+Aa-
    Zalo

    Chưa có vắc xin nên chưa thể "thanh toán" bệnh sốt xuất huyết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS.Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, chưa thể đặt mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh SXH.

    (ĐSPL) - Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới, chưa thể đặt mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh SXH. Lý do, vì chưa có vắc-xin phòng bệnh...

    Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

    Thưa ông, tình hình dịch SXH hiện nay đang diễn biến như thế nào?

    Dịch SXH là bệnh dịch lưu hành tại, Việt Nam. Bệnh có ở nước ta từ năm 1959, từ đó đến nay liên tục xảy ra qua các năm và đã trở thành bệnh dịch lưu hành địa phương.

    Tuy vậy, dịch xảy ra ở miền Bắc thường từ tháng 4 - tháng 10 và ở miền Nam là tất cả các tháng trong năm. Song số mắc nhiều là từ tháng 4 - tháng 11, đó là những tháng có nhiệt độ phù hợp (25-350C) và là mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, phát triển để truyền bệnh.

    Hiện nay, bệnh vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh duyên hải miền Trung chiếm khoảng 80-90\% số trường hợp mắc trong năm.

    Dường như công tác phòng chống dịch bệnh còn quá nhiều bất cập, nhất là việc cấp kinh phí cho các địa phương, thưa ông?

    Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc đầu tư cho công tác phòng bệnh. Nhưng rõ ràng rằng, việc đầu tư cho phòng bệnh đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, trong khi đó, điều kiện kinh tế nước ta còn hạn chế nên việc phòng chống dịch bệnh SXH còn gặp phải những khó khăn.

    Việc đầu tư của các địa phương cũng không đồng đều, trong thời gian qua còn một số địa phương chưa tập trung đầu tư cho công tác phòng chống dịch; hoặc khi dịch xảy ra thì mới bố trí kinh phí.

    Do đó, đầu tư cũng chưa kịp thời. Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SXH trong năm 2014 và 2015 đã bị cắt giảm 40\% tổng kinh phí, nên kinh phí cấp cho phòng chống SXH phải kết cấu vào các hoạt động ưu tiên như việc phun hóa chất để dập dịch, tổ chức các hoạt động truyền thông.

    Các hoạt động hỗ trợ cho cộng tác viên cũng bị cắt giảm. Thực tế, SXH là một bệnh truyền nhiễm hàng năm có số ca mắc cao, nếu không tập trung tốt đầu tư nguồn lực thì sẽ ảnh hưởng tới việc khống chế tỉ lệ mắc cũng như tử vong do dịch bệnh gây ra.

    Vì sao, chúng ta đã triển khai các biện pháp cần thiết nhưng từ đầu năm đến nay vẫn có tới 25 ca tử vong do dịch bệnh SXH?

    Như các bạn biết, SXH là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta chưa thể thanh toán được căn bệnh này. Đồng thời, các triệu chứng của SXH có thể từ nhẹ như là chỉ có sốt, đau đầu, đau cơ nhưng nặng là gây ra sốc, rồi các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết phủ tạng, thậm chí có cả xuất huyết não và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

    Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc điều trị SXH nên số tử vong trong 5 năm gần đây đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước kia. Và, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có kinh nghiệm, thành công cao trong điều trị SXH. Số ca tử vong năm 2015 thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

    Ví dụ như năm 2013 tử vong 42 trường hợp, năm 2012 là 80 trường hợp, năm 2010 là 109 trường hợp. Đặc biệt năm 1987 có số tử vong cao nhất là 1.566 trường hợp.

    Ngành y tế thường tổ chức các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh sởi, bạch hầu... nhưng không thấy có chiến dịch phòng bệnh SXH?

    Vì sao vậy, thưa ông? Như tôi đã nói, hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu SXH. Do đó, chúng ta không tổ chức chiến dịch tiêm phòng bệnh SXH được.

    Tuy nhiên, hàng năm, bộ Y tế đã tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động cộng đồng tham gia phòng chống dịch SXH, đặc biệt là chiến dịch diệt bọ gậy (loăng quăng).

     Trong 5 năm trở lại đây, cứ vào dịp 15/6 hàng năm, bộ Y tế đều tổ chức phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH. Các hoạt động còn được phát động tại các tỉnh, thành do UBND tổ chức.

    Tháng 6/2015 vừa qua, bộ Y tế đã tổ chức phát động ở TP.HCM với khoảng trên 3.000 người tham gia dưới sự chủ trì của lãnh đạo bộ Y tế và lãnh đạo UBND TP.HCM.

    Chính các cuộc phát động này đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân hiểu và tham gia phòng chống SXH.

    Vậy, Việt Nam có đặt ra mục tiêu thanh toán bệnh SXH không, thưa ông?

    Hiện nay, SXH đang lưu hành tại hàng trăm quốc gia trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á là khu vực có số ca mắc SXH nhiều. SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

    Do vậy, việc xử lý bọ gậy và muỗi truyền bệnh vẫn là biện pháp chính trong công tác phòng, chống bệnh SXH. Chính vì vậy, kể cả các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chưa thể đặt ra việc thanh toán hoàn toàn SXH mà mục tiêu đặt ra là cố gắng giảm số ca mắc và số ca tử vong.

     Trân trọng cảm ơn ông.

     ĐỨC KẾ - PVMN 

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] s7zKV36ikK[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-co-vac-xin-nen-chua-the-thanh-toan-benh-sot-xuat-huyet-a113647.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.