(ĐSPL) - Đại gia Trần Đình Trường lập nghiệp nơi xứ người bằng 2 va li tiền, vàng. Khi qua đời, tỷ phú gốc Việt này để lại gia tài 100 triệu USD nhưng không có di chúc. Dẫn đến vụ kiện tụng tranh chấp tài sản giữa 5 người đàn bà và 16 người con.
Chào nước Mỹ bằng 2 va li tiền, vàng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Hà Tĩnh, ngay từ những năm vừa trưởng thành, ông Trần Đình Trường đã tự tay gây dựng cơ nghiệp kếch sù.
Năm 1950, ông Trường gặp một phụ nữ tên là Thị Ngũ. Hai người lấy nhau qua một hôn lễ ở nhà thờ và cuối cùng đã có bốn người con với bà này. Thế nhưng hai người không có hôn thú, mà theo các thành viên trong gia đình là “chuyện bình thường trong thời kỳ loạn lạc chiến tranh Việt Nam, giấy tờ nào cũng có thể bị mất”. Sau khi có hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954, ông Trường dạt vào lập nghiệp trong miền Nam, từ đó ông không gặp lại bà Ngữ cho đến hơn 40 năm sau.
Năm 1959, ông Trường gặp cô thiếu nữ mới 16 tuổi tên là Nguyễn Sang khi cô này giành vương miện Hoa hậu trong cuộc thi do tờ báo Phụ Nữ Ngày Mai tổ chức. Theo các lời khai của bà Sang thì hai người lấy nhau ngày 1/1/1960 qua một hôn lễ dân sự và hai người sống chung từ đó cho tới khi ông Trường qua đời.
[mecloud]L3J86IO2e3[/mecloud]
Ông Trường khởi nghiệp ở miền Nam bằng nghề mua bán hàng hóa, quân trang quân dụng, sau đó ông lập công ty vận tải lớn nhất của miền Nam lúc đó, mở rộng với 24 thương thuyền, hàng trăm xe tải và làm chủ cả một bến cảng. Sau năm 1975 ông Trường lo cùng gia đình sang Mỹ với 2 va li đầy vàng vì không kịp rút tiền khỏi ngân hàng. Trong một cuộc phỏng vấn của báo The New York Times năm 1994, ông nói số vàng đem theo trị giá “có thể là một triệu đô la”, sau đó sửa lại rằng giá trị “dưới một triệu đô la”.
Nhưng Nguyễn Văn Thanh, một thiếu niên đã được ông Trường nhận làm con nuôi ở Việt Nam, thì khai đã rời Việt Nam cùng con tàu với ông Trường và được giao xách theo hai va li, “một chứa khoảng 7 triệu USD tiền mặt và va li kia chứa khoảng 25 kg vàng” tất cả đều của ông Trường. Bốn phụ nữ có con với ông đều di tản, hoặc cùng ông trên một con tàu, hoặc trên những chiếc tàu của ông.
Khi ra đi, ông cũng để lại Việt Nam cho bà Ngữ và các con của bà này một khoản tiền mặt và vàng nhiều “ngoài sức tưởng tượng tính theo giá trị ngày nay” (theo lời khai của một trong những con trai của bà này sau đó).
Khách sạn Carter và khách sạn Kenmore, hai trong số các tài sản của ông Trường (ảnh trên) năm 1994. |
Trở thành tỷ phú
Tại Mỹ, ông Trường đưa đại gia đình tới New York định cư.
Ông Trường mua khách sạn đầu tiên có tên Opera, 23 tầng, ở New York. Ông với bà Sang ở một phòng sang trọng cùng các con với bà này và hai vợ bé, Cham Thi Nguyen và Hoa Phan, theo lời một vợ bé khác là bà Hung Nguyen Thi. Bà Hung ở cùng con tại một tầng lầu khác.
Ông Trường mua thêm bất động sản: đầu tiên là khách sạn Carter, sau đó là một khách sạn ở khu Buffalo.
Năm 1985, ông mua khách sạn Kenmore 641 phòng với giá 7,9 triệu USD. Lúc đó, Kenmore là khách sạn cho thuê phòng dài hạn lớn nhất New York.
Ba năm sau, ông Trường giành quyền quản lý khách sạn Times Square với 735 phòng trước sự phản đối của người thuê nhà và chính quyền thành phố.
Tại khách sạn Times Square Hotel, ông đã thu của quỹ phúc lợi thành phố mức tiền thuê cao tới 2. 649 đô la/người/tháng cho các khách hàng vô gia cư trọ. Nhưng cũng thời điểm đó, khách sạn Times Square Hotel liên tiếp dính đến những vụ vi phạm luật an toàn và y tế, thậm chí có thống kê nói rằng số lần vi phạm tăng hơn 1.500 vụ. Tháng Giêng năm 1990, thành phố New York thắng kiện, tịch thu và giành quyền kiểm soát khách sạn này.
Trong khi đó, ở khách sạn Kenmore, chuyện buôn bán ma túy và gái mại dâm là điều công khai. Từ tháng /.1991 đến giữa năm 1994, có tới 189 vụ bắt giữ ma túy hoặc khiếu nại của cư dân về tệ trạng khách sạn này. Công tố viên cáo buộc trong khách sạn bọn tội phạm chiếm toàn bộ nhiều tầng, cướp của và thậm chí hạ sát nhiều người già chỉ để cướp các khoản tiền nhỏ.
Khách sạn Kenmore tuy tồi tệ như thế nhưng là nhà của bà Châm cũng là người quản lý, sống ở tầng hai với 5 người con có với ông Trường. Ông Trường không hề phủ nhận chuyện buôn bán ma túy lan tràn ở Kenmore, nhưng ông này từng nói với báo The Times hồi năm 1994 rằng: “Các khách sạn lớn, Helmsley và Trump đã gửi những người xấu đến khách sạn của tôi. Đáng lẽ thành phố nên cảm ơn tôi mới phải vì có công chăm sóc rất nhiều người nghèo và vô gia cư!?”.
Từ tháng 1/1991 tới giữa năm 1994, có 189 vụ bắt giữ ma túy hay khiếu nại liên quan đến Kenmore. Ngày 8/6/1994, cảnh sát đổ vào khách sạn Kenmore, bắt 18 người và thu giữ tài sản của tòa nhà với cáo buộc đây là hang ổ của bọn buôn ma túy. Ông Trường và gia đình không dính bất cứ cáo buộc nào. Ông chống lại vụ bắt giữ nhưng không thành công. Sau này, Earl Robert Merritt, một đặc tình của cảnh sát nói rằng hắn đã bỏ ma túy và súng vào phòng một số người, nói dối về họ. Hậu quả là hàng trăm người bị còng tay “trong đó 80\% là vô tội
Thế nhưng ông Trường và cả gia đình ông không bị buộc bất kỳ tội danh nào. Ông Trần Đình Trường cũng là đối tượng đầu tiên trong lịch sử Mỹ là chủ nhân 1 khách sạn lớn nhất từng bị tịch thu vì tệ nạn ma túy, là cá nhân hiến tặng số tiền “khủng” 2 triệu USD cho Hội Chữ Thập đỏ Mỹ trong cuộc quyên góp Quỹ cứu trợ Thiên tai sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Tỷ phú Trần Đình Trường khi qua đời để lại tài sản trị giá 100 triệu USD. |
Ai là vợ, ai là bồ?
Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, năm 2007, ông Trường bắt đầu gặp các vấn đề về tim mạch. Sức khỏe của ông dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến giành quyền kiểm soát tài sản và thừa kế.
Ông Trường nắm giữ 80\% cổ phần trong Cty của ông. Bà Sang, Cham, Hung, Hoa mỗi người nắm 5\%. Bà Sang cáo buộc bà Cham, Hung và một trong những người con trai của bà Ngu Thi là Bac Tran, rằng họ buộc bà phải từ bỏ điều hành khách sạn Carter, để khách sạn này xuống cấp.
Năm 2009, nhân danh cổ đông, bà Sang tố người mà bà gọi là chồng và Cty là thiếu trách nhiệm, quản lý sai lầm và yêu cầu tòa án chỉ định người quản lý mới. Bà tố Bac, con trai của ông Trường với bà Ngu Thi là “ti tiện”.
John M. Callagy, luật sư của bà Sang nói quan hệ trong gia đình chưa bao giờ hòa thuận và các khách sạn đã bị quản lý tồi ngay cả khi ông Trường chưa gặp vấn đề sức khỏe.
Ông Trường (bên phải), phía sau là bà Nguyễn Thị Sang. |
Những người kia lại tố cáo bà Sang lợi dụng tình trạng sức khỏe của ông Trường để nắm quyền kiểm soát khách sạn, làm lợi cho bà và các con của bà.
Cái chết của ông Trường năm 2012 chỉ làm căng thẳng giữa các thành viên gia đình tăng thêm. Trong hai ngày trời, họ tranh cãi tại tòa về việc ai có quyền đứng ra phát tang, điều hành tang lễ.
Lúc này bà Ngu Thi đã chết. Bà Sang tuyên bố là vợ duy nhất còn sống của ông Trường do vậy có quyền thừa kế một nửa tài sản. Mười người con của những bà vợ khác cùng nhau chống lại bà Sang, cho rằng bà chưa bao giờ kết hôn với ông Trường, một bởi vì ông trước đó đã lấy bà Ngu Thi và bà Sang cũng không đưa ra giấy tờ nào chứng minh tuyên bố của bà.
Thêm nữa, họ chỉ ra rằng từ năm 2001, bà và ông Trường cũng khai là “độc thân” khi làm thủ tục thuế. Tuy nhiên, “liên minh” chống bà Sang sớm tan vỡ, đặc biệt là do các luật sư nói số tiền chi phí tư vấn pháp luật còn nợ của nhóm này lên đến 500.000 USD và rút lui khỏi vụ kiện....
Cho đến nay, những khách sạn của ông Trường đang chờ làm thủ tục chuyển nhượng, ước tính tới hàng trăm triệu USD. Các con và “vợ” ông vẫn ở trong khách sạn nhưng sẽ ra đi khi đợt chuyển giao diễn ra.
An Nhiên (Tổng hợp)