+Aa-
    Zalo

    Chứng cứ ngoại tình, thu thập thế nào thì đúng luật?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây, số lượng các vụ án ly hôn gia tăng. Tham dự các phiên tòa, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ chuyện một bên có mối quan hệ thứ 3

    Gần đây, số lượng các vụ án ly hôn gia tăng. Tham dự các phiên tòa, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ chuyện một bên có mối quan hệ ngoài luồng, quan hệ với người thứ 3 hay còn nói là do ngoại tình.

    Về vấn đề này, chúng tôi đã có trao đổi với luật sư Lê Vinh - Văn phòng luật sư Chương Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề ngoại tình và những quy định pháp luật liên quan.

    Phóng viên: Việc nhớ nhung, yêu thương một người khác tuy không có việc gặp gỡ mà chỉ là trong tâm tưởng hay còn gọi là “ngoại tình trong tâm tưởng”làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, có bị coi là hành vi ngoại tình bị pháp luật điều chỉnh hay không thưa luật sư?

    Luật sư Lê Vinh: Việc ngoại tình tâm tưởng không thuộc sự điều chỉnh pháp luật. Pháp luật điều chỉnh hành vi, không phải ý nghĩ hay dự định.

    Luật sư Lê Vinh - Văn phòng luật sư Chương Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội 

    Thưa luật sư pháp luật điều chỉnh hành vi ngoại tình thế nào?

    - Việc ngoại tình được pháp luật điều chỉnh trong một số trường hợp như: Trong pháp luật hình sự, ngoại tình dẫn đến việc có con chung và chung sống như vợ chồng sẽ bị xử về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Theo đó, điều 147 BLHS 1999 quy định:  Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

    Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    Hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tội danh trên có ghi: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

    Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...  Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

    Trong pháp luật dân sự ngoại tình dẫn tới ly hôn thì người có hành vi ngoại tình có thể sẽ chịu bất lợi khi chia tài sản...

    Ngoại tình có được coi là căn cứ để xin ly hôn hay không?

    - Tòa tuyên ly hôn dựa trên đánh giá chung mâu thuẫn gia đình trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Việc ngoại tình mà dẫn đến tình trạng này hoàn toàn có thể là căn cứ để tòa tuyên ly hôn.

    Bằng kinh nghiệm tố tụng của mình trong các vụ án ly hôn, xin luật sư chia sẻ chứng cứ ngoại tình cần được thu thập thế nào thì được coi là hợp lệ?

    - Chứng cứ ngoại tình cần đáp ứng yêu cầu chung của chứng cứ, tức là phải khách quan, liên quan và hợp pháp.

    Như vậy, việc thu thập chứng cứ ngoại tình bất hợp pháp cũng không được tòa án công nhận.

    Ví dụ nghề thám tử chưa được công nhận tại Việt Nam, vì vậy việc thuê thám tử thu thập chứng cứ ngoại tình có thể sẽ bị tòa bác. Việc trình ra thư  từ gửi riêng cho một người và bị người kia bóc, tức là vi phạm bí mật thư tín, cũng có thể không được công nhận. Nhưng nếu là tin nhắn của người thứ ba trực tiếp vào điện thoại di động của mình chẳng hạn ví dụ một chị vợ nhận được tin nhắn của một cô gái lạ cho rằng mình là nhân tình chồng chị vợ, thì cũng có thể được xem là chứng cứ ngoại tình phù hợp.

    Với trường hợp tin nhắn, người cho rằng mình bị phản bội cần giải thích bằng văn bản: Số máy mình, nhận tin nhắn vào lúc nào, quá trình tìm hiểu sự việc để xác định ra sao...

    Ngay cả khi một người tự chụp hình cảnh vợ hay chồng mình bên nhân tình sau khi đi theo dõi vẫn có thể coi là chứng cứ hợp pháp trừ những trường hợp có ảnh do xâm phạm gia cư, ép buộc người khác...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chung-cu-ngoai-tinh-thu-thap-the-nao-thi-dung-luat-a182536.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan