+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời của người giữ lửa làn điệu dân ca cổ độc nhất vô nhị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dọc theo con đường đê tả ngạn sông Hồng, PV ĐS&PL tìm về một ngôi làng cổ có cái tên lạ, thôn Xa Mạc (thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội).

    Dọc theo con đường đê tả ngạn sông Hồng, PV ĐS&PL tìm về một ngôi làng cổ có cái tên lạ, thôn Xa Mạc (thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội). Đây cũng là nơi khai sinh điệu dân ca Xa Mạc nổi tiếng trong nghệ thuật chèo Việt Nam. Và, người giữ lửa cho làn điệu dân ca của quê hương ấy là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược (70 tuổi).

    Nên duyên vợ chồng từ lời ca, tiếng hát

    Từ làng trên xóm dưới, hỏi đến làn điệu dân ca Xa Mạc (thường gọi là hát Xa Mạc), ai cũng chỉ đến nhà ông Nguyễn Ngọc Lược. Người dân ở đây  còn gọi ông bằng một cái tên khác, thân thương hơn, ông Lược Chèo. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lược vẫn có “duyên” với điệu chèo cổ quê hương.

    Bên ấm trà nóng, ông Lược bắt đầu câu chuyện bằng đôi câu hát ví: “Quê hương nay đã đổi thay dần/Qua bao năm tháng đợi chờ, toàn dân góp sức xóm làng dựng xây/Đến giờ đã được đổi thay, làng trên xóm dưới từ nay thi hành”.

    Theo ông Lược, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc vốn là làng quê thuần nông nhưng lại được biết đến với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo – dân ca Xa Mạc. Chẳng rõ điệu chèo Xa Mạc có từ bao giờ, chỉ biết là người dân nơi đây đều trân quý làn điệu của làng mình và truyền từ đời này sang đời khác.

    Bằng niềm say mê làn điệu dân ca của quê hương, ông Lược cất công sưu tầm nhiều bài chèo cổ

    Người dân sở hữu một chất giọng đặc biệt, khỏe, ấm và có khả năng ép giọng để vang xa. Xưa kia, ai đi thuyền qua vùng này cũng đều có thể nghe được lời ca vang vọng từ rất xa. Ông Lược cho biết: “Xưa kia, các cụ vừa làm vừa hát, đứng ở bờ ruộng bên này hát đố sang bờ ruộng bên kia, người trên bờ hát giao duyên với người dưới thuyền... Đây là những làn điệu dân ca được hình thành trong lao động. Thế nên, nó phải hát rất vang, rất xa mới gửi gắm được tâm tình”.

    Hát Xa Mạc cổ được vận dụng để hát đối đáp, hát giao duyên, hát trên thuyền, hát lúc cày cấy, hát lúc quay tơ dệt lụa, hát ở sân đình... với nhiều thể loại phong phú. Nói về làn điệu dân ca của quê hương, ông Lược chia sẻ: “Dân ca Xa Mạc có nhiều điệu nhưng chủ yếu là hát ví trên nền thơ 6-8. Hát Xa Mạc không cần có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể ngẫu hứng tùy thuộc vào lời thơ, được áp dụng trong nhiều hình thức như hát đố, hát ghẹo, giao duyên, hát ví vận...”. Nhiều người nên duyên vợ chồng từ những lời ca, tiếng hát.

    Đi qua bão táp, chiến tranh

    Ông Lược cho rằng mình may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê này. Xuất thân từ gia đình có truyền thống văn nghệ, đặc biệt là hát Xa Mạc, làn điệu dân ca này đã đi vào tiềm thức của ông. Thuở còn nhỏ, ông đã được ông bà, bố mẹ dạy cho cách hát, cách ngâm những làn điệu cổ của quê hương. Ông cũng thường theo các cụ ra đình, ra đồng vừa lao động cày cấy vừa ngân nga những câu hát Xa Mạc.

    Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ông Lược lên đường ra trận cùng tình yêu dành cho những điệu chèo quê hương. Ông kể, sau những buổi hành quân, ông lại hát cho đồng đội nghe để xua đi nỗi nhớ nhà, xua đi nỗi buồn chiến tranh.

    Khi rời quân ngũ về làng, ông Lược nhận thấy, dân ca Xa Mạc không còn phổ biến như trước. Ông thấy buồn khi không còn ai mặn mà với chèo. Tiếc nuối với làn điệu cổ của quê hương, ông đã cất công tìm cách vực dậy và khôi phục truyền thống văn nghệ trong dân làng, nhất là với thế hệ trẻ.

    Phần thưởng của ông Nguyễn Ngọc Lược

    Giới thiệu một vài câu chèo cổ của quê hương, ông cất giọng ngân nga một câu đối đáp: “Khăng khăng cửa đóng then cài, người trong có nhớ người ngoài hay không?/Khăng khăng cửa đóng then đồng, nhớ thời có nhớ nhưng không được vào”. Chất giọng ấm mà ngân vang, ông Lược như đưa người nghe vào một không gian đời sống sinh hoạt của người Xa Mạc xưa.

    Niềm hạnh phúc được đền đáp

    Thời điểm rời quân ngũ cách đây 40 năm cũng là lúc ông bắt đầu hành trình tìm lại các bài hát dân ca cổ của làng. Thời gian ấy, ông bị dân làng cho là “lẩn thẩn”. Ông chia sẻ: “Việc sưu tầm những bài dân ca cổ lúc đó rất khó khăn, bởi không có ai ghi chép lại trong sổ sách, chủ yếu chỉ qua truyền khẩu. Lúc ấy, tôi phải đi tìm gặp các cụ cao tuổi trong làng, nhờ các cụ đọc lại lời bài hát để chi chép vào sổ”.

    Ông Lược sưu tầm được hàng trăm bài chèo cổ trong dân gian, học được cách thể hiện một bài chèo hoàn chỉnh. Từ đó, ông vận động dân làng cùng tham gia hát Xa Mạc, dần dần vực lại được làn điệu dân ca của quê hương. Nhờ sự nỗ lực và niềm say mê cháy bỏng, năm 1998, ông thành lập câu lạc bộ Hát dân ca Xa Mạc. Ông Lược vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ, vừa là người dạy hát, kiêm dàn dựng, biên đạo các bài chèo tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ của địa phương, thành phố.

    Bên cạnh việc sưu tập các bài chèo cổ, ông Lược còn sáng tác hàng trăm bài hát chèo, dựng hàng chục trường đoạn và ca cảnh tạo nên vở diễn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ông bộc bạch: “Để dựng một bài ca cảnh hoàn chỉnh, tôi phải mất cả tháng, viết một bài chèo thì cũng phải mất 1-2 ngày. Tốn nhiều công sức, thời gian nhưng tôi không hát chèo, không sáng tác chèo thì không chịu được”.

    Năm 2019, với niềm đam mê và những đóng góp trong việc khôi phục, phát triển làn điệu chèo “độc nhất vô nhị” của làng, ông Nguyễn Ngọc Lược vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là nguồn động viên để ông tiếp tục cống hiến để gìn giữ làn điệu dân ca truyền thống của quê hương. 

    “Đến giờ, tôi đã toại nguyện khi là người giữ gìn và truyền dạy hát Xa Mạc. Nhưng, tôi chẳng sống mãi để tự mình gìn giữ điệu chèo quê hương. Tôi vẫn mong muốn có sự quan tâm, đầu tư của các cấp xã, huyện, thành phố tạo điều kiện để làn điệu dân ca của quê hương ngày càng phát triển hơn”, ông Lược chia sẻ.

    Thái Phương

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (157)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-cua-nguoi-giu-lua-lan-dieu-dan-ca-co-doc-nhat-vo-nhi-a340996.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan