+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể về nữ thủ lĩnh có một không hai ở Tây Nguyên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Với phẩm chất kiên trung, bất khuất của người lính cụ Hồ, H’BLăm mạnh dạn thay đổi luật tục hàng trăm năm, trở thành nữ thủ lĩnh đầu tiên ở xứ sở đại ngàn.

    (ĐSPL)- Theo quan niệm từ xa xưa của cộng đồng Tây Nguyên, già làng có một vị trí quan trọng trong đời sống buôn làng. Người được chọn làm “thủ lĩnh” phải là một người đàn ông tài giỏi, quyết đoán, có tiếng nói trước dân làng. Thế nhưng, với phẩm chất kiên trung, bất khuất của người lính cụ Hồ, H’BLăm mạnh dạn thay đổi luật tục hàng trăm năm, trở thành nữ thủ lĩnh đầu tiên ở xứ sở đại ngàn.

    Người con của cách mạng

    Từ bao đời nay, hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn duy trì luật tục thực hiện theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ đóng vai trò là trụ cột,  toàn quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống gia đình. Thế nhưng, những công việc trọng đại liên quan đến sự sinh tồn của buôn làng, chỉ có đàn ông mới được quyền tham gia, giải quyết. Đó cũng chính là lý do mà hàng trăm năm nay, những người được dân làng tin tưởng đặt trên vai trách nhiệm thiêng liêng, “thủ lĩnh” phải là những người đàn ông tài giỏi, quyết đoán. Thế nhưng, đi ngược với luật tục ở vùng đất biên cương hẻo lánh, có một nữ “thủ lĩnh” nổi danh thông minh, tài giỏi, tiếng tăm lừng lẫy khắp đại ngàn.

    Nữ “thủ lĩnh” có một không hai mà chúng tôi nhắc đến là bà là Ksor H’B Lăm (SN 1947, ngụ xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), người dân tộc J’rai. Những lần trước đến với Gia Lai, chúng tôi chỉ biết đến danh tính của nữ “thủ lĩnh” tài ba, qua lời kể của người dân. Thế nhưng, lần này ngay sau khi có dịp đặt chân đến đại ngàn, chúng tôi quyết định tìm đến tận nơi nữ “thủ lĩnh” sinh sống để mục sở thị con người bằng da, bằng thịt. Từ trung tâm TP.Pleiku vượt hơn 80km đường đồi núi, chúng tôi tìm về làng Krông, xã Ia Mơr vào một ngày tiết trời âm u.

    Già làng Ksor H’B Lăm trò chuyện với PV.

    Từ xa, làng Krông tọa lạc trên diện tích đất khiêm tốn lưng chừng đồi. Toàn bộ kiến trúc làng được dựng lên theo kiểu nhà sàn truyền thống, quây quần bao bọc lấy nhau. Ngôi nhà của nữ “thủ lĩnh” chỉ là ngôi nhà sàn bình thường, nằm phía cuối con đường. Thấy chúng tôi loay hoay đứng trước cửa, bà Rơ Mah Dim (SN 1941) nhà cạnh bên nói vọng sang: “Tìm H’B Lăm có việc gì? H’B Lăm đi rừng lấy rau, lấy cái quả rồi, không có nhà đâu. Muốn gặp H’B Lăm phải chờ tới giờ ăn cơm. Trò chuyện với chúng tôi, bà Dim cho biết: “H’B Lăm không có chồng hay con cái gì cả. Sau ngày đi bộ đội về H’B Lăm ở một mình cho tới giờ. Ngày nào H’B Lăm cũng mang gùi lên rẫy đến tối mới về”.

    Khi chúng tôi thắc mắc H’B Lăm là nữ nhưng lại được làm già làng, bà Dim phân trần: “Cả làng Krông, H’B Lăm là người theo chân cách mạng từ lúc còn nhỏ. H’B Lăm có cái chữ của Bác Hồ trong đầu. Cái miệng H’B Lăm biết nói lời hay lẽ phải. Hơn nữa, H’B Lăm biết cách làm kinh tế giỏi, nhà có nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu, bò nhất làng. Hễ dân làng ai gặp khó khăn, hay tranh chấp gì, H’B Lăm đứng ra giải quyết hết. Cái bụng người làng ai cũng ưng, cũng quý, phải để cho H’B Lăm làm già làng mọi người mới nghe theo”. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì xuất hiện người phụ nữ, sau lưng chất một gùi đầy củi cao, lom khom tiến đến. Bà Dim chỉ tay hướng về người phụ nữ bảo: “Già làng H’B Lăm về rồi đó”.

    Nghiêng vai đặt chiếc gùi nặng trịch xuống sân, già H’B Lăm đon đả mời chúng tôi vào nhà. Ngồi đối diện với chúng tôi, vị nữ “thủ lĩnh” của buôn làng dáng người nhỏ thó, gương mặt hiền hòa chất phác. Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, điều chúng tôi thấy ấn tượng ở già là cặp mắt sáng long lanh, đặc biệt giọng nói nhỏ nhẹ hút hồn người nghe.  Già bảo: “Mình già rồi làm được gì nhiều nữa đâu. Chẳng qua mình hô hào, động viên bà con làm ăn, xóa đói, giảm nghèo trước hết mình phải làm gương. Làm cán bộ mà cơm không có ăn, củi không có đốt thì nói được ai”.

    Ngoài trời mưa lâm thâm, đặt vội nồi cơm lên bếp than đỏ rực, chủ khách ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, những ký ức của một thời chiến tranh ác liệt, lại hiện về trong tâm trí già. Già kể, ngày xưa thời bom đạn ác liệt hầu hết các sơn nữ J’rai  ở độ tuổi 15 đã “bắt” cho mình một người chồng ưng ý về xây dựng gia đình. Bản thân già hồi ấy mặc dù được nhiều chàng trai thương thầm, nhớ trộm, bố mẹ thúc ép, nhưng già nhất quyết không chịu, một mực chọn cho mình con đường thoát ly đi theo cách mạng.

    Già Ksor H’B Lăm thời thiếu nữ trong màu áo bộ đội cụ Hồ hoạt động cách mạng.

    Già vốn sinh ra lớn lên ở vùng rừng núi nên thông thạo mọi ngóc ngách trong rừng. Chính vì vậy, ngay khi gia nhập cách mạng, già được giao nhiệm vụ làm giao liên, gùi công văn đến các cơ sở và tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội.

    Nữ “thủ lĩnh” của buôn làng

    Đến năm 1961, già H'B Lăm được cấp trên tin tưởng cử ra miền Bắc học tập. Già kể: “Sau một thời gian dài biền biệt không tin tức, dân làng cứ tưởng mình đã chết. Thế rồi, đột nhiên mình xuất hiện khiến dân làng hoảng sợ, ngờ vực đủ điều. Mình phải nhờ các anh bộ đội khuyên nhủ mãi dân làng mới chịu tin”. Từ ngày được cấp trên tin tưởng cho đi học trở về, già H'BLăm hăng hái hoạt động cách mạng không ngại hy sinh, gian khổ băng rừng, lội suối, xông pha trên mọi mặt trận. Không chỉ vậy, già còn là một trong số ít các chiến sỹ người dân tộc thiểu số, cùng quân giải phóng tham gia chiến đấu tại các chiến dịch lớn đi vào lịch sử như: Chiến dịch Pleime (tháng 11/1965), Đăk Tô- Tân Cảnh...

    Đến năm 1983, già được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. “Ngày về với buôn làng, bản thân mình có lương hưu, cuộc sống không lo cái đói, cái rét. Thế  nhưng, trong thâm tâm mình luôn trăn trở một điều, làng mình còn nghèo, cuộc sống người dân cơ cực trăm bề.  Lúc đang còn chút sức lực, mình phải làm một điều gì đó để giúp ích cho buôn làng. Suy nghĩ là vậy, nhưng ngày ấy tập tục sinh hoạt canh tác của người làng còn rất lạc hậu. Cả làng chỉ biết trồng lúa theo mùa vụ thời gian còn lại kéo nhau đi rà tìm vỏ bom, đạn bán phế liệu lấy tiền đổi gạo. Chính vì tư tưởng lạc hậu nên cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng”, già H'B Lăm nhớ lại.

    Sau một thời gian dài trăn trở, cuối cùng, già hạ quyết tâm bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Ban đầu với số vốn là những đồng lương hưu ít ỏi, già mua bò về nuôi, khai hoang đất trồng mì. Chỉ vài năm sau, đàn bò của già đã lên hơn chục con, ruộng đất cày cấy quanh năm. Từ đó, già trở thành người có của ăn, của để, tài sản nhất nhì trong làng. Nhìn vào kinh tế nhà già H'B Lăm, nhiều người dân trong xã bắt đầu học tập. Thấy người làng có chí hướng cải thiện cuộc sống, già H'BLăm đã cho dân làng mượn bò về nuôi. Khi bò sinh sản già sẽ lấy lại bò mẹ, tiếp tục cho người khác mượn gây dựng con giống. Không chỉ vậy, già còn chỉ dạy cho bà con biết cách trồng cây gì, theo mùa nào cho năng suất cao. Nhìn những cánh đồng lúa xanh ngắt, những đàn bò hàng trăm con tung tăng gặm cỏ, làng Krông dưới sự dẫn dắt của nữ “thủ lĩnh” đang thay da đổi thịt từng ngày.                       

    Nữ già làng mẫu mực

    Liên quan đến vị nữ “thủ lĩnh” có một không hai nơi đại ngàn nắng gió, trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Mah Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết, từ bao đời nay theo như luật tục của người J’rai, vị trí già làng chỉ dành cho đàn ông. Thế nhưng, với sự tín nhiệm của 100\% người làng bầu chọn bà Ksor H’B Lăm làm già làng, chính quyền xã cũng đồng thuận.

    Đặt trên vai trách nhiệm cao cả, bà H’BLăm luôn tỏ ra là một người tháo vát, nhanh nhẹn trong công việc. Với nhiệm kỳ hơn 10 năm làm già làng, bà H’B Lăm có nhiều đóng góp tích cực cho làng, cho xã, đặc biệt dành được sự tín nhiệm của hầu hết bà con.

     HỒ NAM

     Xem thêm video:

    [mecloud]GJE4ocS8oY[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-nu-thu-linh-co-mot-khong-hai-o-tay-nguyen-a103486.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.