Là một trong hai người phụ nữ có vinh dự kéo lá cờ Tổ quốc tại Quảng trường Ba Đình 70 năm về trước, cô nữ sinh ngày đó – bà Lê Thi đang ngồi kể lại phút giây bất ngờ trở thành chứng nhân của lịch sử.
Giây phút thiêng liêng
Thời điểm năm 1945, khi tôi là một cô gái mới 19 tuổi. Tôi có may mắn sớm giác ngộ cách mạng từ trước đó hơn 1 năm. Nhà tôi vốn ở phố Hàng Bông, tôi thường xuyên vận động đồng bào trong khu phố của mình đóng cửa, cùng nhau đi dự lễ mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình.
Đến ngày trọng đại, tôi cùng một số chị em khác trong trang phục quần trắng áo dài, vừa đi chúng tôi vừa hô “1-2-1-2” để mọi người cùng bước theo nhịp cho đều. Khi đến Quảng trường thì đã có các đoàn khác xếp hàng đứng đó từ trước, đoàn thanh niên, đoàn các em thiếu nhi rồi đoàn viên chức. Chúng tôi đứng vào hàng ngũ Phụ nữ Thủ đô và nhóm Phụ nữ quận Hoàn Kiếm của tôi được đứng đầu hàng.
Bất ngờ, gần đến thời điểm diễn ra lễ chào cờ, các anh trong Ban tổ chức thông báo đoàn Phụ nữ Thủ đô cử người lên kéo cờ. Chúng tôi ai nấy đều im lặng thì lại nghe tiếng các anh đó giục. Do tôi dẫn đoàn nên đứng ngoài, các chị em trong khu phố thấy vậy liền nói “Chị Thi lên đi, chị Thi lên đi” nên tôi phải lên. Thực lòng, lúc tôi bắt đầu đi lên bục kéo cờ tôi rất lo do không hề được chuẩn bị từ trước. Nếu kéo hỏng mọi người sẽ nói.
Khi gần lên đến lễ đài, tôi gặp một chị phụ nữ đang chờ đứng đó chờ sẵn, vậy là hai chị em chúng tôi cùng dắt nhau đến chân cột cờ. Thời điểm đấy cột cờ nằm trên lễ đài, lối đi lên từ phía sau lễ đài và phải đi qua những bậc thang mới lên tới bục cột cờ. Tôi nói với người phụ nữ đó, “Chị thấp chị nâng lá cờ còn em cao hơn để em kéo cờ”.
Tôi nhớ hôm đấy là một ngày không có nắng và mát trời. Tiếng nhạc “Tiến quân ca” vang lên thì tôi bắt đầu công việc của mình, tôi từ từ kéo lá cờ cho tới khi lá cờ lên tới đỉnh, lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió và lúc đó chúng tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau ngày hôm đấy, tôi với chị không gặp nhau và cũng không biết tên nhau cho mãi đến sau này, khi một số cơ quan chức năng tìm kiếm lại thông tin thì họ có mời tôi và chị lên Quảng trường Ba Đình. Lúc đó, tôi mới biết tên chị là Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày và là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cùng nhau đến Quảng trường Ba Đình và chụp ảnh, ôn lại ký ức về khoảnh khắc năm nào.
Bây giờ khi nhìn lại quá khứ mới thấy cái vinh dự ngày đó nhưng thực sự ngày ấy tôi rất lo, việc trọng đại quá mà mình không được tập từ trước. Câu chuyện chỉ có như thế thôi. (bà Lê Thi cười)
Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Từ bỏ nghề giáo để theo cách mạng
Nhà tôi có 8 anh em, 4 trai 4 gái, bố tôi – ông Dương Quảng Hàm là một nhà dạy văn - sử, gia đình thì ăn uống tiết kiệm song ông cụ luôn cho 4 cô con gái học bằng 4 anh em trai còn lại. Bố tôi lo toan hết nỗi để cho chúng tôi được ăn học, ông không bắt chúng tôi giúp việc gia đình còn mẹ tôi thì lo việc cơm nước để dành thời gian cho các con mình học tập.
Bố tôi từng nói với tôi: “Con cứ lông bông thế thì phải đi học cô giáo” và tôi cũng mong muốn mình sẽ theo ngành sư phạm.
Thời điểm đó chúng tôi hoạt động cách mạng đều phải lấy bí danh, tôi không lấy tên thật của mình là Dương Thị Thoa mà sử dụng tên Lê Thi bởi chúng tôi đều thích vua Lê Thái Tổ nên mấy chị em chơi cùng nhau toàn lấy họ Lê, còn tên Thi là tên một cô bạn gái tôi quen.
Trở lại thời khắc lúc đó. Sau khi lá cờ được kéo lên xong, chúng tôi lui xuống. Hồ Chủ tịch bắt đầu lên đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trên lễ đài. Và đấy cũng là lần đầu tiên tôi được thấy Bác gần như thế, có lẽ khoảng cách chừng chưa tới 3m. Mọi khi tôi chỉ được nhìn qua ảnh, lần đầu tiên nhìn mà tôi thấy sao Bác ăn mặc giản dị quá. Tôi nghĩ ngày này người ta sẽ mặc complet, ca-la-vát nhưng Bác lại xuất hiện trong trang phục quần áo bộ đội và đi một đôi dép cao su.
Rồi Bác bắt đầu nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, tôi ngạc nhiên hơn và nghĩ trong lòng: “Sao Bác hỏi thế nhỉ?”. Rồi Bác lại nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, khi đó cả đám đông bên dưới đồng thanh hô: “Rõ ! Rõ ! Rõ !”
Kết thúc bài diễn văn, Người nói: “Thề chết để giữ gìn nền độc lập dân tộc”, ở dưới lại hô vang “Xin thề ! Xin thề ! Xin thề !”.
Sau khoảnh khắc đấy, tôi tự nhủ: “Thôi, không đi làm cô giáo nữa mà mình sẽ đi làm cán bộ cách mạng”. Từ đấy tôi không còn học trở thành cô giáo và cũng bỏ theo nghề sư phạm.
Giáo sư Lê Thi năm nay đã 89 tuổi đang ngồi nhớ lại thời khắc lịch sử ngày 02/09/1945 |
Chứng nhân lịch sử
Được biết, sau đó bà Lê Thi tham gia cách mạng và trải qua nhiều thời kỳ cho đến khi hoà bình lập lại. Bà được phân công công tác ở nội thành Hà Nội tại Viện Triết học.
25 năm công tác ở Viện Triết học, được phong học hàm Giáo sư và giữ chức vụ Viện trưởng, đến năm 1986 khi ở tuổi 60 bà xin rời khỏi Viện để thành lập “Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình” giờ là “Viện gia đình và giới”. Bà công tác đến năm 2003, khi đã gần 80 tuổi mới về nghỉ.
Trong câu chuyện gợi nhớ bà về ký ức, ái nữ thứ tư của Giáo sư Dương Quảng Hàm không quên nhắc đến không khí sau ngày 02/09/1945. “Sau ngày đó, toàn dân có phong trào cố gắng làm việc gì có ích cho cách mạng, phát triển ra mọi đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, công đoàn. Mọi người đều nghĩ rằng bây giờ mình đã giành được độc lập thì mình phải cố gắng có đóng góp cho cách mạng bằng những việc làm thiết thực của mình hoặc tham gia phong trào do nhà nước phát động”, bà kể.
Ngày Quốc Khánh lúc bấy giờ có thể nói nước ta đã qua thời kỳ thống trị của Thực dân Pháp. Nhân dân chủ yếu lo làm ăn, không có nhiều những cuộc mít-tinh, hội họp nhưng tinh thần yêu nước của nhân dân được khuấy động, mọi người đều cố gắng đóng góp để giữ gìn nền độc lập dân tộc.
Chị Loan, người kéo cờ cùng tôi đã mất từ 5 năm trước. Chỉ còn tôi và chồng tôi những ngày nghỉ lễ vẫn thường lên Quảng trường Ba Đình chỉ để ngồi ngắm không gian xung quanh. Bãi cỏ giờ rộng lắm. Chồng tôi nói ông là một trong những người thuộc đội tự vệ đứng gác quanh kỳ đài khoảnh khắc ấy. Ông nói thì tôi mới biết còn lúc đấy chúng tôi không quen nhau và tôi cũng không biết ông.
“Tôi chỉ mừng vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ trọng đại trong khoảnh khắc lịch sử mà không hình dung được rằng hôm nay, thời bình, mình đã trở thành một nhân chứng lịch sử”, cô nữ sinh của 70 năm về trước lại mỉm cười.
Theo Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]PEuoXHzsxH[/mecloud]