Thế giới đối diện với nhiều dịch bệnh
Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện, Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) cho biết, hiện nay vào dịp Tết nhiều người có xu hướng thưởng thức món có lợi cho sức khỏe, lại vừa độ vừa lạ và không làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên.
Đa số người Việt vẫn có cái thú săn thịt thú rừng thuộc loại hoang dã quý hiếm vào các dịp lễ hay sự kiện đặc biệt như ngày Tết vì cho rằng “đặc sản rừng mới đẳng cấp…”.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại tình hình hơn 1 thập kỷ qua, thế giới và cả Việt Nam chứng kiến nhiều dịch bệnh bùng phát (AIDS, Ebola, SARS, cúm gia cầm COVID-19,…) mà nguồn gốc lại từ những loài động vật hoang dã. Chính các hoạt động của con người như săn bắt, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ... động vật hoang dã là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật bùng phát, lây lan.
Tính đến nay, toàn thế giới đã có hơn 700 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 với gần 7 triệu ca tử vong. Bên cạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, dịch bệnh còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như nhiều công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giao thương buôn bán đình trệ, du lịch hạn chế, không phát triển, giáo dục cũng gặp không ít khó khăn.
“Chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.
Cụ thể, như việc thực hành vệ sinh và an toàn sinh học kém như chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh, không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc động vật... sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân truyền lây bệnh từ động vật hoang dã sang người và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch bệnh và đại dịch...”, bà Hoàng Bích Thủy nói.
Thiệt hại nặng nề từ “nguồn” thực phẩm hoang dã
Theo kết quả nghiên cứu của Viện chính sách và chiến lược nông thôn (IPSARD) và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) công bố năm 2022, vào năm 2021, thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 nghiêm trọng, thì trung bình một cá nhân, nếu có sử dụng động vật hoang dã, thì vẫn tiêu dùng tới 5 lần và chi ít nhất 450,000 VNĐ cho mỗi lần sử dụng, so với khoảng 400,000 VNĐ mỗi lần vào năm 2019.
Các loài và thịt động vật hoang dã hay được ăn thịt gồm tê tê, rùa, cầy hương, mèo rừng và chim nằm trong danh sách 10 loài động vật hoang dã hay được tiêu dùng tại các thành phố lớn. Một trong những lý do đưa ra là thịt động vật hoang dã “sạch, an toàn”.
Tuy nhiên trên thực tế, động vật hoang dã có thật sự “sạch, an toàn”? Theo bà Hoàng Bích Thuỷ: “WCS và các đối tác đã thực hiện nghiên cứu về các mầm bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật và nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh, trong hơn 10 năm tại các mắt xích trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã tại Việt Nam, bao gồm, các trang trại gây nuôi động vật hoang dã, chợ/ nhà hàng/điểm buôn bán động vật sống và các động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật, kết quả đã phát hiện 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật trong đó có 26 virus mới chưa từng được phát hiện trước đây có trên nhiều loài động vật hoang dã khác nhau.
Trong khi số động vật hoang dã mà chúng tôi nghiên cứu còn là rất nhỏ so với số lượng động vật hoang dã cũng như số tác nhân gây bệnh, nên nguy cơ có thể xảy ra nhiều dịch bệnh mới nổi là hiện hữu nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để hạn chế các hành vi làm tăng nguy cơ lây truyền và phát tán mầm bệnh, cũng như các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị để ứng phó khi dịch bùng phát”.
Hành động quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, vừa qua, như chúng ta đã chứng kiến cả thế giới trải qua nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân bắt nguồn từ động vật hoang dã, sau đó trở thành đại dịch lây từ người sang người, như AIDS, SARS, đậu mùa khỉ…mới đây nhất là đại dịch COVID-19 (mặc dù nguyên nhân giới khoa học chưa xác định rõ ràng),…
Do khi bệnh mới nên khi bùng phát, các nước sẽ khó nhận biết là bệnh gì, điều trị ra sao, ngăn chặn thế nào. Sự chậm trễ đó là nguyên nhân khiến nhiều bệnh bùng phát trên diện rộng.
“Và Việt Nam cũng là một trong những nước “nhạy cảm” dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật”, ông Phu nói.
Theo ông Phu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay con người thích đi khám phá và “lấn” sâu vào những nơi “trú ẩn” của động vật hoang dã nhiều, đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguồn lây bệnh từ động vật hoang dã sang người.
“Việc giao lưu giữa các nước trở nên phổ biến, con người thích vào rừng để khám phá, sau đó trở ra bên ngoài thế giới văn minh cũng nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh lạ, bệnh nguy hiểm lây từ các động vật hoang dã”, ông Phu cho hay.
Một nguyên nhân khác là từ việc nuôi, bắt nhốt, giết mổ động vật hoang dã phục vụ nhu cầu của con người.
Cũng theo ông Phu, để ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người, đầu tiền cần sự chung tay quyết liệt của tất cả bộ, ban ngành, trong đó y tế và nông nghiệp là quan trọng nhất.
Đặc biệt, đối với ý thức của người dân, nên khuyến cáo người dân không sử dụng động vật hoang dã, không săn bắt, giết mổ và thực hiện các hành vi trái với quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng phải làm triệt để vấn đề này. Bởi, hiện nay mặc dù cấm săn, bắt, nuôi nhốt một số loài động vật hoang dã, nhưng ở nhiều nhà hàng vẫn mở bán những thực phẩm đó, vì đây vẫn là thực phẩm thú vị, khoái khẩu kích thích sự tò mò nhiều người.
Biện pháp quyết liệt, khung pháp lý cũng cần chặt chẽ
Ngoài các biện pháp trên, đối với khung pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông cho rằng, Việt Nam mặc dù đã có một hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tương đối toàn diện. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, việc thực thi các quy định pháp luật này cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng cần phải được củng cố hơn và có hướng dẫn chi tiết hơn.
Theo luật sư Bình phân tích, hiện nay chế tài cho việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh lây truyền tại Việt Nam có thể tìm thấy trong các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đến pháp luật xử lý hình sự.
Theo quan điểm của luật sư, mức xử phạt vi phạm hành chính này còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
“Thực tế cho thấy cho thấy số lượng vụ án, bị can bị khởi tố về 2 tội phạm này trong những năm gần qua không nhiều. Do đó, có thể thấy mặc dù các quy định về xử phạt vi phạm trong công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền đã được ban hành, tuy nhiên tính thuyết phục và hiệu quả áp dụng trong thực tiễn còn hạn chế”, luật sự Bình nhận định.
XEM THÊM: Mẹ trẻ khóc nghẹn nhìn khuôn mặt sau nhiều năm không dám tháo khẩu trang nơi công cộng
Đồng quan điểm, bà Hoàng Bích Thuỷ cũng nêu ra tâm lý chủ quan, ý thức kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật của người dân tại Việt Nam còn chưa cao... cũng chính là các nguyên nhân có thể làm lây truyền dịch bệnh.
Theo bà Hoàng Bích Thủy, để ngăn ngừa, chủ động ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Mộc Trà