Trong những căn nhà lá tạm bợ, những phận đàn bà trôi dạt, những đứa trẻ không biết mặt cha vẫn sống lầm lũi, lay lắt trong đói nghèo. Họ là những di dân gốc Việt từ Campuchia dạt về đây. Họ không có tấc đất cắm dùi, không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào. Ở nơi đó, mỗi người có một hoàn cảnh nhưng đều chịu chung sự bất hạnh là gặp phải những người đàn ông vô trách nhiệm.
Dù cuộc sống vất vả nhưng các chị, các mẹ xóm không chồng vẫn luôn nở nụ cười. |
Lỡ làng phận đàn bà
Men theo con đường nhỏ đầy sỏi đá trong rừng cao su thuộc ấp Bà Phái, xã Long Nguyên (huyện Bến Cát, Bình Dương), chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ đen nhẻm, cởi truồng tắm bên những gánh nước mới được đem về. Chúng trêu đùa, đón lấy những gáo nước mát lạnh, phút chốc lại cười òa như xua tan đi sự ảm đạm của khu rừng cao su hoang vắng. Thêm vài trăm mét nữa, chúng tôi bước vào xóm nhỏ, giật mình nhìn thấy những căn chòi lá tạm bợ dựng bằng những thân cây, cành lá cao su đã khô héo. Ở đó, một vài người đàn bà đang ngồi thẫn thờ nhìn quanh, những đứa trẻ hồn nhiên đang tụm năm tụm ba chơi đùa. Vắng bóng người đàn ông trụ cột, họ vẫn sống lay lắt như thế nhiều năm nay.
Trước những năm 1975 nhiều gia đình đã dắt díu nhau từ quê hương sang Campuchia lánh nạn. Tha hương cầu thực, họ bám lấy Biển Hồ (địa phận tỉnh Siem Riep, Campuchia), mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Cuộc sống bấp bênh, họ dựa vào sự may rủi của những mẻ cá nay thưa mai đầy của lòng hồ vô định. Nhiều người bôn ba đi làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng cuối cùng cũng trở lại bám trụ Biển Hồ bởi không thể hiểu ngôn ngữ địa phương nơi đây. Quá khốn khó, nhiều người Việt đành sống bằng tiền ăn xin khách du lịch đến đây. Một số người mặc dù được sinh ra trên xứ người nhưng không thể làm giấy tờ. Số còn lại không nhớ rõ gốc gác mình ở đâu bởi khi lưu lạc sang đất khách, họ còn quá nhỏ. Đến khi quay trở về quê hương, lạ thay, những người phụ nữ ở đây đều ôm theo những đứa con tội nghiệp mà không hề có bóng người chồng, người cha đi cùng. Và họ, những thân phận đàn bà trôi dạt về đất Việt đều mang trong mình một nỗi đau khó lành khi trải qua cuộc sống tha hương đứt đoạn, mang theo cốt nhục của mình về nơi chôn rau cắt rốn những mong được giải thoát. Mỗi người một hoàn cảnh, duy chỉ những đứa trẻ không cha vẫn vui đùa lớn lên từng ngày trong sự nghèo đói, thất học.
Chị Phạm Thị Hà kể về quãng đời tha hương của mình. Từ nhỏ, chị đã theo ba mẹ chạy loạn sang Campuchia, bám lấy Biển Hồ giăng lưới bắt cá mưu sinh. Lớn lên giữa cộng đồng người Campuchia, nhờ có chút nhan sắc, chị được một người gốc Campuchia đem lòng thương yêu. Hai người nhanh chóng tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn đàng hoàng. Nhưng khi vừa sinh đứa con đầu lòng, chồng chị không may gặp tai nạn giao thông mà qua đời, để lại chị và đứa con nhỏ bơ vơ bị gia đình chồng hắt hủi. Sau đó, ba mẹ chị cũng ly dị, ai đi đường nấy. Không nơi nương tựa lại đói khổ, chị đành ôm con còn chưa dứt sữa cùng hai người em trở về Việt Nam mưu sinh. Trở về không một tấc đất cắm dùi, người đàn bà bèn dắt díu con về khoảnh vườn cao su này nhờ đất của người dân sinh sống. Chị nói: “Về đây, tôi quen một người là chồng tôi bây giờ, cũng là Việt kiều từ Campuchia trở về. Có lẽ tôi là người đàn bà may mắn nhất ở đây khi có chồng, đứa con thứ hai sinh ra được sự chăm sóc của cha không như những đứa trẻ khác ở xóm này”.
Đắng lòng những đứa trẻ không biết mặt cha
Phải chờ một lúc lâu, chúng tôi mới gặp được chị Mai Thị Châu. Thấy mẹ về, mấy đứa con chị ùa đến rối rít, đứa ôm vai, đứa bá cổ. Vừa đi mót mủ cao su, tay chân còn nhễ nhại mồ hôi, chị nở nụ cười hiền chào khách lạ. Hỏi cha của 4 đứa trẻ đâu, chị tỏ vẻ ngại ngùng bảo: “Chúng nó không có cha cô ạ. Mình tôi nuôi chúng thôi”. Sau giây phút ngượng ngùng, chị trải lòng với khách lạ về những năm tháng cơ cực, tủi hổ nơi đất khách. Đến khi về Việt Nam thân phận người đàn bà này lại tiếp tục chắp nối một bi kịch đã định sẵn.
Thủơ còn con gái, chị lập gia đình cùng với một người đàn ông Campuchia. Những tưởng mình được cưu mang nơi đất khách quê người nhưng sau những năm tháng hạnh phúc ban đầu, cuộc sống của người đàn bà này lại rơi vào bi kịch. Liên tiếp sinh 3 đứa con, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn, túng quẫn, chồng chị bỗng thay tính đổi nết thành một con người khác hẳn. Những trận đòn roi liên tiếp giáng xuống 4 mẹ con người phụ nữ yếu ớt sau những cuộc nhậu say làm chị suy sụp. Hạnh phúc tan vỡ, ngày qua ngày chị phải gánh chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần dường như không có hồi kết. Quá đau khổ và tuyệt vọng, ý định bỏ trốn thoát khỏi người chồng vũ phu càng lớn dần lên trong tâm thức của người đàn bà bất hạnh. Vì thế, ngay trong đêm, nhân cơ hội đoàn người Việt vượt biên giới về Việt Nam, chị đã mang theo 3 đứa con bỏ trốn rời khỏi Campuchia, nơi người chồng bạc ác đang say xỉn mà không hề hay biết.
Trở về, số phận lại đưa đẩy chị đến với một người đàn ông khác. Không đám cưới linh đình, không sự chúc phúc của người thân, cứ thế chị dắt díu 3 đứa con về chung sống với người đàn ông không hôn thú. Tưởng rằng hạnh phúc đã mỉm cười với người đàn bà lận đận tình duyên nhưng chỉ sau một năm, khi chị sinh đứa con chung với người chồng này thì một lần nữa bất hạnh lại đến với chị. Gã “chồng hờ” đã ruồng rẫy vợ con để đi theo người đàn bà khác. Đau đớn chồng chất, chị lại mang theo những đứa con chạy trốn, lại thêm một đứa trẻ nữa không biết mặt cha. Cuối cùng, gặp được những người đồng cảnh ngộ, chị đành bám trụ ở khu rừng cao su thuộc xã Long Nguyên này để sinh tồn. Chị nói: “Đứa út không cùng cha với ba đứa còn lại nhưng chúng nó thương nhau lắm, chưa hề tranh giành cãi vã nhau. Cũng bởi vì chúng có biết cha mình là ai đâu mà phân biệt”. Nói rồi, chị khẽ thở dài: “Âu cũng là số mệnh của tôi vậy. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ, không biết khi lớn lên chúng hỏi tôi sẽ trả lời ra sao nữa”.
Nhật Lệ
Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật giấy số 127