(ĐSPL) - Đây có thể nói là một phong tục rất “lạ” và “độc” mỗi khi nhắc tới làng Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội), mỗi khi có đám cưới thì không cần đến những tấm thiệp hay đợi gia chủ mời, chỉ cần truyền tai nhau nhà này có “cỗ” là dân làng ồ ạt kéo nhau đến ăn cỗ cưới chung vui.
“Lạ” và “độc” ăn cỗ cưới không cần mời chỉ có ở Phúc Lâm
Làng Phúc Lâm. |
Từ xưa cha ông ta đã có câu “lời mời cao hơn mâm cỗ” để thể sự quan trọng của lời mời trong cuộc sống. Thế nhưng, ngay tại trung tâm Hà Nội một nơi được coi là hiện đại, dân trí cao...lại tồn tại một ngôi làng có phong tục lạ đời “chẳng giống ai” đó là ăn cỗ cưới mà chẳng cần phải gia chủ phải mời hay gửi thiệp hồng như các nơi khác. Họ chỉ cần truyền tai nhau “gia đình này có cỗ” là cả dân làng cùng kéo nhau đến ăn, ngôi làng này đã giữ phong tục này từ rất lâu đời.
Để hiểu rõ hơn về ngôi làng kỳ lạ và nét văn hóa độc đáo có một không hai này chúng tôi tìm đến làng Phúc Lâm để xem thực hư mọi chuyện có đúng như mọi người vẫn đồn thổi hay không?.
Tuy nhiên người dân Phúc Lâm ít khi tổ chức đám cưới vào những ngày hè oi bức, họ cũng quan niệm như bao gia đình Việt khác là cho con cái kết hôn vào những ngày thu mát mẻ như tháng 8, 9, 10 mới dễ “sinh tài sinh lộc”. Ngậm ngùi khi không được tận mắt chứng kiến tận mắt về việc cả làng kéo nhau đi ăn cỗ như mọi người nói, chúng tôi tìm đến các vị cao niên trong làng để tìm hiểu rõ hơn.
Tìm đến ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Hợi (80 tuổi) là một trong những bô lão trong làng, ông nói, tôi đã sinh sống ở đây mấy chục năm nay và từ trước đến nay chưa hề có một tài liệu lịch sử nào ghi chép lại về tập tục này nên không ai biết rõ nguồn gốc suất phát từ đâu. Chúng tôi chỉ biết đây là một nét đẹp văn hóa của làng, của cha ông đã để lại và truyền từ đời này qua đời khác, qua thế hệ này sang thế hệ khác. Cái này là nét đẹp riêng của làng nên cần phải gìn giữ và phát huy.
Ông Hợi còn cho biết thêm, bao đời nay vẫn vậy, làng Phúc Lâm mỗi lần có đám cưới thì không cần phải cầu kỳ như thiệp mời hay đi từng nhà mời như ở các nơi khác, mà dân ở đây chỉ cần truyền miệng nhau nhà này có cỗ là dân làng tự biết để đến. Tôi vẫn nhớ ngày xưa đám cưới của con tôi, ngày đó vui lắm. Đúng 6h sáng nhà tôi bắn một quả pháo báo hiệu giờ vui đã đến bà con kéo đến cùng chung vui với gia đình. Nhưng bây giờ Đảng và Nhà nước đã cấm đốt pháo nên chuyển sang thông báo bằng loa.
Đây là một thói quen, nếp sống mang đậm màu sắc làng, xã, nông thôn Việt Nam đang được người dân làng Phúc Lâm giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ. Đây là nét độc đáo mang đậm tính cộng đồng của người dân làng Phúc Lâm nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi ăn cỗ cưới không cần mời
Độc đáo là thế nhưng chuyện “cỗ mở” cũng khiến người dân nơi đây gặp phải rất nhiều chuyện bi hài, “dở khóc, dở cười”. Bởi lẽ, cái khó cho gia đình chủ trong tục lệ này chính là không biết có bao nhiêu khách tham dự để ước lượng chuẩn bị cỗ bàn.
Hầu như đám cưới kiểu này gia đình nào cũng thiếu cỗ cả, nhà ít thì thiếu dăm mâm, nhà nhiều thậm chí thiếu chục mâm cũng có. Mặc dù trong cuộc họp, họ vẫn thông tin rằng tổ chức mở rộng mời khách và dân làng, nhưng là do con thứ 2, thứ 3 nên thường các gia đình làm cỗ số lượng hạn chế. Không ngờ tới nơi ăn cỗ thì dân làng lại kéo đến ùn ùn khiến cho dự định của gia chủ đổ vỡ.
Khách tới không có cỗ đành phải ngồi uống nước chờ, nhiều người ngồi chờ lâu quá thì tìm cách xin phép về trước. Trong tình huống “dở khóc, dở cười” đó gia chủ phải xin lỗi rối rít, lựa lời nói khéo để khách thông cảm. Thôi thì cũng đành chịu, chỉ khổ cho bên ban hậu cần lúc thiếu cỗ phải “vắt chân lên cổ” mà chạy thôi.
Sau rất nhiều trường hợp bị sai sót trong khâu chuẩn bị, vài năm trở lại đây người dân làng Phúc Lâm đã tự đúc ra được những kinh nghiệm quý báu cho riêng mình nhằm hạn chế việc phải chạy cỗ. Bà Nguyễn Thị Liên (xóm 6, làng Phúc Lâm) chia sẻ, gia chủ phải bàn tính kĩ lưỡng với anh em trong họ, đồng thời phải dựa vào mối quan hệ của gia chủ với làng xóm để có thể ước tính được số mâm. Có như vậy mới có thể làm giảm bớt đi phần nào việc thiếu cỗ.
Bà Liên chia sẻ thêm, còn nhiều câu chuyện buồn cười lắm nhưng mà bà con nơi đây sống với nhau bằng cái tình nên sau những câu chuyện đó tình cảm làng xóm, láng giềng lại thêm phần thân thiết hơn “người ta có quý mình thì người ta mới đến”.
“Tình làng, nghĩa xóm” của bà con nơi đây
Tình làng nghĩa xóm của dân làng Phúc Lâm được thể hiện rõ nét và sâu sắc nhất qua mỗi dịp cưới xin. Hễ trong làng bất cứ nhà nào có đám cưới, không cần gia chủ phải mở lời mời thì các bậc bô lão có uy tín trong làng đều đứng ra kêu gọi người dân tới làm giúp, từ công tác chuẩn bị như trang trí, dựng rạp tới tổ chức hậu cần...Thậm chí, có hai gia đình trước đó có mâu thuẫn vô cùng gay gắt tưởng chừng như không thể hòa giải, nhưng nếu như một trong hai gia đình có đám cưới thì gia đình kia vẫn vui vẻ đến chúc mừng và giúp đỡ như những người thân thiết.
Ông Dương Văn Thọ (cán bộ Văn hóa xã Phúc Lâm) chia sẻ, phong tục đi ăn cưới không cần mời của người dân nới đây thực sự là một nét đẹp văn hóa hiếm có cần được gìn giữ. Phong tục đó hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc về tình làng, nghĩa xóm về cách đối nhân xử thế giữa con người với con người. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng nhân dân đang nỗ lực kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thông của cha ông ta để lại, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Cuộc sống ngày càng tiến bộ, người dân làng Phúc Lâm dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp văn hóa. Nếu trước kia, đám cưới nơi đây vẫn còn tồn tại hình thức thách cưới khiến nhiều đôi bạn trẻ dù yêu nhau say đắm nhưng vẫn không thể đến được với nhau, thì giờ dây hủ tục đó đã được xóa bỏ hoàn toàn, thay bằng những đám cưới bình dị, không phô trương và đậm chất tình làng nghĩa xóm.