Doanh thu ước tính lên đến hàng trăm triệu USD nhưng cơ quan thuế Việt Nam gần như không thu được thuế từ các đại gia Facebook, Google.
Doanh thu khủng
Doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam được cho là lên đến hàng trăm triệu USD nhưng chưa bị đóng thuế. |
Theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng đạt 550 triệu USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo trong nước như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress... chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, tương đương 33,3%. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7%, tương đương 387,1 triệu USD (trong đó, Facebook khoảng 235 triệu USD, Google khoảng 152,1 triệu USD).
Vẫn theo dự đoán của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ANTS dự đoán năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.
Không thể để các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, hưởng lợi trên đất nước ta nhưng lại không nộp thuế, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và gây bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google vẫn sẽ giữ vai trò “bá chủ” với hơn 512 triệu USD.
Bất bình đẳng
Mặc dù doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam, không những thế, lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước.
Ngày 9/1, trả lời báo chí, một lãnh đạo thuộc Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đang xây dựng đề án để có giải pháp quản lý phù hợp và chống thất thu thuế từ các doanh nghiệp hoạt động thương mại xuyên quốc gia như Google, Facebook.
Tuy nhiên, vị này thừa nhận, điểm khó trong công tác thu thuế là các doanh nghiệp này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại lý hoặc mua - bán trực tuyến. Trường hợp thông qua các đại lý trong nước thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật khi phát sinh doanh thu.
Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý trong nước. Trường hợp này, cơ quan thuế thu được thuế nhưng là do doanh nghiệp Việt Nam nộp chứ không phải từ Facebook hay Google. Còn trường hợp mua – bán trực tuyến và thanh toán qua thẻ tín dụng thì khó xác định.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc các doanh nghiệp như Google và Facebook, đang có doanh thu rất lớn nhưng lại không đóng thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang các đối tác trong nước đã gây mất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
“Thời gian qua, khoản thuế nhà thầu mà cơ quan thuế thu được không phải do các doanh nghiệp nước ngoài như Google và Facebook nộp mà chính doanh nghiệp Việt Nam đóng. Đây là điều rất bất hợp lý”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Vẫn theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nguyên nhân xuất phát từ việc chính sách thuế của chúng ta có nhiều điểm hở, nên phải nhanh chóng sửa chính sách để lấp ngay kẽ hở này. “Không thể để các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, hưởng lợi trên đất nước ta nhưng lại không nộp thuế, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và gây bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế”- Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). |
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mạng xã hội Facebook đang vi phạm ở 3 lĩnh vực là quản lý nội dung thông tin, quảng cáo online, thuế và thanh toán xuyên biên giới. Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook đang cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ các cá nhân, tổ chức và cả cơ quan Nhà nước. Có những Fanpage được lập ra để nói xấu, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Không những thế, Facebook còn dung túng cho người dùng bằng cách cho phép các tài khoản hoạt động rao bán, quảng cáo kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam trên nền tảng của Facebook. Dù là những hoạt động bất hợp pháp có thể bị phạt tù từ vài năm đến vài chục năm như: Quảng cáo mua bán tiền giả, mua bán vũ khí các vật liệu cháy nổ, dịch vụ buôn bán mại dâm,... tràn lan và công khai trên Facebook.
Một sai phạm đáng nói nữa là Facebook còn tự ý bán những quảng cáo cho người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam để thu liền từ những quảng cáo vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong quá trình đàm phán gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu Facebook không cho người dùng Facebook mua những quảng cáo nói xấu như thế này. Tuy nhiên, Facebook không có ý định tuân thủ pháp luật của Việt Nam vì chỉ hứa hẹn rất nhiều nhưng không bao giờ làm việc bằng văn bản và ký vào văn bản.
Tóm lại, Facebook sai phạm khi các dịch vụ quảng cáo trên Facebook không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam (không qua đại lý quảng cáo), không tuân thủ quy định khi đặt các máy chủ tại Việt Nam, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh.
Từ đó, Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp để xử lý những hành vi vi phạm của Facebook bắt buộc Facebook phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Hòa Bình
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 3