+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể về thủ môn Văn Toản và chuyến thăm gia đình giữa đêm khuya

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hưởng gien cao nổi bật của nhà nội, từ nhỏ Văn Toản đã bộc lộ tình yêu với môn bóng đá. Cậu thường trốn đi chơi bóng mặc mẹ la mắng.

    Hưởng gien cao nổi bật của nhà nội, từ nhỏ Văn Toản đã bộc lộ tình yêu với môn bóng đá. Cậu thường trốn đi chơi bóng mặc mẹ la mắng.

    2h30 sáng 12/12, thủ môn Nguyễn Văn Toản bắt xe từ Hà Nội về thăm gia đình sau khi cùng đội tuyển U22 Việt Nam dự buổi gặp mặt của Thủ tướng.

    Căn nhà của gia đình Văn Toản nằm ở xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

    Thủ thành sinh năm 1999 không thông báo việc này cho bất kỳ thành viên nào trong gia đình, họ hàng biết anh về lúc rạng sáng.

    Ông Sáng (Bên phải) luôn dõi theo con qua các trận đấu.

    “Nó biết bố mẹ, em trai và bà nội đang ngủ nên không đánh thức ai dậy. Nó qua nhà chú ở bên cạnh nghỉ ngơi. Khoảng 6h sáng, mọi người dậy thấy con về thì cảm xúc vỡ òa, không diễn tả được”, ông Nguyễn Văn Sáng, 54 tuổi, bố Văn Toản chia sẻ với báo chí. 

    Sau thời gian ngắn bên gia đình, Văn Toản lại được đón qua thăm các đồng đội ở CLB Bóng đá Hải Phòng và dự lễ trao thưởng của chính quyền thành phố.

    Mẹ và bà nội của thủ môn Văn Toản.

    Còn bà Lương Thị Mơ (42 tuổi, mẹ Văn Toản) cho hay hôm qua gia đình có thuê xe ra sân bay Nội Bài đón con trở về từ SEA Games 30 nhưng do đứng xa không gặp được.

    Lập gia đình muộn, ông Sáng và bà Mơ sinh cậu con trai đầu lòng Văn Toản khi ông đã ngoài 30. Ông nói, Toản còn một cậu em trai nữa đang học lớp 12.

    Cả hai anh em Toản đều có chiều cao nổi bật nhờ gien từ gia đình bên nội. "Ông nội Toản, các cô chú đều cao cả, nên Toản cao 1m86 là vì thế".

    Bố mẹ Toản trước kia cũng làm ruộng, nhưng từ khi các khu công nghiệp mọc lên quanh nhà, bố mẹ cậu quyết định đi làm công nhân trong nhà máy. Kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn từ đó.

    Khi bé, Toản đã bộc lộ năng khiếu và thể hiện niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn. Mẹ cậu kể rằng suốt những năm tiểu học, chiều nào Toản cũng ra bãi đất bồi ven sông Cấm đá bóng với lũ bạn sau giờ học. Cứ đến chập tối, bà Mơ thấy con trở về nhà với quần áo lấm lem bùn đất.

    “Mỗi lần như vậy, quần áo rất khó giặt. Bực mình, tôi thường la mắng con, thậm chí không cho đi đá bóng nữa. Tuy nhiên, cháu không từ bỏ. Nếu không ra bãi đất thì nó lại rủ các bạn trong xóm về sân nhà kê 2 viên gạch làm gôn rồi cùng nhau đá bóng”, bà nhớ lại.

    Thẻ cầu thủ bóng đá đầu của Văn Toản hồi nhỏ.

    Toản thường giữ vị trí thủ môn và bắt bóng rất hay. Ở các giải đấu của xóm, của trường, cậu bé đều là người được chọn để bắt chính.

    Lúc 11 tuổi, khi đang học lớp 5, Toản tham gia một giải đấu bóng đá học sinh ở huyện. Với chiều cao nổi bật và khả năng bắt bóng vượt trội, cậu lọt vào tầm ngắm của các HLV thuộc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hải Phòng.

    Các thầy đã đến nhà động viên gia đình cho Toản vào trung tâm tập luyện. Nghĩ đến cảnh con đang tuổi ăn, tuổi chơi phải sống tự lập xa nhà, hơn ai hết, bà Mơ là người phản đối đầu tiên.

    “Tôi lo lắng vì con còn bé, chưa định hướng được tương lai. Không biết sau này con có gắn bó được với sự nghiệp đó không hay lại bỏ giữa chừng. Rồi phải sống tự lập, xa nhà, khổ trăm bề. Nhưng cháu tỏ ra thích thú và nằng nặc đòi bằng được nên cả nhà cũng phải xuôi”, bà Mơ chia sẻ.

    Nói về tuổi thơ của con trai, ông Sáng cho hay, ông là người đồng hành cùng con từ năm 11 tuổi. "Mỗi tuần, tôi đưa đón con đi đi về về từ nhà lên Nhà thi đấu Cánh Diều ngoài thành phố. Cứ sáng thứ Hai đưa đi, chiều thứ 7 lại đón về", ông Sáng cho biết. 

    11 tuổi, Toản đã phải xa bố mẹ đi tập luyện cách nhà 20km. Cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn bỗng nhiên phải sống tự lập, gò mình vào khuôn khổ của đội bóng, chắc chắn không thể tránh khỏi những khi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng Toản vẫn thích đi, cứ khi nào về nhà được vài ngày, cậu lại đòi đi.

    Trong khi ông Sáng ủng hộ đam mê của con hoàn toàn thì lúc ấy bà Mơ lòng đầy rối bời: "Thằng bé mới 11 tuổi, còn chưa suy nghĩ được thấu đáo nên là mẹ, tôi không biết cháu có thực sự muốn theo con đường này lâu dài không. Thấy con 2 giờ chiều phải ra sân đày nắng, người đen nhẻm, ai mà chẳng xót con. Đang ở nhà được bố mẹ chăm bẵm, bỗng dưng phải sống tự lập, xa nhà, đã có những lúc tôi khuyên can cháu suy nghĩ lại".

    Gia đình, người thân tụ tập để theo dõi và cổ vũ cho Văn Toản khi thi đấu ở SEA Games.

    Nhưng đam mê của Toản ngày một cháy bỏng, người mẹ không ngăn được con đường cậu con trai đã chọn.

    "Ngày nhỏ, tôi cứ cầm quả bóng nhựa, tâng lên tâng xuống là thằng Toản ăn hết đĩa bột" – ông Sáng nhớ lại hình ảnh đầu tiên cậu con trai được tiếp xúc với trái bóng.

    Trong mắt bố mẹ và các bác, Toản là cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn, đi học lúc nào cũng được thầy cô quý mến.

    "Đám bạn gái hay gọi nó là ‘bánh bao’ vì cái mặt tròn như bánh bao", bà Mơ kể.

    Hỏi chuyện bạn gái của Toản, bà Mơ bảo hôm trước cũng có hỏi con "trên mạng nói con có bạn gái rồi à?" thì Toản bảo: "Con chưa có, con phải tập trung cho sự nghiệp trước đã".

    Bà Mơ bảo: "Trên mạng có nhiều người giả danh Toản, nói chuyện này chuyện kia nhưng không phải. Nó chẳng chia sẻ gì đâu. Lúc nào, con cũng nói với tôi là muốn tập trung cho sự nghiệp trước, rồi mới nghĩ đến chuyện tình cảm sau".

    Bận rộn với lịch tập, lịch thi đấu nhưng Toản và bố mẹ vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau.

    "Hôm nào con thi đấu không tốt thì bố mẹ động viên. Hôm nào con thi đấu tốt thì chúng tôi cổ vũ cháu phát huy. Lúc nào chúng tôi cũng dặn con yên tâm, ở nhà bố mẹ luôn ủng hộ con".

    Nguyễn Văn Toản sau đó đầu quân cho CLB Bóng đá Hải Phòng. Tháng 3 vừa qua, Văn Toản được HLV Park Hang-seo gọi vào đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 Châu Á.

    Văn Toản đã thi đấu rất xuất sắc tại SEA Games 30.

    Đến tháng 6, Toản là 1 trong 3 thủ thành của tuyển Việt Nam tham dự giải giao hữu King’s Cup 2019 do Thái Lan tổ chức.

    Tại SEA Games 30, Văn Toản trở thành thủ môn bắt chính của U22 Việt Nam.

    Trong trận chung kết với Indonesia, Văn Toản thi đấu xuất sắc từ đầu đến cuối trận. Phong độ ổn định của thủ môn sinh năm 1999 khiến đội bạn không thể ghi bàn thắng danh dự và đành chấp nhận thất bại 0-3.

    Các thành viên trong gia đình Văn Toản chia sẻ họ rất tự hào và hãnh diện khi có con trai là một phần của đội tuyển U22 Việt Nam lập nên kỳ tích vàng.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-thu-mon-van-toan-va-chuyen-tham-gia-dinh-giua-dem-khuya-a304400.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan