Vốn là đất rừng cần phải bảo vệ, nhưng lâu nay, núi Phật Tích (thôn Phật Tích, xã Phật Tích, H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được đồn thổi là vùng “đất thiêng” nên nhiều người tìm mọi cách để an táng người thân trên núi, với hy vọng con cháu trong dòng tộc sẽ ăn nên làm ra, đời đời hưởng phúc.
Bất chấp lệnh cấm, nhiều người vẫn có ý định an táng trên núi Phật Tích. |
Gần năm tháng nay, người dân thôn Phật Tích cũng như bà con trong xã Phật Tích không ngớt bàn tán vụ chôn trộm hài cốt trên núi Phật Tích vào một đêm khuya trung tuần tháng 4.2014.
Sáng 16/4, khi nhận được thông tin một chiếc tiểu sành chứa bộ hài cốt vừa được an táng trộm cách chân tượng đức Phật không xa, chính quyền thôn, xã Phật Tích lập tức vào cuộc xác minh, phát hiện người an táng tiểu sành này là anh Vũ Đức Hoàng, quê thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn trong tỉnh.
Trước đó, anh Hoàng đã nhiều lần mang quà đến tìm Trưởng thôn Phật tích Nguyễn Văn Trình đề đạt nguyện vọng an táng phần mộ ông nội mình ở núi Phật Tích và sau đó thuê một người dân trong làng giúp việc an táng.
Để không tạo ra tiền lệ xấu chôn trộm mộ, UBND H.Tiên Du nhiều lần ra văn bản đề nghị chính quyền xã Phật Tích có biện pháp di dời ngôi mộ mới bị chôn trộm trên. Nhưng tới nay, ngôi mộ chôn trộm vẫn nằm trên núi Phật Tích.
Tìm về thôn Phật Tích, ngay tại quán nơi dẫn vào cổng chùa, chúng tôi được bà N., một người dân ở thôn, cho hay: Nghe tiếng đất Phật linh thiêng, an nghỉ nơi đây con cháu sẽ đời đời bình an, hưởng lộc, nên rất nhiều người ở tận Hà Nội cũng tìm về đây nhờ vả chúng tôi để được an táng người nhà trên núi Phật.
Vì đúng quy định thì chỉ có dân làng sinh sống tại thôn khi mất mới được chôn cất trên núi. Tất nhiên là khi chúng tôi đồng ý giúp rồi thì vẫn phải thông qua lãnh đạo thôn. “Còn chuyện tiền là do tùy tâm gia đình họ”, bà N. tiết lộ.
Bà H., một người sinh sống ngay dưới chân núi Phật Tích cũng xác nhận việc người phương xa tới thôn nhờ cậy dân làng nhận người quá cố của dòng tộc làm họ hàng, bố nuôi để chính quyền thôn, xã cho phép an táng trên núi Phật đã có từ nhiều năm nay. Chỉ tới khi xảy ra việc chôn trộm mộ, chính quyền mới ra lệnh cấm.
“Hiện vẫn còn rất nhiều người nơi khác có nhu cầu an táng phần mộ người thân trên núi Phật Tích. Nhưng việc này hiện rất khó, bởi vụ chôn trộm mộ chưa lắng xuống”, bà H. nói thêm.
Núi Phật Tích thuộc đất rừng phòng hộ, theo quy định phải nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm. Ngày 21.6.2010, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định nghiêm cấm việc chuyển mồ mả vào diện tích đất rừng. Sau đó, Chủ tịch UBND H.Tiên Du đã ra công văn yêu cầu địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nếu thấy trường hợp người dân di chuyển mồ mả vào đất núi Phật Tích. Như vậy, nhiều trường hợp nhận họ hàng, bố nuôi được chính quyền cho an táng, rồi xây mộ trên núi Phật Tích là trái quy định.
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND xã Phật Tích Nguyễn Trọng Hoan thừa nhận có tình trạng người ngoài địa phương nhờ người dân trong thôn nhận làm họ hàng để an táng người thân trên núi Phật Tích, cũng như việc chôn cất người quá cố trên ngọn núi này là vi phạm quy định về bảo vệ đất rừng. Tuy nhiên, hiện xã chưa có nghĩa trang tập trung nên trước mắt, người trong thôn khi qua đời vẫn được chôn cất trên núi.
“Chúng tôi đã đề xuất với huyện cho xây dựng một nghĩa trang tập trung, đầu 2015 sẽ khởi công. Khi đó sẽ không được phép chôn cất cũng như an táng trên núi Phật nữa”, ông Hoan chia sẻ.