+Aa-
    Zalo

    Chung cư thời hiện đại - Bài 6: Cư dân “khát nước” ngay giữa Thủ đô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mất nước sinh hoạt đặc biệt trong những ngày nắng nóng khiến cuộc sống của các cư dân tại nhiều chung cư đảo lộn.

    Mất nước sinh hoạt đặc biệt trong những ngày nắng nóng khiến cuộc sống của các cư dân tại nhiều chung cư đảo lộn, thậm chí có nơi mất nước cả tuần điều này khiến người dân vô cùng bức xúc.

    Cư dân khốn đốn với tình trạng mất nước thường xuyên.

    Cư Dân HUD3 Linh Đàm xếp hàng chờ nước cứu hỏa về dùng

    Cư dân sống tại dự án HUD3 Linh Đàm do CTCP đầu tư và xây dựng HUD3 làm chủ đầu tư, phải dùng tiết kiệm từng giọt nước mặc dù không có bất kỳ thông báo cắt nước từ Ban quản lý tòa nhà. Đỉnh điểm ngày 25/7, người dân phải dùng nước cứu hỏa, múc từ bể cá lên đẻ sử dụng.

    Người dân xếp hàng lấy nước cứu hỏa để dùng.

    Theo một số cư dân tại chung cư HUD3 Linh Đàm, tòa nhà bắt đầu mất nước đột ngột vào khoảng 20h ngày 24/7. Việc cắt nước không hề được báo trước khiến cư dân sống tại toà nhà trong thế bị động và gặp không ít bất tiện trong sinh hoạt.

    Theo phản ánh, đường ống sông Đà không bị vỡ, các tòa nhà xung quanh vẫn có nước bình thường, vào giữa mùa mưa mà nhà HUD3 Linh Đàm mất nước khiến cuộc sống bị đảo lộn, đặc biệt đối với những gia đình có con nhỏ, có người già ở nhà cả ngày thì không biết sinh hoạt thế nào. Nhiều gia đình sáng ra gặp cảnh mất nước còn phải nhịn đi vệ sinh.

    Ông Nguyễn Anh Tú, Trưởng Ban quản lý chung cư HUD3 Linh Đàm trả lời báo chí, việc mất nước đã bắt đầu từ chiều chủ nhật. Tuy nhiên, bể chứa có đủ để người dân sử dụng đến tối thứ 2 mới bắt đầu mất hẳn. Giải pháp hiện tại của Ban quản lý là mua nước ở xe bồn về cung cấp cho dân. Ngoài ra, đơn vị quản lý sẽ làm việc thêm với các đơn vị cung cấp nước để rà soát hệ thống đường ống.

    Tòa Trung Rice City mất nước gần một tuần

    Dự án Rice City - một dự án nhà ở xã hội do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ dầu tư và Công ty TNHH MSC Việt Nam đang quản lý và vận hành.

    Theo phản ánh của đại diện dân cư tòa Trung Rice City, việc mất nước sinh hoạt kéo dài từ 24/7 đến 29/7, nước mất thường xuyên, thời điểm đầu giờ sáng hoặc tối các hộ dân chỉ được thông báo xả nước với lưu lượng rất ít, có tầng có, tầng không và nước không đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt.

    Tuy nước có trở lại nhưng vẫn bị đục ngầu.

    Qua tìm hiểu của PV, đơn vị cấp nước cho các tòa nhà do Công ty CP BIC Việt Nam xây dựng hiện nay là HUDS1 (Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị - Xí nghiệp 1) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Vinaconex (VIWACO).

    Cư dân cho hay, nước đã cấp trở lại vào khoảng hơn 21h tối ngày 28/7 nhưng tầng nhận được nước, tầng không, lưu lượng nước thấp và đặc biệt nước được bơm lên rất đục và ngả mầu vàng. Nhiều người dân đi mua nước hoặc tích trữ được ít nước sạch để dùng cho nấu ăn, vô tình xả vòi lấy nước như Ban Quản lý tòa nhà thông báo, đã bị lẫn cả nước sạch và nước bẩn. Ngay sau đó nước lại bị cắt cho tới tận chiều tối 29/7 mới có lại.

    Hơn 400 hộ dân VP3 khốn đốn vì mất nước giữa lúc nắng đỉnh điểm

    Tháng 6 vừa qua là thời gian mà nắng nóng lên tới đỉnh điểm, thế nhưng tại nhiều dự án tình trạng mất nước vẫn diễn ra thường xuyên.

    Căng băng rôn biểu tình phản đối là một trong những giải pháp của các cư dân hiện nay khi xảy ra bức xúc.

    Sau nhiều ngày mất nước sinh hoạt, cư dân VP3 Linh Đàm bức xúc, đề nghị được đối thoại với chủ đầu tư tòa nhà.

    Theo đó, ngày 2/6/2017, phía Chủ đầu tư đã tìm phương án "chống khát" bằng cách điều tiết nước theo cách thức thủ công giữa VP6 - VP5 – VP3 cạnh đó để cấp nước cho VP3. Đồng thời sử dụng xe tec đưa nước vào bể ngầm của VP3 để cung cấp nước cho hơn 400 hộ dân.

    Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2014 đến nay tòa nhà chung cư VP3 bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt (Hoàng Mai - Hà Nội) do chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư thường xuyên lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 400 hộ dân.

    Tòa nhà VP3 được bàn giao cho cư dân từ đầu năm 2013. Đến khoảng giữa năm 2014 việc mất nước sinh hoạt xảy ra trầm trọng. Thời điểm đó, Ban quản lý tòa nhà giải thích là do nguồn nước của Chi nhánh công ty Xí nghiệp 1 (HUDS 1) bị thiếu hụt.

    Hàng nghìn cư dân khu đô thị Đặng Xá chật vật trong cảnh thiếu nước

    Cư dân tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) sống chật vật trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trong gần nửa thánh.

    Theo phản ánh của cư dân, tình trạng mất nước của các nhà chung cư thuộc cụm này bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 6/2017. Cao điểm của việc mất nước diễn ra vào những ngày mùng 9, 10, 11/6. Có thời điểm, thiếu nước, mất nước 2-3 ngày, người dân không có giọt nước nào để dùng. Khoảng 3 ngày trở lại đây, đơn vị quản lý vận hành có mở nước ngày 2 buổi vào sáng và tối. Tuy nhiên, do nước rất ít nên nhiều người dân phải nghỉ làm ở nhà để hứng nước, thế nhưng nước rất bẩn và nhiều cặn, do đó nước dùng để uống hay nấu cơm phải mua bên ngoài.

    Cảnh người dân xếp hàng lấy từng xô nước không còn là điều xa lạ tại Thủ đô.

    Đại diện Xí nghiệp Quản lý vận hành Đặng Xá lý giải, trong thời gian nắng nóng đầu tháng 6 vừa qua, do nhu cầu sử dụng nước tăng cao Cty CP nước sạch số 2 Hà Nội công suất đã dùng hết giới hạn là 60.000m3/ngày đêm.

    Trong 4-5 ngày nắng nóng kéo dài, các khu vực sử dụng đều tăng cao vì vậy lượng nước cấp về khu đô thị Đặng Xá bị thiếu hụt rất lớn. Nhu cầu sử dụng của khu đô thị là khoảng 3.000m3/ngày đêm, chỉ cấp được khoảng 1.500-2.000m3/ngày đêm, đáp ứng được khoảng 1/3 đến một nửa nhu cầu của người dân. Vì vậy tất cả các bể chứa đã được huy động và sử dụng hết. Từ ngày 6-10/6 cũng chỉ duy trì cấp được ở mức như trên nên vẫn bị thiếu hụt. Trong 3 ngày vừa qua cũng chỉ cố gắng cấp cho khu đô thị 70-80% nhu cầu.

    Tình trạng mất nước diễn ra ngày càng nhiều tại các khu đô thị, chung cư, kể cả các dự án nhà ở xã hội hay chung cư thương mại, nguyên nhân một phần cũng do mật độ cư dân tại các dự án ngày càng tăng mà năng lực của các đơn vị cung cấp nước cũng có hạn. Thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bức xúc.

    Việc người dân “chết khát” ngay giữa Thủ đô không còn là điều đáng xa lạ, chính vì thế cần sớm có những giải pháp phù hợp chấm dứt tình trạng này đảm bảo cuộc sống cho người dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-cu-thoi-hien-dai---bai-6-cu-dan-khat-nuoc-ngay-giua-thu-do-a197802.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan