+Aa-
    Zalo

    Chuyện bữa cơm không có thịt của những thủ khoa con nhà nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều lần hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi ra, Chiến đành mua rau, dưa ăn cho qua bữa, nhường hết phần thức ăn cho các em.

    (ĐSPL) - Mỗi mùa thi đại học qua đi đều lắng đọng trong tôi bằng những câu chuyện thật cảm động. Đặc biệt là khi ngôi vị thủ khoa thường được "thống lĩnh" bởi các em học sinh "trường làng" có gia cảnh nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn từ tấm bé. Nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh để chạm đích thành công của các em luôn khiến bất cứ ai biết đến cũng phải ngạc nhiên và khâm phục.

    Đôi bạn cùng tiến

    Đó là câu chuyện khá thú vị về hai em học sinh Kiều Văn Bắc (thủ khoa đại học Giao thông Vận tải - 27 điểm) và Trịnh Văn Chiến (thủ khoa khối A, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội - 25 điểm). Cùng lớn lên ở một con ngõ nhỏ, cùng học chung một lớp, cùng có những hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và cùng "về đích" với ngôi vị thủ khoa của hai trường đại học danh tiếng, chuyện của Bắc và Chiến đã khiến cả vùng quê Xa Mạc, Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội sôi động hẳn lên.

    Ngôi nhà nhỏ chừng vài chục mét vuông của Chiến nằm cuối con ngõ còn chưa có đường bê tông, lạo xạo những cát, sỏi và rãnh nước thật khó đi. Nhưng gương mặt khôi ngô của hai cậu thủ khoa đã khiến những mệt nhọc suốt đường đi gần ba tiếng đồng hồ của tôi nhanh tan biến. Từ hôm biết tin hai bạn đỗ thủ khoa, mỗi ngày, các bạn trong lớp đều đến chơi rất đông.

    Không chỉ trong học tập mà ngay cả đời thường, cứ hễ nhìn thấy Bắc là sẽ có Chiến. Khi gặp bài khó, hai em lại tìm đến nhau, cùng suy nghĩ để ra được một đáp án đúng. Nhà cách trường hơn 5 cây số. Có khi xe hỏng, một người phải gửi xe lại để bạn chở đi cho khỏi muộn giờ. Bắc còn hay "áp tải" Chiến đi chợ mua thức ăn hoặc cùng nhau ra tận Phúc Yên, Vĩnh Phúc để chọn lựa những cuốn sách yêu thích. Luôn luôn đứng tốp đầu của lớp về thành tích học tập nên Chiến và Bắc đã được mặc định là "đôi bạn cùng tiến" nổi tiếng khắp trường.

    Chuyện bữa cơm không có thịt của những thủ khoa con nhà nghèo
    Niềm vui rạng ngời trên gương mặt hai tân thủ khoa.

    Học để thoát nghèo

    Tôi khá bất ngờ khi Chiến chia sẻ: "Em muốn trở thành một nhà chính trị giỏi để góp phần nhỏ bé của mình vào việc cải tạo xã hội". Lựa chọn khoa Chính trị học, Chiến gặp khá nhiều cản trở của người thân và bạn bè nhưng Chiến vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.

    Chiến có những suy nghĩ già dặn, khác hẳn với vẻ hồn nhiên, ngây thơ của Bắc. Bắc sống với mẹ nên tất cả tình yêu và sự khó nhọc của mẹ, Bắc đều gửi vào những kết quả học tập. Bắc tâm sự: "Nhà em chỉ có hai mẹ con. Còn Chiến thì phải sống tự lập từ bé. Chúng em đều động viên nhau phải học tốt, thi đỗ đại học, thành đạt để đời mình thoát nghèo, để bố mẹ không phải vất vả". "Em nghĩ không phải cứ hiện đại, cứ thuận lợi mà đã giỏi được. Điều quan trọng là phải có phương pháp tốt và động lực để cố gắng", Chiến nhỏ nhẹ tâm sự.

    Rớt nước mắt... bữa cơm không có thịt

    Nhà Chiến có ba anh em trai. Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Chiến vào miền Nam làm kinh tế từ năm Chiến học lớp 3. Chiến và em ở với hai bác đến khi học lớp 8 thì xin về nhà mình ở. Căn nhà hồi ấy chỉ có nền đất ẩm ướt với vài chục mét vuông, mái lợp lụp xụp như một căn nhà tạm. Vậy mà, một mình Chiến vừa học, vừa chăm sóc và dạy bảo hai em.

    Có những lần, đứa em út khóc đòi bố mẹ, Chiến thay cha mẹ cưng nựng, dỗ dành em. Cậu em trai thứ hai thì bướng bỉnh hơn. Nhiều lần trốn anh đi dầm mưa, dãi nắng. Chiến đã hết lòng khuyên nhủ và đôi lúc phải dùng hình phạt nghiêm khắc. Nói về những điều này, Chiến tâm sự: "Nếu không nói được bằng lời thì phải đánh đòn, phải phạt thôi chị ạ. Để nó tự do quá trớn là không tốt".

    Không những dạy em nghiêm khắc, Chiến còn như một thầy giáo giảng những bài toán khó cho các em. Có lẽ cũng vì nể anh mà cả hai em trai đều là học sinh giỏi trong nhiều năm liền.

    Bố mẹ Chiến là anh Trịnh Văn Kháng (SN 1975) và chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1977), đã phải rất khó khăn khi quyết định xa các con. Thương và nhớ các con nhiều nhưng một năm, cố gắng lắm, anh chị chỉ về thăm con được một lần. Anh Kháng chạy xe ba bánh, ai thuê chở gì thì chở nấy. Còn chị Ngọc hàng ngày đi lượm ve chai về bán. Trừ tiền thuê nhà và các chi phí khác, anh chị cố gửi cho các con một vài triệu mỗi tháng.

    Hiểu được sự vất vả của bố mẹ, Chiến cố gắng chăm lo cho các em thật tốt và chi tiêu rất tiết kiệm. Tiền bố mẹ gửi ra mỗi tháng, thiếu đủ thế nào Chiến cũng không bao giờ phàn nàn. Nhiều lần hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi ra, Chiến đành mua rau, dưa ăn cho qua bữa, nhường hết phần thức ăn cho các em.

    Quen được anh chiều và không có sức chịu đựng như người anh cả, cậu em thứ hai đã lén gọi điện mách với bố mẹ việc mấy ngày liền thèm ăn thịt quá mà anh không mua cho con ăn.

    Nó mách xong lại dặn "bố mẹ đừng nói với anh, không anh mắng con". Lúc đó, anh Kháng, chị Ngọc mới giật mình vì chưa gửi tiền cho các con. Nhắc đến điều này, giọng chị Ngọc rưng rưng: "Có lúc vì mải làm ăn mà vợ chồng tôi quên gửi tiền cho các cháu. Nhưng nói thật là có nhiều tháng làm ăn không may mắn, lại chưa vay được ai nên không có tiền mà gửi ra cho con".

    Nghe con trai nói thèm ăn thịt, chị gọi cho Chiến trách thì Chiến nói: "Con thấy thế là bình thường. Người nhà nông thì có bữa nọ bữa kia, làm sao tránh được". Nghĩ thương con mà rớt nước mắt, rồi chẳng mắng được đứa nào".

    Tôi quay sang hỏi Chiến, một lần nữa em lại khiến tôi ngạc nhiên với những câu nói chắc như đinh đóng cột: "Em thấy chuyện đó là bình thườngồ. Ngày xưa các cụ còn khổ cực hơn rất nhiều, không có rau, có cháo mà ăn, vẫn sống thọ đến tám chín mươi tuổi. Thời chiến tranh nhiều người nhịn đói cả mấy ngày mà vẫn đánh giặc giỏi".

    Câu chuyện về những bữa cơm thèm thịt của ba anh em nhà Chiến cứ ám ảnh tôi trên suốt đường về.

    Biết ơn cô giáo chủ nhiệm

    Chiến tâm sự: Vắng bố mẹ là một sự thiệt thòi lớn. Nhưng bù lại, chúng em may mắn vì có cô giáo chủ nhiệm như người mẹ thứ hai. Cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn quan tâm đến cuộc sống của từng học sinh. Biết em phạt em trai đứng nắng, đứng mưa là không tốt, cô đã khuyên và dạy em cách dạy em có hiệu quả hơn. Những khi anh em có mâu thuẫn gì, cô lại là người đứng ra giải quyết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-bua-com-khong-co-thit-cua-nhung-thu-khoa-con-nha-ngheo-a45742.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan