+Aa-
    Zalo

    Chuyện chưa kể ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mỗi năm, các cán bộ, nhân viên tại trung tâm BTXH Nghệ An đã tự tay chôn cất, mai táng, hương khói cho hàng chục bệnh nhân qua đời.

    (ĐSPL) - Bên cạnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, chính các cán bộ nhân viên ở Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An còn tự tay chôn cất, mai táng và hương khói cho hàng chục bệnh nhân xấu số qua đời tại đây.

    Vào một ngày đầu tháng 11, PV báo Đời sống & Pháp luật đã quay lại Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, thuộc Sở LĐTB&XH Nghệ An, đóng tại thôn Nguyễn Tạo, xã Sơn Giang Đông, huyện Đô Lương.

    Khu nhà ở của các đối tượng tâm thần tại Trung tâm BTXH Nghệ An, đóng trên địa bàn huyện Đô Lương.

    Có mặt tại đây, chúng tôi không còn quá ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng một số đối tượng tâm thần nặng phải ăn bốc, nắm bằng tay. Bởi, theo các nhân viên ở đây cho biết, thường phải tránh cho họ dùng đũa, thìa vì khi phát bệnh, họ có thể dùng ngay những vật này để gây thương tích cho chính mình và mọi người xung quanh.

    Các cán bộ và nhân viên làm việc tại đây đều là những người có thâm niên gắn bó đối với công việc bảo trợ xã hội. Mỗi ngày, 26 cán bộ nhân viên đều thực hiện việc chăm sóc, tắm rửa, nấu ăn cho các đối tượng. Đặc biệt, đối với những trường hợp nặng không thể ăn được, họ thay phiên nhau bón cơm cho bệnh nhân. Những lúc ốm đau, bệnh tật cũng một tay các cán bộ ở trung tâm này chăm sóc bất kể là ngày hay đêm.

    Đêm hôm khuya vắng, các cán bộ nhân viên nơi đây đã quá quen với cảnh tượng những tiếng la hét thất thanh, hãi hùng của những bệnh nhân tâm thần. Nghe vọng lại những âm thanh này trong đêm, lại ở vùng núi khuya vắng, những người mới đến đây lần đầu hoặc không vững tim thì vô cùng sợ sệt. Thế nhưng đó là chuyện quá quen thuộc với những người làm việc tại Trung tâm này.

    Chuyện có thể xảy ra hàng ngày mà nhiều người không biết, đó là khi đang bón cho bệnh nhân ăn, khi không vừa ý, các nhân viên bị đối tượng dùng cả tô cơm đập vào mặt hay chuyện cán bộ làm việc tại trung tâm bị bệnh nhân đánh đập... là chuyện thường như cơm bữa. Họ là những người không được bình thường, không ý thức được hành động của mình nên mỗi khi bị đánh, các nhân viên ở trung tâm đều không hề trách cứ.

    Tìm hiểu được biết, bên cạnh các đối tượng tâm thần thông thường và những người già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, Trung tâm BTXH Nghệ An còn là nơi tiếp nhận các đối tượng bệnh tật, bệnh lý nặng từ các bệnh viện chuyển về để chăm sóc và nuôi dưỡng.

    Xót xa thấy một số bệnh nhân từ khi ngã bệnh đến lúc qua đời không có bất cứ một người thân, anh em nào quan tâm, hỏi han tới, chính các cán bộ nhân viên tại trung tâm lại một tay lo việc mai táng cho các đối tượng này tại nghĩa trang của Trung tâm BTXH Nghệ An.

    Nghĩa trang, nơi chôn cất các bệnh nhân xấu số qua đời tại Trung tâm BTXH Nghệ An.

    Cách khu nhà làm việc và nơi nuôi dưỡng các đối tượng tâm thần và người già không nơi nương tựa là một bãi đất trống khoảng hơn 4.000mnằm trong khuôn viên Trung tâm, là nơi chôn cất các bệnh nhân xấu số qua đời tại đây.

    Do đặc thù tiếp nhận đối tượng từ nhiều nơi về trung tâm điều trị nên tại khu nghĩa trang này, khi mất đi rồi, nhiều ngôi mộ còn không rõ tên tuổi, quê quán...

    Theo thống kê của Trung tâm BTXH Nghệ An, trung bình mỗi năm có hàng chục đối tượng người già ngã bệnh tử vong đã được chính các cán bộ nhân viên Trung tâm lo việc chôn cất, hương khói tại nghĩa trang này. Cụ thể, năm 2011 có 8 đối tượng qua đời; năm 2012 là 20 trường hợp; năm 2013 có 7 trường hợp; năm 2014 có 13 trường hợp và từ đầu năm 2015 đến thời điểm hiện tại có 8 đối tượng qua đời.

    Đặc biệt, có những trường hợp mới được Trung tâm tiếp nhận chưa lâu thì đã qua đời do bệnh tật quá nặng, bệnh viện trả về. Như trường hợp của cụ Nguyễn Thị H. (SN 1922), trú tại khối 4, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương (Nghệ An) được đưa về trung tâm vào ngày 21/2/2014 nhưng chỉ sau 3 giờ đồng hồ, cụ H. qua đời.

    Sự việc đau lòng xảy ra cũng được chính những bàn tay của cán bộ, công nhân viên Trung tâm tự chôn cất lo lắng chôn cất tại nghĩa trang Trung tâm.

    Một tay các cán bộ, nhân viên Trung tâm BTXH Nghệ An lo chu đáo việc chôn cất, hương khói.

    Theo ông Nguyễn Văn Ba (SN 1961), Trưởng phòng y tế Trung tâm BTXH Nghệ An: “Không kể ngày hay đêm, khi ngã bệnh, các đối tượng nuôi dưỡng tại trung tâm đều do một tay chúng tôi chăm sóc. Chúng tôi xem trung tâm như ngôi nhà thứ hai của gia đình và các đối tượng ở đây là các thành viên trong gia đình. Mỗi một người mất đi, chúng tôi lại vô cùng xót xa. Các trường hợp không có người thân, tất cả cán bộ nhân viên chúng tôi lại lo lắng chôn cất chu đáo cho các đối tượng an nghỉ”.

    Chị Nguyễn Thị Hải Đường (SN 1979), Tổ trưởng hộ lý phòng y tế Trung tâm BTXH Nghệ An chia sẻ thêm: “Trước những áp lực và đặc thù của công việc, chúng tôi phải là những người yêu nghề, yêu việc thì mới có thể làm được. Công việc chúng tôi không kể ngày hay đêm, bệnh nhận lâm bệnh thì chính chúng tôi chăm bón từng thìa cháo, túc trực cả đêm để theo dõi, động viên và chăm sóc họ. Họ ngã xuống, không một người thân thích đên nhận đưa về quê nhà mai táng thì chúng tôi lại thay họ làm mọi việc chu toàn”.

    Chia sẻ thêm về những vất vả này, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm BTXH Nghệ An cho hay: “Ở đây, thỉnh thoảng lại có một số đối tượng tâm thần trốn khỏi trung tâm. Sự việc xảy ra, trung tâm lại phải huy động nhân sự và dân quân đi tìm, có trường hợp phải 2 - 3 ngày sau mới tìm được. Bên cạnh đó, nhiều gia đình bệnh nhân từ xa lặn lội tới thăm người thân nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cùng cực, trung tâm phải giúp đỡ tiền xe đi về và ăn uống dọc đường...”.

    "Theo nghị định 136, mức tối thiểu nhà nước hỗ trợ mai táng phí là 5,4 triệu/trường hợp nhưng hiện nay, tỉnh Nghệ An vẫn đang áp dụng mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/trường hợp", ông Phú cho biết thêm.

    NGỌC TUẤN

    [mecloud]fa4ADmJizB[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-o-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-tinh-nghe-an-a118899.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.