Theo nhà phân tích quân sự Cedric Leighton và cũng là một đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu nhận định, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có thể đã di chuyển trên chiếc trực thăng Bell 212 bắt đầu hoạt động từ cuối những năm 1960.
Ông Leighton chia sẻ với hãng tin CNN rằng khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Ông cho biết, mẫu trực thăng này lần đầu tiên được sản xuất tại Mỹ và sau đó ở Canada.
“Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1976 dưới dạng thương mại và đã có mặt trước đó trong quân đội Mỹ, vì vậy sự ra đời thực sự của mẫu máy bay trực thăng đặc biệt này có thể sớm nhất là vào cuối những năm 1960. Phụ tùng thay thế chắc chắn sẽ là một vấn đề đối với Iran", ông Leighton nói.
Trong trường hợp cụ thể này, nhà phân tích trên cho rằng các việc khó tìm kiếm các phụ tùng thay thế do các lệnh trừng phạt cộng với thời tiết rất xấu trong vài ngày qua ở khu vực đặc biệt phía tây bắc Iran đã góp phần gây ra một loạt sự cố khi điều khiển chiếc máy bay này.
Song, ông Leighton cũng lưu ý rằng thời tiết xấu có thể đóng vai trò quan trọng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng. Nhận định này cũng tương đồng với thông tin từ giới chức Iran rằng máy bay trực thăng gặp nạn cho sương mù dày đặc
"Thời tiết có sương mù, mưa và nhiệt độ thấp. Với nhiệt độ dưới 10 độ C, bạn sẽ thấy rằng có khả năng xảy ra hiện tượng đóng băng ở các cánh quạt ở độ cao lớn hơn. Cũng có khả năng xảy ra lỗi động cơ, vì vậy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến vụ việc", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Leighton cho biết thêm rằng việc bảo trì máy bay cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong vụ tai nạn. Theo ông, Iran đã phải chịu các lệnh trừng phạt và sử dụng thiết bị cũ để giúp các nhà lãnh đạo cấp cao của họ di chuyển. Vì vậy, yếu tố khác trong vấn đề này là việc bảo trì, liệu chiếc trực thăng có được bảo dưỡng đúng cách hay không.
Trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng 8 người khác gặp nạn vào ngày 19/5 khi bay qua địa hình núi trong sương mù dày đặc, trên hành trình trở về từ chuyến thăm Azerbaijan. Đến ngày 20/5, tất cả mọi người có trên mặt trên chiếc trực thăng gặp nạn đều đã thiệt mạng.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi xác nhận sự ra đi của Tổng thống Raisi, nội các chính phủ Iran ca ngợi ông là một tổng thống “làm việc chăm chỉ và không mệt mỏi” để phục vụ người dân, thúc đẩy và phát triển đất nước.
Nội các Iran cũng tái khẳng định rằng sẽ không có bất kỳ sự xáo trộn nào dù là nhỏ nhất trong chính quyền Iran sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng.
Theo CNN