(ĐSPL) - Lăng mộ cổ của Tả quân Lê Văn Duyệt nằm trên khu đất rất tốt về phong thủy của thành Gia Định năm xưa. Không chỉ vậy, đây được xem là lăng mộ có kiến trúc cổ nhất tồn tại từ 1840 đến nay.
Đến thăm lăng mộ du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến một di tích lịch sử với những đường nét kiến trúc cổ xưa mà những câu chuyện về cuộc đời vị Tả quân sẽ làm mọi người nhớ đến những sự kiện bi tráng một thời trong lịch sử 317 năm hình thành và phát triển Gia Định xưa (nay là TP. HCM).
Ngôi mộ cổ nằm trên “long mạch”
Đúng vào dịp rằm tháng 3 (ngày 3/5/2015) hòa cùng dòng người đông đúc đến viếng lăng Ông (tên thường gọi của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt) chúng tôi có mặt tại khu lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt ở số 1 Nguyễn Tùng (phường 1, quận Bình Thạnh).
Mộ song táng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân. (Ảnh: T.L/báo Thanh niên). |
Tại đây chúng tôi có dịp “mục sở thị” mộ song tán của Tả quân Lê Văn Duyệt và Chánh thất phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Ngôi mộ cổ trong khuôn viên rộng lớn gần 18.000 mét vuông nằm giữa con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng.
Theo tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu về ngôi mộ này thì ngôi mộ được xây dựng ngày 30/8/1832 tại làng Bình Hòa – Gia Định. Mộ Tả quân Lê Văn Duyệt gối đầu lên một gò cao có thế đất chạy thoai thoải từ hướng Bắc xuôi về phía Nam đến giáp cầu Bông (Q. Bình Thạnh) hiện nay.
Thời ngôi mộ mới được lập cách đây 180 năm (vào năm 1832), đó là gò đất “hình lưng Rùa” vắng vẻ (sau này có tài liệu còn gọi đây là gò Kim Quy). Có nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng vị trí của mộ nằm ngay “long mạch”, nơi hội tụ linh khí. Trải qua khá nhiều biến cố và nhiều lần trùng tu khác nhau nhưng hiện nay ngôi mộ vẫn còn giữ được nét kiến trúc độc đáo hiếm có của một di tích thời xa xưa để lại.
Theo quan sát của chúng tôi, toàn thể ngôi mộ có diện tích đến vài chục mét, được xây bằng một loại vữa hợp chất. Phần mộ gồm hai ngôi mộ song táng: Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ lớn hình chữ nhật.
Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh ngôi mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn. Phía trước ngôi mộ là nhà bia, nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tám bia đá khắc văn bia chữ Hán đề “Lê công miếu bi” (Bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894).
Nội dung văn bia ca tụng cung đức Lê văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân. Phía sau ngôi mộ cách một khoảng sân rộng là đến khu vực “Thượng công linh miếu” nơi Lăng mộ thu hút khá nhiều người đến thắp hương thờ cúng. Ngoài ra, ở đây còn hai phần mộ nhỏ của hai cô hầu.
Trò chuyện với chúng tôi, đại diện ban quản lí di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt cho biết, tuy ngôi mộ đã qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa độc đáo. Hằng năm tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt khá lớn vào các ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8. Ngoài ra tại khu vực lăng mộ này vẫn thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong nước, quốc tế, học sinh, sinh viên đến thăm quan và tìm hiểu về kiên trúc, lịch sử.
Chuyện bi tráng của vị Tả quân đức độ, tài năng
Theo các tài liệu ghi chép lịch sử mà chúng tôi tìm hiểu được tại lăng về thân thế của Tả quân Lê Văn Duyệt thì ông sinh năm 1764 trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, nay thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Thuở nhỏ ông đã sớm bộc lộ là cậu bé thông minh, lanh lẹ, sức khỏe phi thường và rất thích chọi gà. Chưa đầy 20 tuổi Lê Văn Duyệt được Nguyễn Ánh tuyển làm thái giám Nội Đình. Ông trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn Ánh vạn dặm chiến chinh, giành nhiều thắng lợi, giúp Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long.
Cũng nhờ tài giỏi ông được giữ chức Tổng trấn Gia Định hai lần, lần thứ nhất khoảng năm 1812 - 1815 dưới thời triều Gia Long, lần thứ hai dưới triều Minh Mạng từ năm 1820 đến khi qua đời (1832). Là một Tổng trấn tài năng luôn song hành với đức độ, ông được người dân Nam Bộ hết lòng tôn kính. Ông vừa chăm lo đời sống nhân dân, vừa trị an xứ sở. Vùng đất Gia Định trải dài từ xứ sở Bình Thuận tới Cà Mau kinh tế phát triển, đời sống nhân dân yên ổn, no ấm, nhân dân môt lòng biết ơn gọi ông là “ông Lớn Thượng”.
Tuy lập được khá nhiều công lớn, nhưng khi ông vừa qua đời thì một tai họa khủng khiếp đã giáng xuống gia tộc của ông, giờ đây khi nhắc đến chuyện này nhiều người đời sau thật sự yêu mến, ngưỡng mộ ông vẫn còn nghẹn ngào rơi nước mắt.
Sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt mất (năm 1832) phía triều đình lúc này bắt đầu đối đãi bất công với tôi tớ và những người đời sau của ông. Bức xúc với hành xử này của triều đình, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi đã khởi binh chống lại triều đình.
Theo lịch sử ghi chép lại, tháng 5 năm 1833, Lê Văn Khôi cùng 27 người trong đạo lính Hồi lương cầm đầu quân sĩ nổi lên chiếm thành Phiên An. Vào thời điểm này vua Minh Mạng là người đứng đầu triều chính đã nhanh chóng sai người dẹp biến và ra tay đàn áp khốc liệt. Cuộc nổi dậy nhanh kết thúc trong cảnh đẫm máu. Hàng ngàn người theo Lê Văn Khôi bị lôi ra xử chém và chôn chung một hầm tạo nên ngôi “mả Ngụy” trên đất thành.
Vốn dĩ năm xưa đã có nhiều điều bất đồng với Tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng do khi đó công lao của ông quá lớn nên vua Minh Mạng không thể làm gì được. nay sẵn cơ hội đã đến vua Minh Mạng ra tay rửa hiềm khích dù Tả quân Lê Văn Duyệt đã mất. Lấy cớ Lê Văn Duyệt đã dung dưỡng Lê Văn Khôi cùng lính Hồi lương dẫn đến Phiên An binh biến, ông tuyên bố rằng tội của Lê Văn Duyệt “nhổ từng cái tóc cũng không kể hết” nên ra chỉ dụ cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ của Lê Văn Duyệt san bằng mồ mả, xiềng xích khóa lại, dựng bia đá xỉ nhục với tám chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).
Ông chết vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hại tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Tại Huế, con cháu ông từ 15 tuổi trở lên bị xử trảm hàng loạt. Thân sinh bị tước phẩm hàm, bia mộ bị đục xóa, ruộng điền bị tịch thu, nhà thờ họ tộc ở Quảng Ngãi bị đưa voi về tàn phá.
Sự bất công với vị tướng từng có công lớn với thành Gia Định khiến nhân dân Gia Định vô cùng đau xót, người dân mất niềm tin vào triều đình Minh Mạng. Cũng từ đây có nhiều giai thoại về ngôi mộ Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tuyên truyền rằng sau khi bị san bằng mộ, vào những lúc trời âm u hay yên tĩnh, người dân thường nghe thấy tiếng ma hờn quỷ khóc, tiếng người ngựa xôn xao, người dân ở đó không ai dám lại gần. Cho rằng đó là những oan hồn chưa siêu thoát, vương vấn sớm hôm nên cần phải rửa oan, tẩy hận.
Nỗi oan bi thảm của Tả quân Lê Văn Duyệt kéo dài mãi đến năm 1841, khi vua Triệu Trị lên ngôi ban lệnh tha tội cho các thân thuộc của Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Đến năm Tự Đức 2 (1849) nghĩ đến công lao của Tả quân nên vua đã cho nhổ cây bia có khắc 8 chữ, đồng ý cho thân nhân sửa sang xây đắp mộ phần.
Đến năm Tự Đức 21 (1868) vua mới phục nguyên hàm cho Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau này khi phu nhân của ông là bà Đỗ Thị Phẫn qua đời cũng được chôn cất bên cạnh mộ của Tả Quân. Khu mộ nhiều lần được tu bổ, cải tạo ngày càng kiên cố hơn. Qua bao nhiêu thăng trầm cùng thời gian, khu lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh với công trình kiến trúc có gái trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của vùng đất Nam Bộ. Khu lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1988.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong sách Gia Định xưa có viết: “Theo lời các cố lão, ngôi mộ tại xã Bình Hòa – Gia Định (nay là số 1 Võ Tùng, phường 1 quận Bình Thạnh) là ngôi mộ chôn bằng hình sáp, còn hài cốt thật thì về an táng tại làng Long Hưng, thuộc tỉnh Định Tường (Tiền Giang ngày nay). Tuy nhiên, tháng 4 năm 2006, sau một cuộc khảo sát ông Lý Việt Dũng đã đưa ra kết quả ngược lại. |
PHƯỚC SƠN
Bài đã đăng trên trang Pháp luật & Cuộc sống/chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật
Xem thêm video: Phôi tượng ám ảnh về một cậu bé trên bụng mẹ
[mecloud]NV70gpsjkX[/mecloud]