+Aa-
    Zalo

    Chuyện của nữ biệt động phải mười lần thay tên đổi họ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày ấy, trong quá trình hoạt động cách mạng, nhằm tránh sự truy lùng gắt gao của địch, bà đã hơn mười lần thay tên đổi họ.

    (ĐSPL) - Ngày ấy, trong quá trình hoạt động cách mạng, nhằm tránh sự truy lùng gắt gao của địch, bà đã hơn mười lần thay tên đổi họ. Ngay cả cái tên Hồ Thị Lý bây giờ bà mang, cũng không phải tên khai sinh của bà. Thế nhưng, rồi bà cũng vẫn bị địch phát hiện, bắt bớ, tra tấn nhiều lần đến chết đi sống lại. Những ký ức đó đến giờ bà vẫn không thể quên.

    (bgiay)Chuyện của nữ biệt động phải mười lần thay tên đổi họ

    Bà Lý cùng các cựu chiến binh trong một chuyến ra thăm Lăng Bác.

    Tuổi thơ dữ dội

    Chúng tôi gặp nữ biệt động nổi tiếng năm xưa trong một buổi sáng trời lành lạnh cùng cơn mưa nhỏ báo hiệu một mùa đông đã bắt đầu. Nằm nép mình trên con phố nhỏ mang tên Trần Đình Thảo, thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng là ngôi nhà của bà Hồ Thị Lý. Vừa thấy khách tới chơi, bà vui vẻ rót nước mời. Bà cởi mở chuyện trò, rồi không hay tự lúc nào, bà đưa chúng tôi quay về những ký ức xưa cũ của một thời máu lửa.

    Hồ Thị Lý sinh năm 1946 có tên khai sinh là Muối sinh ra trong một gia đình có đến bảy anh chị em, ở thôn Lỗ Giáng, xã Hòa Đa, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là TP. Đà Nẵng). Bố mẹ Muối đều nghèo, bởi từ lúc còn là một thanh niên, bố Muối đã lên đường đi tham gia chống Pháp, rồi địch tìm cách bắt bớ, đánh đập ông. Bị giặc tra tấn dã man nên ông sinh bệnh rồi qua đời khi Muối mới tròn 6 tuổi.

    (bgiay)Chuyện của nữ biệt động phải mười lần thay tên đổi họ

    Bà Hồ Thị Lý.

    Mẹ Lý cùng bảy đứa con thơ dại không nơi nương tựa càng trở nên cơ cực trong thời buổi loạn lạc. Vì gia cảnh khó khăn nên mới 6 tuổi Muối đã ở đợ đi chăn trâu bế em cho nhà hàng xóm. Cứ mỗi ngày chăn trâu, bế em như vậy, Muối sẽ được người ta cho ăn cơm. Rồi đến 7 tuổi, cô bé Muối bắt đầu đi chăn trâu cho địa chủ. Bấy giờ, trong vùng là địa phận hoạt động cách mạng, quân địch kiểm soát rất khắt khe. Để hoạt động cách mạng cán bộ ta phải hoạt động bí mật. Lúc này, khi chăn trâu ngoài đồng cô bé Muối được chú Hồ Sâm giao cho một tờ giấy nhỏ được gấp lại bé xíu, cùng với số trứng vịt đem đi cho người làng bên, sau đó sẽ được trả công bằng một hoặc hai quả trứng đem về. Cứ như vậy, Muối làm công việc này trong thời gian khá lâu.

    Khi giao cho Muối mảnh giấy, chú Hồ Sâm chỉ dặn Muối không được đưa cho ai và nếu gặp địch thì tuyệt đối đừng để mảnh giấy rơi vào tay chúng. Cho đến năm Muối được 9 tuổi, có mấy chú bộ đội họp nhau trong một túp lều và căn dặn cô bé nếu thấy địch từ xa thì phải báo ngay cho mấy chú.

    Khi Muối lớn lên thêm 1 - 2 tuổi, mấy chú cán bộ thấy Muối tuy nhỏ tuổi nhưng gan dạ, biết nhiều việc, nên tìm cách đưa Muối vào làm việc trong sân bay. Hằng ngày Muối chỉ việc dọn dẹp cho người ta, rồi nhổ tóc bạc cho địch, tối chờ cho chúng ngủ say rồi lén lấy thuốc súng, lựu đạn... đem cho cán bộ ta. Đến năm 13 tuổi, cô bé Muối với hình dáng gầy gò, nhưng có cái miệng cười tươi và hàm răng trắng được các chú đưa đi học. Muối được đưa đi học lớp "Dũng sỹ diệt Mỹ", về hoạt động nuôi các anh cán bộ trong địa bàn thành phố. Lớn thêm chút nữa, Muối được đào tạo đi học một lớp đặc công đặc biệt tận Quảng Ngãi. Hai năm sau, Muối bắt đầu thực hiện trận đánh đầu tiên. Đây cũng là thời gian Muối được kết nạp Đảng.

    7 năm cầm tù và dòng máu kiên trung

    Dường như những trận đánh và những kỷ niệm về một thời bị tra tấn đòn roi trong tù vẫn luôn hiện hữu trong ký ức nữ cựu binh. Nói đến tên tuổi của mình, bà Hồ Thị Lý tươi cười bảo: "Tôi không thể nhớ hết, gần như họ nào tôi cũng đã từng mang. Lúc họ Phạm, lúc họ Đỗ, lúc họ Nguyễn... rồi tên Liên, Lênh... Nếu thời gian đó không đổi tên thì rất nguy hiểm. Từ nhỏ bố mẹ đặt tên tôi là Muối, nhưng rồi sau nhiều lần đổi tên, tôi có cái tên Hồ Thị Lý cho đến giờ". Bà Lý bảo, đó là tên của cán bộ đặt cho mình.

    Nhắc đến những trận đánh, ánh mắt bà rưng rưng kể về một thời đã qua. Tuổi đã cao, tuy có phần quên lãng nhưng dường như mọi ký ức trong bà vẫn rất sống động. Bà nhớ đến từng chi tiết nhỏ. Năm ấy, bà được giao đánh đài phát thanh TP. Đà Nẵng (trước đóng ở phường Thạch Thanh). Tất cả những kế hoạch và phương án tác chiến đều do một mình bà vạch ra. Dù đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng một số người đi lấy vũ khí để đem vào thì bị địch phát hiện và theo dõi. Mục đích ngay từ đầu của bà là đánh bí mật nhưng khi bị địch phát hiện, bà đành mang quân đánh trực diện.

    Vì địch đông nên bà Lý chỉ phá hư hại đài, không phá hủy hết được toàn bộ trụ sở. Trận đó, quân ta hy sinh hai chiến sỹ, số còn lại hầu như rút lui an toàn. Riêng bà, bấy giờ nằm trong khu vực bị bao vây, không biết chạy đường nào, đành nhảy bờ rào chạy vào bệnh viện. Len lỏi trong đám bệnh nhân, bà đánh liều nhờ một người đàn ông giúp, nói với địch rằng mình là con gái ông, đi chăm người nhà. Người đàn ông ấy và bà Lý lúc đó chưa kịp trao đổi để thống nhất về họ tên, quê quán nếu bị địch hỏi thì chúng đã ráo riết đuổi theo. Địch bao vây toàn bệnh viện, bắt tất cả những ai đi chăm bệnh nhân dồn về trước sân và phải khai rõ đang chăm sóc cho ai.

    Hồ Thị Lý bị địch tình nghi lôi ra tra hỏi. May mắn có một bà lão quỳ xuống khóc van xin: "Đó là đứa cháu dưới quê lên chăm tôi ốm đau. Nhà tôi neo người, không có ai chăm sóc, đành phải nhờ cháu nên các chú đừng bắt mà tội". Thấy vẻ mặt cầu xin của bà lão, địch tin, không tra hỏi gì thêm và thả bà ra. Hoạt động ở TP. Đà Nẵng thời gian dài, bà phải đổi nhiều tên bởi bị lộ. Bà phải chuyển đi khắp nơi, có lúc phải vào tận Sài Gòn - Gia Định hoạt động. Sau một thời gian việc truy lùng bà lắng xuống, bà lại chuyển về quê nhà, tiếp tục vận chuyển vũ khí để thực hiện các trận đánh trong thành phố.

    Không may mắn như những lần trước bà bị địch bắt giam chỉ 1 - 2 năm rồi lại thả ra, lần này, bà bị một tên lính cũ chỉ điểm nên bị địch "tóm" khi đang vận chuyển súng trên chiếc xe đạp. Địch bắt bà rồi đem về giam tại đảo Phú Quốc. ở đây, chúng đánh đập bà dã man, giam vào chuồng cọp, bỏ đói. Kể đến đây, giọng bà bỗng chùng xuống: "Thời đó, chúng rất tàn ác, chúng lấy kéo rút hết móng tay, móng chân tôi, máu chảy khắp phòng giam. Tôi vẫn không khai, chúng lại tiếp tục dùng hình thức khác, nào đánh đập, nào bỏ đói, rồi nhốt trong lồng kín... Thế nhưng tôi vẫn kiên định không khai một lời. Chúng giam tôi đến 7 năm mới thả về".

    Theo bà Hồ Thị Lý, kể thì hồi đó, địch nhốt 7 người con gái trong tù. Do bị đánh đập bỏ đói nên 5 người đã hy sinh, chỉ còn lại hai người sống sót, trong đó có bà may mắn được trở về. Giờ đây tuy hòa bình đã lập lại, nhưng những ký ức ấy trong bà vẫn không thể quên. Cái tên bà mang, những vết sẹo trên cơ thể còn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời đã minh chứng cho sự kiên cường của bà trong những ngày khói lửa.

    Trở về sau chiến tranh, Hồ Thị Lý mới lập gia đình. ở tuổi xế chiều, bà thường nhắc nhở con cháu biết gìn giữ những giá trị của tự do, hạnh phúc, bởi nó được đánh đổi bằng xương máu của bao người mới có được ngày hôm nay.

    Cựu chiến binh gương mẫu

    Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Bắc cho biết: "Bà Hồ Thị Lý là một cựu chiến binh gương mẫu, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Bà đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Bà được trao tặng bằng khen Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân".


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-cua-nu-biet-dong-phai-muoi-lan-thay-ten-doi-ho-a69011.html
    Nữ biệt động tuổi 13 và

    Nữ biệt động tuổi 13 và "quả đấm thép" chấn động thế giới

    (ĐSPL) - Dù đã về già nhưng bà Thiều Thị Tân, người từng tham gia đội biệt động Sài Gòn và suýt chết vì bị đày ải trong nhà tù Côn Đảo của đế quốc Mỹ vẫn hết mình dạy dỗ cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước qua môn võ Vovinam mà bà được học từ nhỏ.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nữ biệt động tuổi 13 và

    Nữ biệt động tuổi 13 và "quả đấm thép" chấn động thế giới

    (ĐSPL) - Dù đã về già nhưng bà Thiều Thị Tân, người từng tham gia đội biệt động Sài Gòn và suýt chết vì bị đày ải trong nhà tù Côn Đảo của đế quốc Mỹ vẫn hết mình dạy dỗ cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước qua môn võ Vovinam mà bà được học từ nhỏ.