Theo Báo Lao Động, nhận định về thị trường đã trải qua những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 không mấy thuận lợi khi áp lực bán luôn thường trực sau đợt tăng kéo dài khiến VN-Index liên tục rung lắc và điều chỉnh giảm. Nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá có thể do yếu tố suy giảm chung của thị trường quốc tế tác động cộng thêm tình hình tỉ giá biến động mạnh trong nước.
Sự căng thẳng của tỉ giá USD/VND chính là chủ đề thu hút sự chú ý nhất của các nhà đầu tư trong tuần qua. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt bằng cách phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO) trong thời gian qua nhưng tỉ giá USD/VND bán ra được niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn tăng vọt qua mốc 25.000 trước áp lực tăng giá mạnh của chỉ số US Dollar (DXY) trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu năm tới nay, VND đã mất 2,5% so với USD và vẫn trong biên độ cho phép là nhỏ hơn 4% như mục tiêu đề ra của NHNN trong năm nay.
Lượng tín phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu đáo hạn vào ngày 8.4 và các chuyên gia ước tính sẽ có khoảng 75 nghìn tỉ đồng tín phiếu sẽ đáo hạn trong tuần sau. NHNN cũng đã thông tin cho biết, với nguồn lực hơn 100 tỉ USD dự trữ ngoại hối, NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỉ giá khi cần thiết. Mặc dù NHNN đã liên tục hút tiền về nhưng tỉ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy vậy phản ứng của thị trường đợt này không còn sốc như hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo tờ Tin Tức, dự báo về tình hình trị trường chứng khoán sắp tới. Cụ thể, thanh khoản tiền đồng Việt Nam (VND) có thể sẽ bị kiểm soát chặt hơn và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có khả năng tăng lên. Điều này được dự báo sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên đà tăng của thị trường chứng khoán.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), tháng 4, thị trường chứng khoán đón nhận các thông tin quan trọng, bao gồm tăng trưởng GDP và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Cùng với đó là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề điều hành tỷ giá sau khi đã phát hành khoảng 150.000 tỷ đồng tín phiếu.
ACBS đánh giá VN-Index đang kiểm chứng vùng 1.280-1.300 điểm, đây là vùng kháng cự quan trọng. Thanh khoản duy trì đà tăng tích cực, ủng hộ cho diễn biến tăng giá của VN-Index trong trung hạn. Tuy nhiên, những yếu tố có thể kìm hãm đà tăng ngắn hạn của VN-Index đang dần xuất hiện. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục trong giai đoạn này, vùng dao động dự kiến của VN-Index 1.230-1.300 điểm.
Theo dữ liệu lịch sử thị trường chứng khoán không ít lần “lao dốc” vào tháng 5. Thực tế, điều này là không xa lạ với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Bởi theo giới phân tích, nguyên nhân giảm điểm của tháng 5 đến từ việc thị trường thiếu vắng thông tin. Các báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý II phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố.
Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ, sau đó cũng là mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng sụt giảm theo.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 4/2022, VN-Index đã lập đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm, sau đó lao dốc rất mạnh. Cho đến nay, chỉ số này vẫn chưa thể hồi phục và vẫn đang cố gắng vượt mốc 1.300 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phải đối diện với những yếu tố bất lợi như khối ngoại liên tục bán ròng cộng và tỷ giá và lãi suất liên ngân tăng trở lại.
H.T (T/h)