(ĐSPL) - Những người nhiễm HIV bị xâm phạm đến quyền lợi, trong đó có quyền dân sự đang là một cản trở lớn trên con đường hoà nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống của họ. Mặc dù nhận thức về người nhiễm HIV đã có biến chuyển tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều câu chuyện đau lòng.
Nhiều việc tưởng chừng chỉ cần giải quyết trong nội bộ gia đình hay trong một cộng đồng nơi người nhiễm HIV sinh sống nhưng cuối cùng đành phải kéo nhau ra toà án để xét xử. Ẩn sau những "cuộc chiến pháp lý" bất đắc dĩ mà người nhiễm HIV phải đối diện là những câu chuyện xúc động thể hiện khát vọng yêu thương, khát vọng vươn lên bệnh tật để hoà mình vào cuộc sống của những số phận không may mắn này.
Bị tước đoạt quyền vì nhiễm "H"?
Thật khó để nói hết được nỗi cơ cực của những người không may bị nhiễm "H" khi bị chính người thân, cộng đồng tìm cách tước bỏ đi những quyền dân sự tối thiểu. Những câu chuyện đẫm nước mắt do chính những người nhiễm HIV kể lại tại hội nghị tổng kết Dự án và công bố kết quả nghiên cứu xây dựng mạng lưới tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng (hội nghị do trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 29/12/2014) như những dấu hỏi lớn lay động lương tri trong mỗi con người. Mỗi câu chuyện trong hội nghị này là một số phận đắng cay.
Có trường hợp bệnh nhân nhiễm "H" khi mắc các căn bệnh cần đến sự phẫu thuật trong bệnh viện thì họ lại bị cản trở, đùn đẩy từ khoa nọ sang khoa kia. Nếu là người bình thường, họ sẽ được chỉ định phẫu thuật, nhưng là người nhiễm "H" thì ngược lại, họ bị bác sỹ thoái thác phẫu thuật bằng cách chỉ định cho uống thuốc. Đó chỉ là một trong những cách từ chối tinh vi của một số bác sỹ trong điều trị bệnh cho những người nhiễm HIV.
Trong lĩnh vực tiếp cận phúc lợi xã hội như vốn vay xoá đói giảm nghèo, người nhiễm HIV cũng gặp vô vàn khó khăn. Một đại biểu đến từ tỉnh Bình Thuận bức xúc khi kể về một câu chuyện, em trai là cán bộ phường, chị gái nhiễm HIV. Khi được yêu cầu xác nhận cho chị gái của mình là hộ nghèo để được vay vốn ngân hàng chính sách, người em trai ruột đã thẳng thừng từ chối. Ngay cả khi các luật gia ở Bình Thuận vào cuộc quyết liệt, đấu tranh bằng nhiều biện pháp, sau một thời gian dài để đòi quyền lợi cho người phụ nữ này, người em trai vẫn cố tình gây cản trở. Cuối cùng, người em trai cũng đành chấp nhận một cách gượng ép là xác nhận chị gái mình thuộc hộ nghèo để được tiếp cận vốn vay của ngân hàng chính sách.
Thực tế, người nhiễm HIV bị xâm phạm quyền lợi với những lý do rất đơn giản nhưng việc đòi được quyền lợi chính đáng cho mình với họ là hết sức khó khăn. Trong nhiều trường hợp, đòi quyền lợi chính đáng của những người bị nhiễm HIV là một cuộc chiến pháp lý không cân bằng. Luật sư Trịnh Quang Chiến, công tác tại trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về Y tế, HIV/AIDS đã từng tham gia nhiều vụ việc đòi quyền cơ bản cho người nhiễm HIV tâm sự rằng: "Để đòi quyền thừa kế, quyền đến trường, quyền được đối xử bình đẳng trong tiếp cận y tế cho người nhiễm HIV luôn là hành trình đầy khó khăn. Có những trường hợp, buộc phải sử dụng con đường toà án mà đáng lẽ, nếu chính quyền công tâm hơn thì biện pháp tòa án thực sự không cần thiết”.
Quyết định bị tuyên hủy và ám ảnh những giọt nước mắt
Đơn cử, trường hợp đầu tiên, một người nhiễm HIV đã khởi kiện thành công một cơ quan hành chính công quyền của Nhà nước ở Bắc Giang được xem là khá hi hữu. Đằng sau vụ việc này là câu chuyện về người mẹ nhiễm HIV đối diện với bao khó khăn, tủi cực để đòi quyền thừa kế chính đáng cho con ruột của mình.
Theo đó, chị Nguyễn T.T. lấy anh Nguyễn T.P. năm 2004, đến năm 2005 sinh ra cháu Nguyễn P.C.. Lúc này, cả gia đình của chị T. mới biết bị nhiễm HIV. Thời gian sau đó, anh Nguyễn T.P. vì chán nản, phát bệnh AIDS và chết vào năm 2008. Từ khi biết mẹ con chị T. mang căn bệnh thế kỷ, gia đình chồng bắt đầu có những đối xử tàn nhẫn với họ. "Trước đây, khi mới lấy nhau, ở thời điểm khó khăn, ông bà vẫn thường cho hai vợ chồng em tiền. Đặc biệt, trong thời gian thai nghén ông bà còn cho 4- 5 triệu đồng/tháng để bồi dưỡng. Tuy nhiên, khi biết vợ chồng em và con bị nhiễm HIV thì thái độ của ông bà thay đổi ngược lại hoàn toàn", chị T. tâm sự.
Chị Nguyễn T.T. kể về cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho con. |
Năm 2011, bố chồng chị T. mất không để lại di chúc, mẹ chồng chị đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà, tuyên bố không có đứa con dâu và cháu trai là người nhiễm HIV. Chị T. tủi cực, buộc phải đưa con ra Hà Nội để mưu sinh qua ngày. Trong thời gian chị T. lên Hà Nội, mẹ chồng chị đã ngang nhiên gạt bỏ hoàn toàn quyền thừa kế của đứa cháu nội để chiếm hữu hoàn toàn mảnh đất của gia đình từ bố chồng chị T. để lại. Cũng chẳng hiểu vì lý do gì mà phòng Tài nguyên & Môi trường TP. Bắc Giang lại cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đứng tên một mình mẹ chồng chị T..
Sau khi biết thông tin con trai không được quyền thừa kế, chị T. đã có đơn khiếu nại lên UBND TP. Bắc Giang về việc bỏ lọt quyền thừa kế trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Tuy nhiên, UBND TP. Bắc Giang vẫn khẳng định, việc cấp sổ đỏ trên là đúng. Đây là lần thứ hai, quyền thừa kế của cháu Nguyễn P.C. đã bị chính quyền tước bỏ một cách phũ phàng. Để bảo vệ quyền lợi cho con mình, chị T. phải tìm đến luật sư Trịnh Quang Chiến để cầu xin sự giúp đỡ. Luật sư Trịnh Quang Chiến đã tư vấn cho chị T. khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho mẹ chồng chị T.. Kết quả, vào tháng 6/2014, Toà án Nhân dân TP. Bắc Giang đã buộc tuyên huỷ quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ chồng chị T. sau thời gian dài đấu tranh.
Tâm sự về quãng thời gian đấu tranh đòi quyền thừa kế cho con trai mình, chị T. đã không kìm được nước mắt và oà khóc. Chị T. không thể tưởng tượng được mọi việc lại khó khăn đến thế. Chị liên tục nhận được nhiều cú điện thoại thuyết phục có, đe dọa có để buộc chị phải rút đơn kiện. Họ cho rằng, chị T. có kiện thì cũng không thể thắng được và tìm mọi cách ngăn cản. "Điều khiến tôi đau đớn nhất và có lúc nghĩ, buông xuôi vụ kiện bởi mẹ chồng tôi nói rằng "đã lôi nhau ra toà thì không còn tình nghĩa mẹ con gì nữa, tất cả coi như đoạn tuyệt hết rồi". Câu nói đó chẳng khác gì ngàn mũi dao đâm thấu vào tim. Tôi gần như bị gục ngã và muốn dừng lại tất cả, vì tôi có cảm giác như mình đối xử không đúng với mẹ chồng", chị T. tâm sự. Được biết, cho đến thời điểm này, quyền lợi của con chị T. vẫn treo lơ lửng như một dấu hỏi về hai chữ tình người và pháp lý.
"Luật thì đẹp nhưng áp dụng thực tế chưa tương xứng" Trước hiện tượng quyền lợi của những người nhiễm HIV bị xâm phạm, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng: "Những người không may mang trong mình căn bệnh thế kỷ là một trong những đối tượng bị kỳ thị mạnh nhất trong cộng đồng. Sự ủng hộ của cộng đồng đối với người nhiễm HIV - các đối tượng yếu thế là rất kém. Quyền con người đã được chúng ta quy định rõ trong luật. Luật của chúng ta rất đẹp nhưng thực tiễn áp dụng lại không được tương xứng. Câu chuyện của chị T. là điển hình cho sự phân biệt đối xử một cách nặng nề đối với người nhiễm HIV từ gia đình, chính quyền. Việc nhận thức trong cộng đồng về căn bệnh HIV chưa đúng, chính là căn nguyên dẫn đến hiện trạng trên". |