(ĐSPL) - Tổng thống Putin đã đặt quân đội trong tình trạng báo động, nhưng các chuyên gia Đức cho rằng ít có khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ đặt quân đội ở khu vực phía tây và trung tâm nước Nga trong tình trạng báo động hôm 26/2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết một số lượng lớn binh sĩ đã được huy động trong một thời gian ngắn, nhưng không đưa ra lý do. Báo chí Anh đưa tin 150.000 binh sĩ, 880 xe tăng, 90 chiến đấu cơ và 80 tàu chiến đã được đặt trong tình trạng báo động.
|
Báo chí Anh đưa tin 150.000 binh sĩ, 880 xe tăng, 90 chiến đấu cơ và 80 tàu chiến đã được đặt trong tình trạng báo động. |
Nhiều người ở Ukraine hiện đang lo ngại sự về khả năng can thiệp của quân đội Nga, sau khi nước này thay đổi ban lãnh đạo, khi Moscow không công nhận tính hợp pháp của chế độ mới ở Kiev.
Cách đây vài năm, ông Putin đã gọi một cuộc đối đầu quân sự với Ukraine là một "cơn ác mộng".
Tranh cãi trong Quốc hội Nga
Hôm 26/2, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvijenko nói "quá khủng khiếp" để nghĩ về một cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và nói thêm rằng một kịch bản như vậy sẽ là "không thể" xảy ra. Hội đồng Liên bang Nga bao gồm đại diện của các khu vực.
Trong khi đó, tại Duma Quốc gia, đã nổ ra một cuộc tranh luận nóng bỏng về sự thay đổi lãnh đạo ở Ukraine. Thủ lĩnh phe cánh hữu dân túy Vladimir Zhirinovsky đã đề nghị cấp hộ chiếu Nga cho các công dân Ukraine có nhu cầu.
Nhà phân tích Jens Siegert, giám đốc Quỹ Heinrich Böll ở Moscow, lưu ý rằng Nga đã cấp hộ chiếu cho người dân ở khu vực ly khai Abkhazia thuộc Gruzia và nói đây là "một bước nguy hiểm". Tuy nhiên, ông Siegert không chắc chắn liệu điện Kremlin có tiến hành một động thái tương tự ở Ukraine.
Đa số người Nga cũng không muốn Moscow can thiệp vào Ukraine. Theo một cuộc thăm dò gần đây - do Viện nghiên cứu VTsIOM ở Moscow tiến hành - cho thấy 73\% những người được hỏi ý kiến nói Nga không nên can thiệp vào tình hình Ukraine.
Can thiệp quân sự vào Ukraine là "hạ sách"
Không chỉ người Ukraine mà cả các chuyên gia phương Tây hiện đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Nga.
Nhiều chuyên gia Đức nghi ngờ khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Chuyên gia Gerhard Mangott của Đại học Innsbruck nói: "Tôi loại trừ kịch bản đó. Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ giữa Nga với Liên minh Châu Âu và Mỹ. Phát biểu với Deutsche Welle (DW), ông Mangott nói thêm rằng quân đội Ukraine có sức kháng cự mạnh.
|
Hai cuộc biểu tình đối lập dẫn đến đụng độ trên bán đảo Crimea |
Nhưng chuyên gia Gerhard Mangott cũng nói Nga có thể can thiệp quân sự, nếu xảy ra đụng độ lớn giữa người Nga và người Ukraine hoặc người Tatar ở Crimea và nếu lãnh đạo ở Kiev dùng lực lượng an ninh đàn áp, tước bỏ quyền tự chủ của bán đảo này. Nhưng ông cho rằng điều đó là "rất khó xảy ra".
Christian Wipperfürth với Hiệp hội về chính sách đối ngoại Đức (DGAP) ở Berlin cũng không thấy "có lý do gì khiến cho các đường biên giới Ukraine bị đe dọa", nhưng không cũng loại trừ hoàn toàn khả năng Nga sẽ can thiệp quân sự.
Hầu hết các chuyên gia Đức đều cho rằng Nga đã mắc phải một số sai lầm trong đối sách với Ukraine. Chuyên gia Mangott nói Điện Kremlin đã đánh giá thấp cuộc biểu tình phản đối trên Quảng trường Độc lập. Tổng thống Putin dường như đã tin rằng ông có thể gây ảnh hưởng ở Ukraine, với khoản tín dụng trị giá 15 tỷ USD. Ông Mangott không loại trừ việc Nga hủy bỏ cam kết cho Ukraine vay 15 tỷ USD và giảm giá bán khí đốt tự nhiên.
|
Chuyên gia Đức: Nga khó can thiệp quân sự vào Ukraine |
Học giả Peter Schulze của Đại học Göttingen nhận định cơ hội tác động vào chính trường Ukraine của Nga "đã biến mất cùng với sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovich". Theo ông, Nga cũng không thể "chơi con bài ly khai" ở Ukraine. Ông cho rằng quan hệ Nga-Ukraine trong tương lai sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào cuối tháng 5/2014. Ngay cả khi Ukraine tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Châu Âu, Kiev và Moscow vẫn sẽ phải "đi cùng với nhau".
Minh Đức (theo Deutsche Welle)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-duc-nga-kho-can-thiep-quan-su-vao-ukraine-a23356.html