+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể về nghề luật sư (kì 3): Người bảo vệ công lý phải có “bàn tay sạch”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Luật sư là người nắm giữ thông tin, nhiều khi là cả “sinh mạng pháp lý” của khách hàng. Để đeo đuổi nghề ngoài “trái tim nóng, cái đầu lạnh” thì phải có một bàn tay sạch.

    Luật sư là người nắm giữ thông tin và nhiều khi là cả “sinh mạng pháp lý” của khách hàng. Vì vậy, để đeo đuổi nghề ngoài “trái tim nóng và cái đầu lạnh” thì phải có một bàn tay sạch, không tham lam, không vụ lợi, lương tâm trong sáng.

    Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch

    Nghề luật sư ngày càng giữ vai trò quan trọng các lĩnh vực trong đời sống, góp phần bảo vệ công lý. Thế nhưng, ít ai biết rằng sau vinh quang mà nghề luật sư đem đến là những khó khăn, nhọc nhằn chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), PV Báo Đời sống& Pháp luật đã có cuộc trao đổivới luật sư Đặng Thị Tâm (Công ty luật Asem, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), người gắn bó gần 10 năm với nghề để hiểu rõ hơn về những xúc cảm, trăn trở với nghiệp “thầy cãi’.

    Luật sư cần bản lĩnh trước mọi tình huống

    PV: Xin chào luật sư, có ý kiến cho rằng nghề luật thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật nói chung, bà có suy nghĩ gì về nhận định này?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Theo tôi, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận và đánh giá riêng nên rất khó để đưa ra đáp án cho câu hỏi này. Dù là luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán, thi hành án...dù mỗi nghề có những đặc điểm khác nhau nhưng mỗi người chỉ cần làm đúng, làm tốt vai trò, bổn phận của mình thì đó chính là đặc trưng lớn nhất cho những người làm nghề luật.

    PV: Cạnh tranh ở bất kì ngành nghề nào cũng có và nghề luật sư cũng không ngoại lệ. Để tạo thương hiệu, không ít luật sư chú trọng quảng bá hình ảnhbằng nhiều hình thức khác nhau. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Bản thân tôi thấy việc quảng bá để hình ảnh của luật sư, văn phòng luật... rộng rãi trên các kênh thông tin không phải là vấn đề gì xấu, miễn là phục vụ cho công việc và tuân thủ đúng pháp luật. Bởi luật sư cũng có những áp lực không nhỏ từ cuộc sống.

    Vì vậy, rất khó để tránh được sự cạnh tranh trong nghề, tuy nhiên chúng ta nên nghĩ đến những vấn đề lớn hơn và mặt tính cực của sự cạnh tranh.Cạnh tranh trong nghề luật cũng là một thử thách giúp người luật sư thêm bản lĩnh, tôi tuyện kiên cường để khẳng định tên tuổi.

    Cần phải nói rằng, luật sư vẫn là một nghề đặc biệt vì người luật sư nắm giữ thông tin và nhiều khi là cả “sinh mạng pháp lý” của khách hàng.

    PV: Nghề luật sư là một nghề không hề dễ dàng. Có không ít luật sư phải đối mặt với sự đe dọa, uy hiếp, cản trở từ nhiều đối tượng manh động. Luật sư đã bao giờ rơi vào tình huống tương tự?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: (Cười) Có chứ! Trong quá trình hành nghề, cũng đã có nhiều lần tôi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn uy hiếp hoặc sự đe dọa trực tiếp đến an toàn của cá nhân và người thân trong gia đình. Cũng có đôi khi, tôi bị nhiều đối tượng có hành vi hung hãn, manh động, cản trở tôi cùng cộng sự xác minh những tình tiết của vụ án.

    PV: Nguy hiểm và khó khăn như vậy, đã bao giờ luật sư có suy nghĩ muốn bỏ nghề và lựa chọn một công việc an toàn hơn không?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Từ khi lựa chọn học tập và trở thành một luật sư, tôichưa bao giờ nhụt chí, lùi bước trước những khó khăn hay lời đe dọa như vậy. Khi lựa chọn nghề này, tôi cũng đã lường trước được những vấn đề, hiểm nguy như vậy.

    Bản thân tôi cũng rất may mắn được gia đình hết sức ủng hộ và giúp đỡ để tôi được "sống" cùng với nghề, cố gắng làm việc đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật, công tâm và tôn trọng công lý.

    Luật sư cần có "một bàn tay sạch"

    PV: Theo luật sư, một người luật sư cần có những đức tính gì để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ nhưng vẫn đảm bảo tuyệt đối tinh thần thượng tôn pháp luật?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Tôi rất tâm đắc một câu nói: “Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch”.

    "Trái tim nóng" để thấu hiểu, đồng cảm và có những dự cảm đúng về con người. Luật sư phải bảo vệ, bào chữa cho rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mỗi một thân chủ là một mảnh đời, một số phận nhưng có chung một nguyện vọng được pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp. Sự thấu hiểu phần nào giúp người luật sư lựa chọn được phương án giải quyết vừa phù hợp với nguyện vọng, hoàn cảnh của thân chủ lại vừa thượng tôn pháp luật,

    Với bản thân tôi, đồng cảm còn là "chìa khóa" giúp tôi mở ra được nhiều "cánh cửa bí mật" trong quá trình xác minh sự việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân chủ.

    Trước bất cứ một vụ án nào, người luật sư cũng cần phải giữ "cái đầu lạnh" để phân tích, suy luận và phán đoán các sự kiện chính xác, khách quan. Không những vậy, nghề luật còn đòi hỏi người luật sư phải huy động rất nhiều tố chất trong một con người như sự tinh tường về pháp luật, sự am hiểu về thực tế xã hội, có bản lĩnh chính trị và hơn hết là cần có một trình độ nghề nghiệp cao.

    Đặc biệt, người luật sư chân chính ngoài trí tuệ còn cần phải có đạo đức, kiên cườnggiữ vững bản lĩnh để hành nghề, giữ “một bàn tay sạch” không tham lam, không vụ lợi,lương tâm trong sáng.

    PV: Có ý kiến cho rằng, có một vài hiện tượng luật sư chạy theo những cám dỗ nghề nghiệp để làm những việc sai trái, quan điểm của bà về việc này như thế nào?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Không thể phủ nhận có một số rất ít luật sư chạy theo  cám dỗ của tiền tài, danh vọng nên đã cấu kết cùng các cán bộ biến chất trong ngành tư pháp để tham gia chạy án.

    Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong xã hội hiện đại, cám dỗ có mặt ở khắp mọi nơi, bất cứ một ngành nghề nào cũng có thể rơi vào cái bẫy của đồng tiền, danh vọng và nghề luật sư cũng không ngoại lệ.

    PV: Để gửi gắm đến những bạn trẻ có ước mơ theo đuổi nghề, luật sư muốn nhắn nhủ điều gì?

    Luật sư Đặng Thị Tâm: Đối với các bạn đang tập sự hay những sinh viên theo đuổi nghề luật sư, ngoài việc trau dồi những kiến thức, kinh nghiệm xã hội, học hỏi những kĩ năng trong cuộc sống. Đồng thời, các bạn cần phải giữ được sự bình tĩnh và bản lĩnh đối mặt với mọi tình huống.

    Hơn hết, các bạn trẻ cần có một lòng yêu nghề sâu sắc, bởi luật sư là một nghề thú vị nhưng cũng nhiều rủi ro. Vì vậy, để "sống" với nghề, những luật sư tương lai cần luôn tin tưởng vào nghề, giữ vững tình yêu công lý, làm việc với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm.

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-nghe-luat-su-ki-3-nguoi-bao-ve-cong-ly-phai-co-ban-tay-sach-a296524.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan