Tập đoàn Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp quỹ đất khoảng 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của thành phố nếu làm “siêu dự án” Đại lộ ven sông Sài Gòn, trị giá 3 tỷ USD.
Theo tin tức trên báo Vietnamnet, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu lạc Quảng Ninh vừa đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD) bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) theo loại hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Dự án dự kiến sử dụng khoảng gần 12.400 ha đất, bao gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư.
Tại hồ sơ đề xuất dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp, tư vấn, dự phòng với tổng giá trị lên đến 57.568 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư.
Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn còn nhiều băn khoăn do nguồn vốn quá lớn. Ảnh: Vietnamnet |
Liên quan đến đề xuất này, báo Tri thức trực tuyến thông tin thêm, trong văn bản cho ý kiến về dự án "đổi đất lấy hạ tầng" (BT) dự án đại lộ ven sông Sài Gòn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, TP.HCM cần yêu cầu Tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu, như chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cho phù hợp quy định.
Bên cạnh đó, một trọng những vấn đề đáng chú ý là Bộ KH-ĐT bày tỏ quan ngại về tính khả thi của dự án này. Theo Bộ KH-ĐT, dự án BT đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp (DN) quỹ đất khoảng 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của thành phố.
Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi. Do vậy, cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.
Tạp chí Nhà đầu tư cho hay, về vốn đầu tư dự án, nhà đầu tư đề xuất phân bổ 57.568 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn và dự phòng. Theo Bộ, đề xuất này là không phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, dự án dự kiến sử dụng vốn từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên phải trình ý kiến Quốc Hội.
Ngoài ra, dự án có quy mô lớn và phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường của dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng và TP.HCM nói chung. Vì thế, Bộ này đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề nêu trên của dự án.
Trường hợp cần thiết, để tránh ý kiến trái chiều, việc thực hiện dự án cần được lấy ý kiến rộng rãi cư dân thuộc khu vực dự án và hội đồng nhân dân để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay đối với dự án nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, nhà đầu tư đề xuất được chỉ định thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Cho nên, cần tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Nhân Văn(T/h)