Mới đây, giữa chính phủ các nước và những người trong ngành du lịch , xuất hiện thêm một thuật ngữ mới: hộ chiếu vaccine.
Hộ chiếu vaccine là chứng chỉ kỹ thuật số có thể cài trên điện thoại thông minh, gồm thông tin về việc tiêm chủng và cá nhân người được tiêm.
Trước đó, phát minh này từng được đề cập vào thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới đã yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh sốt vàng. Gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, kéo dài thì các quốc gia lại bắt đầu xem xét tới ý tưởng này.
Điều làm cho hộ chiếu vaccine COVID-19 khác với các phiên bản trước là nó có thể được áp dụng dưới dạng kỹ thuật số - tiện lợi và khó làm giả hơn.
Một số quốc gia đang thúc đẩy và kỳ vọng việc áp dụng hệ thống hộ chiếu vaccine để khôi phục tự do đi lại theo cách an toàn, mở cửa trở lại ngành du lịch đang bị “đóng băng” và cứu lấy các nền kinh tế đứng bên bờ vực sụp đổ.
Hiện nay, điều kiện tiên quyết để cuộc sống của người dân trên khắp thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường, đó chính là việc dỡ bỏ các rào cản phong tỏa đi lại.
Hộ chiếu vaccine được đánh giá là một con đường nghiêm túc để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế.
Hộ chiếu vaccine có thể giúp xã hội trở lại trạng thái bình thường khi được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng.
Hộ chiếu vaccine đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là thế giới chưa có sự đồng thuận về loại "giấy thông hành" này.
Nhiều quốc gia ủng hộ hộ chiếu vaccine
Ngày 19/5, đại diện 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc nới lỏng hơn các tiêu chí xác định “quốc gia an toàn” và cho phép đón khách du lịch đã có hộ chiếu vaccine từ các nước ngoài EU. Hy Lạp là quốc gia đầu tiên đề xuất hộ chiếu vaccine với Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1/2021.
Kế hoạch này cũng áp dụng cả cho các quốc gia không phải thành viên EU, như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine COVID-19 từ mùa hè này để tạo thuận lợi cho họ khi đi ra nước ngoài, Japan Times dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết.
Hộ chiếu dự kiến sẽ ở dạng ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, cho phép du khách quét mã QR tại sân bay trước khi lên máy bay hoặc khi nhập cảnh.
Ứng dụng sẽ liên kết với Hệ thống Hồ sơ Tiêm chủng, một cơ sở dữ liệu của chính phủ về những người đã được tiêm. Ứng dụng có thể sẽ dựa trên CommonPass, một ứng dụng được phát triển với sự tham gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo South China Morning Post (SCMP) rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các thỏa thuận đi lại trên cơ sở "đáp ứng nhu cầu của đôi bên", nhưng về việc giảm thời gian cách ly hoặc miễn cách ly thì cần phải xem xét thêm.
Ở Israel – quốc gia với hơn 50% dân số đã tiêm chủng, người dân có thể xuất trình thẻ xanh chứng minh đã tiêm chủng để vào những địa điểm tập trung người như nhà hàng, rạp hát và phòng tập thể dục.
Israel đã thống nhất với Hi Lạp, Cyprus và Seychelles để công nhận "hộ chiếu vắc xin" vì cả ba nước đều cùng dùng một loại vắc xin do Pfizer-BioNTech phát triển.
Đan Mạch đã có đề xuất tương tự khi các quan chức du lịch gần đây nói rằng, điều đó cần thiết để đảm bảo một "mùa hè vui vẻ".
Một số hãng hàng không cũng đang áp dụng chứng nhận này để đảm bảo hành khách không bị mắc COVID-19. Ví dụ, Hãng hàng không Qantas (Australia) đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống CommonPass cho các chuyến du lịch nước ngoài khi biên giới của nước này mở cửa trở lại.
Các hãng hàng không khác đang đăng ký thẻ kỹ thuật số do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tạo ra, để vận chuyển hành khách có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 âm tính và cho phép họ di chuyển qua các sân bay suôn sẻ hơn.
Những trở ngại
Mặc dù những lợi ích khi triển khai hộ chiếu vaccine sẽ mang lại là khá rõ nhưng cho tới nay sáng kiến này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris khẳng định, ở thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đảm chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa lây truyền COVID-19 của vaccine hiện hành.
Ngoài ra, với thực tế là có nhiều người không thể tiêm chủng vaccine COVID-19 vì những lý do khác nhau nên việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử.
"Thêm vào đó, WHO vẫn chưa chắc chắn được liệu những người đã tiêm vaccine có còn bị nhiễm COVID-19 nữa hay không và vì thế vẫn có thể gây rủi ro cho những người khác", ông Tarik Jasarevic - một phát ngôn viên khác của WHO nhấn mạnh.
Thay vào đó, WHO khuyến nghị các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm dịch đối với du khách quốc tế và đưa ra “các phương pháp tiếp cận phối hợp, giới hạn thời gian, dựa trên rủi ro và dựa trên bằng chứng cho các biện pháp y tế”.
Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại và phản đối việc thông qua hộ chiếu vaccin tại cuộc họp của các bộ trưởng y tế G7 vào ngày 4/6, tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ mang tính phân biệt đối xử nghiêm trọng trong bối cảnh mức độ tiêm chủng ở các nước đang phát triển thấp hơn so với các nước phát triển.
Nhóm G7 là một tổ chức liên chính phủ bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ.
"Ở giai đoạn này của đại dịch, cũng cần thảo luận về mối quan tâm của Ấn Độ đối với ý tưởng về hộ chiếu vaccine. Trên thực tế, mức độ bao phủ tiêm chủng vaccine tại các nước đang phát triển thấp hơn so với các nước phát triển", ông Vardhan nói tại phiên họp.
"Đối với các vấn đề vẫn chưa được giải quyết liên quan việc tiếp cận, cung cấp và phân phối vaccine an toàn và hiệu quả một cách công bằng với giá cả phải chăng, Ấn Độ cho rằng việc thực hiện hộ chiếu vaccine sẽ cực kỳ ‘phân biệt đối xử’ và ‘bất lợi’ đối với các nước đang phát triển", bộ trưởng y tế Ấn Độ nói.
Tại Anh, vào tháng 2, gần 130.000 người đã tham gia thỉnh nguyện đơn kêu gọi chính phủ không áp dụng hộ chiếu vaccine để kiểm soát đi lại trong và ngoài nước.
Thỉnh nguyện đơn, đăng trên trang của Quốc hội Anh từ 20/1, kêu gọi chính phủ "cam kết không phát hành bất kỳ hộ chiếu miễn dịch/tình trạng tiêm chủng điện tử nào cho công chúng Anh. Những hộ chiếu như vậy có thể được sử dụng để hạn chế quyền của những người đã từ chối vaccine ngừa COVID-19, một điều không thể chấp nhận được", trích dẫn kiến nghị.
Nội các Anh đã nhiều lần mâu thuẫn với nhau về việc liệu có triển khai loại hộ chiếu này hay không và liệu nó sẽ chỉ được áp dụng cho việc du lịch quốc tế hay cho cả các hoạt động trong xã hội.
Sự thiếu thống nhất về hộ chiếu vaccine còn đến từ quan điểm chống dịch. Một số quốc gia theo đuổi mô hình ngăn chặn triệt để các ca lây nhiễm, trong khi nhiều quốc gia phương Tây muốn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm để đổi lấy việc hạn chế các tác động tiêu cực lên kinh tế, xã hội.
Việc triển khai đồng bộ hộ chiếu vaccine" cũng vướng phải nhiều phản đối dựa trên lo ngại gây ra sự chia rẽ xã hội giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine, nhất là khi việc tiêm vaccine không phải là bắt buộc. Ngoài ra, còn có vấn đề về thời gian hiệu lực của vaccine và hiệu quả của chúng trước các biến thể của virus corona.
Mộc Miên (Theo CNBC, Japantimes)