Chương trình hưởng ứng ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946-22/5/2018) với chủ đề “Chung tay vì một xã hội an toàn trước thiên tai”, diễn ra tối qua (20/5) tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, từ xa xưa câu “thủy, hỏa, đạo, tặc” đã in đậm trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam. Cuộc chiến với “giặc nước” luôn được các thế hệ cha ông hết sức coi trọng và được đặt lên hàng đầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự chương. |
Theo Bộ trưởng, thiên tai có xu hướng diễn biến phức tạp, nhiều biểu hiện cực đoan, trái quy luật. Trong đó, nhiều đợt thiên tai có mức độ nghiêm trọng vượt mức lịch sử, xuất hiện tại những vùng trước đây ít xảy ra, diễn biến liên tục, quanh năm tại các địa bàn trên cả nước...
Thời gian tới, theo ông Cường, cần đẩy nhanh việc xây dựng 4.000 căn nhà phòng chống bão lũ cho người dân nghèo vùng ven biển miền Trung. Cùng đó là thực hiện các dự án di dân khẩn cấp vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xử lý sự cố đê điều cấp bách.
Triển khai lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các hoạt động của các đơn vị, tổ chức, nhất là công tác phòng chống thiên tai trong nhà trường, phòng chống đuối nước cho trẻ em, công tác dự báo, cảnh báo thông tin liên lạc, truyền thông... nhằm hạn chế thiệt hại trước thiên tai.
Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo chia sẻ về các công trình khoa học của ông liên quan đến hoạt động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trung bình mỗi năm thiên tai làm khoảng 400 người chết, mất tích, thiệt hại 1-1,5% GDP của Việt Nam. Trong đó, năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết, thiệt hại về kinh tế tới 60.000 tỷ đồng.
Tọa đàm trong chương trình, nhà khoa học, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco), được nhắc đến như một “nhà khoa học chân đất” có nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Ông Thảo chính là tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ lần thứ 5, với cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ mới nhất của ông Thảo, như: Cấu kiện bảo vệ bờ sông hồ và đê biển; cấu kiện phá sóng xa bờ, gây bồi tạo bãi, cân bằng bùn cát; cấu kiện tôn tạo gò bãi; cấu kiện chống xói lở; công nghệ lắp ghép nhà cốt phi kim an toàn bền vững, cách âm cách nhiệt, chống thấm, phù hợp với các vùng ảnh hưởng thiên tai.
Mới đây, Busadco đã bàn giao những căn nhà cốt phi kim đầu tiên, hỗ trợ bà con nghèo ở Bến Tre và Cà Mau. “Vật liệu bê tông cốt phi kim với đặc điểm nổi trội là có khối lượng nhẹ hơn các vật liệu truyền thống nên dễ thi công, lắp dựng; cùng với đó là các đặc tính chống ăn mòn, xâm thực. Đây được coi là vật liệu phù hợp cho các công trình tại những khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian tới”- ông Hoàng Đức Thảo cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, cái khó hiện nay với các sản phẩm mới, công nghệ mới là tâm lý chuộng hàng ngoại, ngại sử dụng sản phẩm công nghệ mới. Do vậy, Busadco muốn kết hợp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chính quyền địa phương đưa ra mô hình dự án thí điểm, cách thức ứng dụng.
Thu Phương