(ĐSPL) - Năm 318, hoàng đế nhà Hán Triệu là Lưu Thông qua đời, Lưu Diệu tự mình dẫn quân dẹp loạn rồi tự mình lên làm hoàng đế và lập Dương Hiến Dung làm hoàng hậu. Dương Hiến Dung trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc trở thành hoàng hậu của 2 quốc gia khác nhau…
5 lần phế lập
Đúng hai tháng sau khi Dương Hiến Dung trở thành hoàng hậu, Tư Mã Luân tự cho rằng mình đã “yên được lòng dân” nên nghe theo lời xúi giục của tâm phúc Tôn Tú, quyết định phế Tư Mã Trung, tự mình lên làm hoàng đế. Tư Mã Trung bị phế, đương nhiên Hoàng hậu Dương Hiến Dung cũng bị phế theo. Cả hai vợ chồng bị nhốt vào trong ngục tối. Cô tiểu thư xinh đẹp họ Dương chưa kịp tận hưởng sự hạnh phúc được làm một “mẫu nhi thiên hạ” thì đã nếm mùi cay đắng của tù tội. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của quãng thời gian hơn 10 năm với “sáu lần lập, năm lần phế” của Dương Hiến Dung.
Không lâu sau khi Tư Mã Luân cướp ngôi, các thân vương khác đều cảm thấy bất mãn. Tháng 3 năm 301, Tề Vương Tư Mã Quýnh khởi binh cùng Tư Mã Dĩnh, Tư Mã Ngung tập hợp hơn 10 vạn binh mã kéo về thủ đô Lạc Dương tấn công tiêu diệt Tư Mã Luân. Tư Mã Trung và Dương Hoàng hậu lại một lần nữa được đón về cung. Tuy nhiên, vừa thoát khỏi Luân thì ông vua ngốc nghếch Tư Mã Trung lại bị một thân vương khác thao túng. Và lần này là người vừa mới khởi binh đưa Trung và Dương Hiến Dung ra khỏi nhà ngục – Tề Vương Tư Mã Quýnh.
Ảnh minh họa. |
Quýnh cho rằng mình có công giúp vua trở về ngai vàng nên tự phong mình làm Đại Tư Mã, nắm giữ mọi quyền lực trong triều đình. Hết Tư Mã Luân làm loạn, vừa dẹp xong thì lại đến Quýnh ngông cuồng, ngạo mạn. Chư vương đương nhiên không chịu. Tháng 12 năm sau đó, Tư Mã Ngung, người năm xưa từng giúp Quýnh, liên minh với Tư Mã Dĩnh, Trường Sa Vương Tư Mã Nghệ kéo quân về Lạc Dương trị tội Quýnh.
Đầu tiên, Tư Mã Nghệ tấn công vào Lạc Dương, giết chết Quýnh. Thế nhưng, sau khi giết Quýnh thì Nghệ lại tự mình thay thế vị trí của Quýnh, làm Đại Tư Mã. Vì thế, Tư Mã Ngung và Tư Mã Dĩnh lại kéo quân đến vây thành Lạc Dương, đòi giết Nghệ. Tháng giêng năm 304, sau khi giành thắng lợi, Tư Mã Ngung và Tư Mã Dĩnh kéo nhau vào Lạc Dương, ép Tư Mã Trung phải phế truất Dương Hiến Dung cũng như hoàng thái tử Tư Mã Đàm làm thứ dân. Tháng 2 năm đó, Dương Hiến Dung bị phế làm thứ dân, giam ở thành Kim Dung. Lần thứ hai người phụ nữ xinh đẹp này bị tước mất ngôi hoàng hậu.
Tuy vậy, chưa đầy nửa năm sau đó, Tư Mã Dĩnh bị các thân vương do Tư Mã Việt dẫn đầu đánh bại, phải trốn về Nghiệp Thành. Một lần nữa, hoàng đế Tư Mã Trung đón Dương Hiến Dung trở lại cung với ngôi vị hoàng hậu. Sau đó, Trung dẫn quân tới Nghiệp Thành trị tội Dĩnh nhưng bị Dĩnh đánh bại và bắt sống. Khi nhận được tin Tư Mã Trung thất bại tại Nghiệp Thành, một bộ tướng cũ của Tư Mã Nghệ là Trương Phương đã xông thẳng vào thành Lạc Dương, khống chế triều đình và lần thứ ba, ra lệnh phế truất Dương Hiến Dung làm thứ dân.
Không lâu sau, Trương Phương đánh bại Tư Mã Dĩnh, bắt được hoàng đế Tư Mã Trung. Sau khi khống chế hoàng đế, Trương Phương ép ông dời Lạc Dương về Trường An. Sau khi Tư Mã Trung bị bắt đi Trường An, các quần thần còn ở lại Lạc Dương tự tổ chức thành một triều đình nhỏ và đưa hoàng hậu Dương Hiến Dung về làm người đứng đầu về mặt danh nghĩa. Biết chuyện này, Trương Phương đã ép Tư Mã Trung ra lệnh phế truất Dương Hiến Dung một lần nữa. Lần thứ 4 Dương Hiến Dung bị phế truất.
Tháng 11 năm đó, tướng quân Chu Quyền giả tuyên bố nhận được mật chiếu của Tư Mã Trung, tự phong là Bình Tây Tướng quân, và một lần nữa khôi phục ngôi vị của Hoàng hậu Dương Hiến Dung. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Chu Quyền lại bị viên quan đứng đầu Lạc Dương là Hà Kiều tiêu diệt. Vừa được đưa trở lại ngai hoàng hậu chưa bao lâu, Dương Hiến Dung lại bị Hà Kiều hạ lệnh phế truất, tổng giam vào thành Kim Dung. Đây là lần thứ 5 Dương Hiến Dung bị phế truất.
“Lưỡng quốc” hoàng hậu
Tại Trường An, Tư Mã Ngung mượn danh nghĩa Tư Mã Trung tự phong mình làm Thái tể. Ngung cho rằng, Dương Hiến Dung xuất thân danh gia vọng tộc, lại là hoàng hậu, để cô ta sống sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, Tư Mã Ngung đã làm giả chiếu thư của Tư Mã Trung, vu khống Dương Hiến Dung tội làm phản và yêu cầu các quan viên của triều đình còn lại ở Lạc Dương giết Dương Hiến Dung.
Âm mưu sát hại hoàng hậu của Tư Mã Ngung một lần nữa lại chọc giận các thân vương khác khi nhiều người cho rằng, nó đã lộ rõ dã tâm của Ngung. Các thân vương lại cùng nhau khởi binh, tôn Tư Mã Việt làm minh chủ kéo quân thảo phạt Tư Mã Ngung. Tháng 5 năm 306, Tư Mã Việt công hạ thành Trường An. Tháng 6, Tư Mã Trung lại được đưa ra khỏi thành Kim Dung, trở lại với ngôi hoàng hậu.
Tuy nhiên, chẳng được bao lâu sau, Trung bị đầu độc giết chết. Tư Mã Sí được đưa lên ngôi, sử gọi là Tấn Hoài Đế. Sí lên ngôi, không phong cho Dương Hiến Dung làm hoàng thái hậu mà chỉ phong làm “Huệ Hoàng hậu” rồi chuyển vào sống trong thâm cung. So với các anh em của mình thì Tư Mã Sí là một người thông minh và có tài. Tuy nhiên, vào thời điểm Sí lên ngôi hoàng đế, triều Tây Tấn đã lụn bại tới mức không thể cứu vãn được nữa. Năm 311, sau khi Tư Mã Sí lên ngôi được 5 năm, hậu duệ Hung Nô đã sáng lập Đế quốc Hán Triệu, bắt đầu tấn công Tây Tấn. Tháng 6 năm đó, đại tướng của Hán Triệu là Lưu Diệu Công Hạ Lạc Dương, bắt sống Tư Mã Sí.
Sau khi Công Hạ Lạc Dương, Lưu Diệu có được người phụ nữ mà ông ao ước bấy lâu, đó là cựu Hoàng hậu của nhà Tấn - Dương Hiến Dung. Khi còn trẻ, Lưu Diệu từng sang Lạc Dương chơi, do vậy đã từng nghe danh bà hoàng hậu nổi tiếng đẹp và quyền quý này. Vì thế, sau khi bắt được Dương Hiến Dung, Lưu Diệu đã nạp Dương Hiến Dung làm thiếp của mình. Dương Hiến Dung đã sinh cho Lưu Diệu 3 người con.
Năm 318, hoàng đế nhà Hán Triệu là Lưu Thông qua đời, Lưu Diệu tự mình dẫn quân dẹp loạn rồi tự mình lên làm hoàng đế và lập Dương Hiến Dung làm hoàng hậu. Dương Hiến Dung trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc là hoàng hậu của 2 quốc gia khác nhau.
Chuyện kể rằng, sau khi Lưu Diệu phong cho Dương Hiến Dung làm hoàng hậu, ông đã hỏi vợ rằng: “Ta đây với họ Tư Mã (Tư Mã Trung) thì ai hơn?”. Dương Hiến Dung đã trả lời: “Về căn bản chẳng có gì đáng để so sánh. Hoàng thượng là một ông vua mở nước, còn ông ta là một ông vua mất nước. Ông ta có một vợ, một con cũng không thể bảo vệ được, thân là hoàng đế mà vợ tới 5 lần bị phế truất làm thứ dân. Trước đây, khi thiếp bị bệ hạ bắt về, thực là không muốn sống, nào dám nghĩ rằng đến nay lại được phong làm hoàng hậu. Thiếp vốn xuất thân trong một dòng họ danh giá, nên coi thường bọn đàn ông phàm phu tục tử. Tuy nhiên, từ ngày về với bệ hạ, thiếp mới biết thế nào là một đại anh hùng!”.
PHONG NGUYỆT
Clip: Vì sao hoàng đế nhà Thanh thường băng hà vào mùa đông?