLrpg1IO[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-noi-gi-ve-mau-ao-nha-hat-lon-ha-noi-a103201.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.