"Lúc rời chùa trong túi chỉ còn 50.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ mua vé xe lên Sài Gòn, ăn ổ bánh mì và chai nước", nhà sư vừa hoàn tục nói.
Sinh ra không biết mặt bố mẹ, sống với bà ngoại từ nhỏ đến lúc đi tu. Vì thế, nhà sư Thích Pháp Định (thế danh Phan Văn Triển) luôn muốn điều gì đó giúp người khó khăn. Do đó, năm 15 tuổi với mong muốn bớt khổ cho bà ngoại và được sống trong môi trường Phật pháp, cậu bé Triển đã xin làm đệ tử của Hòa thượng Thích Huệ Thành, Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bến Tre. Từ đó, Triển chuyên tâm tu tập tại chùa Gia Hưng (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) với pháp danh là Thích Pháp Định.
Sống với sư phụ một thời gian, Pháp Định quyết định xin về Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn đối với giáo lý Phật đà.
Nhắc về cuộc đời của mình, Pháp Định tâm sự: “Lúc nhỏ hai bà cháu ở cực khổ lắm, nhiều lúc thấy bà lớn tuổi phải lọ mọ tìm kế sinh nhai để nuôi mình mà thương bà lắm. Còn cha mẹ thì không có, cho đến khi mười mấy tuổi không nhớ rõ mới biết thông tin của mẹ. Lúc đó mẹ đã có chồng ở TP HCM nên không giúp được gì nhiều cho hai bà cháu”.
Pháp Định sinh ra không biết mặt bố mẹ, sống với bà ngoại từ nhỏ đến lúc đi tu. |
“Sống khổ cực từ nhỏ nên tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, tôi cảm nhận được nổi khổ của những người có hoàn cảnh khốn khó, bất hạnh… chính vì thế khi nghe tin ca sĩ Wanbi Tuấn Anh bị bệnh hiểm nghèo tôi cũng chỉ muốn giúp mà thôi", nhà sư tâm sự.
Sau khi xảy ra sự việc "khóa môi" Đàm Vĩnh Hưng trong đêm nhạc từ thiện, trước áp lực của dư luận cộng thêm việc bị ca sĩ này đưa ra thêm thông tin những chuyện động trời, Pháp Định quyết định xin Y chỉ sư (người thay sư phụ bổn sư hướng dẫn tu học) Thượng tọa Thích Bửu Chánh cùng chư tăng Thiền viện Phước Sơn được hoàn tục.
“Lúc rời khỏi chùa quả thật trong túi chỉ còn được 50.000 đồng. Số tiền này cũng chỉ đủ mua vé xe lên Sài Gòn, ăn ổ bánh mì và chai nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là điều mình phải chấp nhận sau những gì đã gây ra, nhưng tôi không dám về nhà vì sợ người thân buồn và sốc”, Pháp Định chia sẻ.
Vì là một người xuất gia từ nhỏ nên khi ra đời, Pháp Định gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Những ngày lang thang tại Sài Gòn, Pháp Định được những người quen hỗ trợ. Hiện tại, Pháp Định đang ở nhà một Phật tử.
Dù đã trả 3 y và bát lại cho Y chỉ sư nhưng Pháp Định vẫn mong muốn sau này vẫn có thể tiếp tục trở lại đường tu. |
“Tôi không muốn về quê vì sợ bà ngoại biết tin dữ, sốc không chịu nổi. Tuổi của bà hiện nay lớn rồi sợ khó vượt qua nếu biết chuyện. Thời gian tới chắc tôi phải đi tìm nơi nào đó để tự tu tiếp. Giới luật nhà Phật cho phép một người có thể xuất gia và hoàn tục được 7 lần. Những người nào vì điều kiện phải xa quê cũng còn muốn quay về nguồn cội. Tôi đã gắn bó sâu nặng với chùa và sư phụ bao năm nay, vì thế nhất định tôi sẽ quay về đó nương tựa, tu tập để thực hiện cho được con đường trước đây đã chọn. Điều duy nhất tôi mong muốn là mong mọi người hãy tha thứ cho những điều đáng tiếc đã xảy ra. Ai cũng phải có lỗi lầm, hãy cho tôi một cơ hội…”, nhà sư vừa hoàn tục nói.
Một doanh nhân tên Chính, có một bệnh viện tư nhân tại quận 12 đã liên lạc để được giúp đỡ nhà sư Thích Pháp Định. Vì là người hay tiệp cận với quý thầy, quý sư nên khi anh đọc được những thông tin về hoàn cảnh của Pháp Định, anh muốn giúp một cái gì đó.
Anh Chính cho biết, mình có tham gia cùng một nhóm Phật tử làm một cơ sở từ thiện. Cơ sở này được thành lập có văn phòng như một tịnh thật, chuyên giúp đỡ người khó khăn. Điều này sẽ rất phù hợp với Pháp Định nếu tham gia.
Sau khi nghe kể về lời mời làm việc của một doanh nhân ở Sài Gòn đối với mình, Pháp Định đã nhờ gửi lời cảm ơn về lời mời làm việc nhưng vì thời gian qua có quá nhiều biến cố xảy ra nên bản thân Pháp Định muốn được yên tĩnh một thời gian. Đồng thời Pháp Định cũng chia sẻ mong muốn thời gian tới nếu có thể sẽ tìm một nơi không xô bồ, ít người để tiếp tục tu tập.