Khi triển khai hải quan tự động sẽ loại bỏ hoàn toàn các tác nghiệp thủ công, văn bản giấy trong một số công đoạn, giúp tinh giản biên chế, tổ chức công việc hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch thí điểm, đối với cảng biển, hiện chỉ còn cảng Tân cảng Cát Lái (TP.HCM) là cảng biển cuối cùng thực hiện thí điểm Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa XNK, quá cảnh tại cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế. Và hiện nay, Cục Hải quan TP.HCM đã sẵn sàng triển khai tại cảng biển lớn nhất cả nước này.
Theo báo Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho hay, để tổ chức triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng Cát Lái, mới đây Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động làm việc, trao đối với với 10 đơn vị hải quan địa phương - nơi tiếp nhận hàng hóa chuyển cửa khẩu để xử lý dứt điểm lượng tờ khai còn tồn trên hệ thống, đồng thời bàn giải pháp để triển khai hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động.
Cảng Cát Lái sắp được áp dụng hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động. Ảnh: CafeF |
“Hiện nay, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp đang triển khai thực hiện nhiều quy định mới tại Nghị định 59 và Thông tư 39 liên quan đến hoạt động XNK vừa có hiệu lực thi hành. Chính vì thế việc triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng Cát Lái cũng phải được thực hiện thống nhất, phù hợp với các quy định mới”- lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM chia sẻ.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay, công tác chuẩn bị về kỹ thuật, nhân sự đã tương đối ổn, đơn vị đang hoàn tất các bước, xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Hải quan để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Được biết, khi triển khai hải quan tự động, cảng Cát Lái sẽ được kết nối tự động với cơ chế một cửa quốc gia để khai thác hiệu quả nguồn e-Manifest (hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa, chứng từ, thông quan liên quan đối với tàu xuất nhập cảnh), quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hóa xuất nhập khẩu toàn khu vực cảng, kho, bãi và lịch sử lô hàng từ khi vào Việt Nam. Loại bỏ hoàn toàn các tác nghiệp thủ công, văn bản giấy trong một số công đoạn, giúp tinh giản biên chế…
Đặc biệt, khi được tự động hóa, cơ quan hải quan chỉ tập trung lực lượng cho việc giám sát, kiểm soát với những lô hàng, doanh nghiệp được đánh giá rủi ro cao, tránh tối đa việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan. Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có thể chủ động xử lý thông tin dữ liệu bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào thời gian làm việc của cơ quan hải quan, cắt giảm hoàn toàn các thủ tục xuất trình giấy tờ, vào ra cảng như trước đây.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng sẽ qua hệ thống hải quan tự động, hoàn toàn nắm được các thông tin về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan hải quan với từng lô hàng, container…
Theo một khảo sát kết quả hoạt động của hệ thống quản lý hải quan tự động mới công bố đầu tháng 7 cho thấy, trung bình mỗi lô hàng, doanh nghiệp tiết kiệm được từ 1-2 giờ lấy hàng ra.
Vũ Đậu (T/h)