Người bạn đời gắn bó với Thiếu tướng Phan Văn Xoàn hơn nửa thế kỷ, chia ngọt sẻ bùi, thay chồng lo toan công việc, nuôi dạy 4 người con thành đạt là bà Tô Hồng Thu.
Có vợ đẹp vì được… bố vợ "cho"
Nhắc tới chuyện tình duyên của ba mẹ, anh Long kể rằng điều khiến anh ngưỡng mộ ba mẹ chính là tình cảm ông bà dành cho nhau. Ngay cả khi ông đã ngoài 80, bà ngoài 70 nhưng ông bà vẫn gọi nhau là anh em, hằng ngày cứ đúng 11h trưa là từ văn phòng công ty ông gọi điện thoại về nhà nhắc bà việc uống thuốc khiến lớp con cháu thán phục tình cảm của hai cụ.
"Mà ba anh lấy má cũng là do ông ngoại thương nên đã gợi ý cho đấy" - anh Long kể.
Năm 1950, mới 26 tuổi, Phan Văn Xoàn đã là Bí thư Huyện ủy Cà Mau, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bạc Liêu. Đúng lúc ấy, Trung ương yêu cầu Tỉnh ủy Bạc Liêu cử hai cán bộ ra Bắc để đi học Trường Chính trị Mác - Lênin Phương Đông ở Trung Quốc, Phan Văn Xoàn là một trong hai người ấy.
Tháng 9/1950, trước khi lên đường ra Bắc, anh cán bộ trẻ Phan Văn Xoàn mới cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi nhưng cũng kịp để lại một mầm sống.
Hành quân gần nửa năm mới ra đến Việt Bắc rồi sang Trung Quốc học. Năm 1953 trở về Việt Bắc, Phan Văn Xoàn muốn được trở lại miền Nam chiến đấu nhưng lúc này tổ chức lại phân công sang công tác ở Thứ Bộ Công an, làm nhiệm vụ bảo vệ nên mong ước trở về Nam chiến đấu phải gác lại và cũng bặt tin vợ con, gia đình.
Năm 1954, khi tình cờ gặp một cán bộ ở Bạc Liêu ra Bắc, Phan Văn Xoàn mới biết sau khi anh đi được mấy năm, người vợ trẻ đã đi bước nữa với một người ở phía bên kia.
Chuyện buồn của anh cán bộ trẻ rồi mọi người cũng biết. Một hôm, ông Lê Giản, người vừa là đàn anh, vừa là thủ trưởng cũ, nhìn cảnh đứa em đã 30 tuổi sau cú sốc tình cảm, cứ lủi thủi một thân một mình, thấy thương quá, nên gọi vào phòng bảo: "Tao biết hết chuyện của mày rồi, tao có một đứa em gái và hai đứa con gái, mày cứ tìm hiểu, mày ưng đứa nào tao cũng gả".
Nói là làm, ông Lê Giản tạo điều kiện để Phan Văn Xoàn được gặp cả em, cả con gái. Cô con gái lớn của ông Lê Giản là Tô Hồng Thu, năm ấy mới 21 tuổi, vừa đi học Sư phạm ở Trung Quốc về đang chờ phân công công tác.
"Sau này ba kể với chị em tôi rằng ngay lần đầu gặp má, một cô gái kém ba tới 10 tuổi, xinh đẹp, dịu dàng, ba đã quyết định đó sẽ là vợ mình" - anh Long cười khi kể lại chuyện ba mẹ cách đây nửa thế kỷ. Cuối năm 1955, Phan Văn Xoàn tổ chức đám cưới với cô giáo Tô Hồng Thu, chính thức "thăng chức" cho "ông anh" Lê Giản lên thành bố vợ.
Suốt những năm chiến tranh, cuộc sống của gia đình chồng công an, vợ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc. Với ông, công việc của người lính cận vệ là những chuyến công tác triền miên, ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, vì thế một tay bà lo toan tất. Năm 1968, trước khi ông lên đường sang Paris làm nhiệm vụ, bà sinh cậu con trai thứ 2. Suốt những năm tháng ấy, một mình bà tần tảo nuôi 3 con ăn học.
Tháng 5/1975, ông vào Nam tổ chức Phân cục Cảnh vệ tại TP.HCM. Thu xếp xong công việc, ông về Cà Mau tìm lại gia đình, gặp lại mẹ, các chị và nhờ người tìm giúp gia đình người vợ cũ để gặp con gái.
Ngày ông ra đi, con gái mới tượng hình, ngày trở lại đã là cô gái 25 tuổi. Người chồng sau của vợ cũ là một trung tá quân đội Sài Gòn. Hai người có tới 12 đứa con nên sau giải phóng cuộc sống rất khó khăn. Nhìn cảnh ấy, ông đã đứng ra xin với Ủy ban quân quản cho ông ta đi cải tạo trong thời gian ngắn nhất để trở về lo cho đàn con lít nhít.
Đưa con gái về TP.HCM, ông vẫn để hai mẹ con đi lại với nhau. Nhưng ông ra điều kiện mỗi lần bà lên thăm con phải có cả người chồng đi cùng để tránh hiểu lầm.
Sau này, khi về hưu và thành lập Công ty vệ sĩ Long Hải, ông nhận các con của họ vào làm việc; trong số ấy giờ đây có người đã lập gia đình ở TP.HCM và vẫn làm việc ở công ty. Còn người con gái, sau khi được ông đưa về TP.HCM, ông cho chị học tiếp rồi chị vào làm ở Hải quan TP.HCM cho tới khi về hưu.
Anh Long kể năm 2010, má anh mất, sau khi lo chu tất cho bà, ba anh gọi tất cả các con lại dặn rằng, theo tiêu chuẩn thì khi ông đi gặp tổ tiên, ông sẽ được nằm ở Nghĩa trang Thành phố, nhưng ông muốn các con đưa tro cốt cả hai ông bà lên một ngôi chùa gần nhà, vừa tiện cho các con chăm sóc, hương hoa mà ông cũng được ở cạnh bà yên giấc ngàn thu.
"Sau ngày má mất, vì tuổi ba đã cao nên vợ chồng tôi mới dọn về ở chung với ba để tiện chăm sóc. Khi có thời gian sống ở cạnh ba hằng ngày, tôi mới nhận ra ba luôn dành những ưu ái đặc biệt cho những người phụ nữ trong nhà. Ngày vợ chồng tôi mới về ở cùng ba, một hôm ba nói với bà xã tôi thống kê xem trong nhà còn thiếu những đồ dùng gì; mà ông yêu cầu phải lập một danh sách để ông xem.
Khi thấy con dâu đưa cho một danh sách các loại máy móc còn thiếu, ông gật đầu bảo đi cùng ông tới siêu thị điện máy để mua cho đủ trước sự ngạc nhiên của con dâu. Mang về nhà, lắp đặt xong, ba mới nói với cả gia đình rằng ba muốn những người phụ nữ trong nhà thay vì suốt ngày "đầu tắt mặt tối" với công việc cơm nước, dọn dẹp thì cái gì máy móc làm thay được thì hãy để nó làm để còn được nghỉ ngơi".
Một chuyện khác khiến cả 3 cô con dâu của ông cảm động. Gần tết năm 2011, ông gọi tất cả các con về ăn cơm và nói cả năm cứ mỗi dịp tết đến thì chỉ cánh đàn ông là được thoải mái bù khú chứ phụ nữ vất vả hơn ngày thường vì suốt ngày phải lo cơm nước, khách khứa. Vì thế, để "giải phóng phụ nữ" ông quyết định tết này cả đại gia đình sẽ đi du lịch Mũi Né từ mùng 2 đến mùng 5 vì "ba muốn cả nhà mình có những ngày được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau".
Nghe vậy, tất cả con cháu đều đồng ý vì muốn ông vui. Nhưng quả thực đó là cái tết đáng nhớ của cả đại gia đình. Sau tết ấy, thành lệ cứ mùng 2 tết là cả đại gia đình ông lại đi du lịch và ông rất vui khi thấy con gái, con dâu thay vì tất bật lo nấu nướng đã có được những ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn. |
Nhắc tới ba, anh Long bảo rằng giờ đây, cả 3 anh em, người trẻ nhất cũng đã sang tuổi 40, mỗi người một công việc và đều có sự nghiệp riêng, nhưng cả 3 anh em đều chung một điểm là luôn ngưỡng mộ ba, không phải vì ba là một vị tướng mà là người mẫu mực không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống gia đình.
Là vị tướng chỉ huy cả ngàn quân, lại thân cận với nhiều cán bộ cao cấp, quen biết rộng nhưng khi các con đến tuổi trưởng thành, ông không bao giờ áp đặt con phải làm gì mà chỉ định hướng để mỗi người tự chọn cho mình một con đường đi phù hợp.
"Ba luôn dạy chị em tôi trước khi quyết định việc gì hãy nghĩ cho thật kỹ, khi đã quyết thì phải cố gắng làm bằng được”.
Vì thế, năm 1977, khi Phan Hồng Long học hết cấp ba, với quan hệ của mình, ông hoàn toàn có thể xin cho con đi học nước ngoài hoặc làm một công việc gì đó. Nhưng khi anh nói sẽ đi bộ đội, ông chỉ hỏi con đã nghĩ kỹ chưa. Nghe con nói đã nghĩ kỹ rồi thì ông nói "ba ủng hộ con, nhưng ba dặn trước, ba mẹ sẽ chỉ đón con về khi có giấy xuất ngũ chứ không đón một đứa thấy khổ mà đào ngũ đâu".
Và ông đã không hề "gửi gắm" gì với chỉ huy đơn vị nơi con nhập ngũ. Làm lính Binh đoàn 12, Phan Hồng Long kể rằng anh đã sống những ngày gian khổ ở núi rừng Tây Bắc, có những lúc tưởng không vượt qua được, nhưng cứ nghĩ tới lời ba dặn thì lại cố phấn đấu, vượt qua.
"Tháng 12/1982, sau hơn 5 năm đời lính, tôi được xuất ngũ sau khi đã kết nạp Đảng. Ngày trở về, thấy tôi đưa cả giấy xuất ngũ và thẻ đảng viên ra, ba ôm lấy tôi và nói "ba cảm ơn con, thế là nhà mình đã có thể thành lập chi bộ rồi".
Xuất ngũ, anh Long vào làm lính cảnh vệ, sau đi học trường Cảnh sát rồi về làm ở Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội rồi ra ngoài làm doanh nghiệp; trước mỗi lần con thay đổi công việc, ông chỉ hỏi con một điều "đã suy nghĩ kỹ chưa" và luôn tôn trọng quyết định của con. Vì vậy, khi người con gái lớn quyết định học Đại học Ngoại ngữ; người con trai thứ 3 đi học Đại học Hàng hải, ông đồng ý và động viên con cố gắng học để có kết quả tốt nhất.
Với người con trai út cũng vậy, sau mấy năm đi Công an nghĩa vụ ở đơn vị Cảnh sát Bảo vệ, khi hết hạn nghĩa vụ, ông hỏi con có muốn ở lại Công an không? Nghe con nói muốn về học thêm ngoại ngữ để đi học Đại học Kinh tế, ông ủng hộ ngay. Người con trai út của ông sau này đã trở thành giám đốc kinh doanh của Văn phòng đại diện một hãng hàng không nước ngoài ở Việt Nam.
Với các con thì như vậy, nhưng với lính ở đơn vị, ông lại luôn chăm lo tới đời sống. Một cán bộ hiện đang công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ kể với tôi rằng Tư lệnh Phan Văn Xoàn chính là người đầu tiên quyết định xin đất của thành phố để cấp cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà. Vì thế, cho tới bây giờ, mỗi khi nhắc tới ông, nhiều người vẫn không quên quyết định đầy trách nhiệm này của người thủ trưởng cũ bởi nhờ có ông mà nhiều người mới có chỗ để "an cư lạc nghiệp" giữa thủ đô "tấc đất tấc vàng".
Bắt đầu nghề giám đốc khi đã qua tuổi 70
Năm 1992, Thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh vệ Phan Văn Xoàn về hưu khi sang tuổi 68. Về hưu, ông trả lại ngôi nhà ở phố Phan Đình Phùng và đưa gia đình vào TP.HCM sinh sống và quyết định bắt đầu một công việc mới, đó là làm… giám đốc công ty bảo vệ.
Biết ông định lập công ty, nhiều người đều can ngăn; ai cũng nói "anh có tuổi rồi, con cái cũng đều thành đạt cả, đến lúc được nghỉ thì dành thời gian đi chơi chứ làm làm gì cho khổ". Nhưng ý ông đã quyết là làm, dứt khoát không nghe bàn lùi.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn cùng các con cháu. |
Ngày ấy, ở Việt Nam chưa có ai làm công ty bảo vệ, nên phải mất cả năm trời lo thủ tục, mãi tới tháng 12/1995, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ bảo vệ Long Hải được chính thức thành lập và là công ty bảo vệ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Lập công ty, ông trực tiếp làm giám đốc, giúp việc cho ông là 3 người con lớn; ông trực tiếp tuyển chọn, đào tạo nhân viên và định hướng đi cho công ty. Kinh nghiệm cả một đời làm cảnh vệ đã giúp ông thành công trong công việc mới, Công ty Long Hải ngày đầu thành lập chỉ có 44 nhân viên thì đến nay đã có hơn 3.000 nhân viên hoạt động tại 18 tỉnh, thành trong cả nước. Một đối tượng luôn được ông ưu tiên tuyển chọn vào công ty là bộ đội xuất ngũ.
Hơn 10 năm làm Giám đốc nhân sự cho Công ty Long Hải, Phan Hồng Long kể rằng anh luôn được ba "quán triệt" là phải chăm lo đầy đủ quyền lợi cho nhân viên, không được để có bất cứ sai sót cố ý nào trong cách đối xử với nhân viên và phải luôn hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đầu năm 2014, thấy sức khỏe ông không được tốt, mọi người nói muốn ông được nghỉ ngơi. Phía đối tác nước ngoài liên doanh với Công ty Long Hải thì muốn ông giữ một chức vụ danh dự ở công ty bởi công ty này chính là "con đẻ", là tâm huyết suốt gần 20 năm của ông, vì thế tất cả đồng ý phong cho ông chức cố vấn cao cấp. "Nhưng thực sự ba tôi chỉ nghỉ ngơi có một tuần trước khi mất".
Ngày 29/4/2014, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn ra đi ở tuổi 91. Theo đúng ý nguyện của ông là không nằm ở Nghĩa trang Thành phố, sau khi hỏa táng, gia đình đã đưa tro cốt ông lên chùa Giác Uyển, đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, nơi đang giữ tro cốt của người vợ dấu yêu.