+Aa-
    Zalo

    Chùa Bồ Đề chưa được cấp phép tiếp nhận, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến nghi án mua bán trẻ em diễn ra tại chùa Bồ Đề phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức - Phó Cục trưởng cục bảo trợ xã hội.

    Chùa Bồ Đề chưa được cấp phép tiếp nhận, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi

    Khu vực nuôi dạy trẻ em trong chùa Bồ Đề.

    Liên quan đến nghi án mua bán trẻ em diễn ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, TP.Hà Nội), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức - Phó Cục trưởng cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

    Thưa ông, với những trường hợp nhận nuôi trẻ như chùa Bồ Đề, thì ai là người kiểm tra, giám sát số lượng hay điều kiện sống của trẻ em ở đó?

    Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH: Theo quy định của Nghị định 68, thì UBND các cấp sẽ có trách nhiệm thực hiện việc quản lý Nhà nước về việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội và trong đó cơ quan trực tiếp tham mưu, hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ là Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố.

    Nếu một người dân đến đó mà thấy các trẻ em không có được điều kiện chăm sóc tốt hay thấy có dấu hiệu bất thường thì báo cho Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội. Và hiện nay Sở lao động đã thành lập trung tâm công tác xã hội là đơn vị trực tiếp tiếp nhận các thông tin có liên quan về những đối tượng mồ côi trên địa bàn và đặc biệt là những trẻ em bị bỏ rơi.

    Với những trường hợp như chùa Bồ Đề, liệu có được cho người khác đến nhận trẻ em là con nuôi hay không?

    - Nuôi con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đối với ngành lao động thương binh xã hội quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, thì chỉ những cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật thì mới được phép xem xét cho con nuôi. Còn như trường hợp chùa Bồ Đề là không được.

    Một số báo chí có phản ánh, đã từng gặp một số trẻ em tại chùa, nhưng thời gian sau đó thì không thấy các em đâu nữa. Nhà chùa giải thích là đã trả những em đó về cho gia đình. Vậy trong trường hợp nhà chùa nhận nuôi một em bé bị bỏ rơi, khi trao trả cho gia đình thì có cần ai làm chứng không hay nhà chùa cứ nhận rồi trả?

    - Thực ra khi một cơ sở tôn giáo chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật thì việc tiếp nhận rồi trả lại con là quan hệ giữa nhà chùa và các cá nhân. Quan hệ này chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật nên việc này là trách nhiệm của nhà chùa.

    Vấn đề cốt lõi là nhà chùa muốn có các hoạt động nhận con nuôi thì phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

    Chùa Bồ Đề chưa được cấp phép tiếp nhận, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi
    Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

    Việc giám sát, kiểm tra tại chùa Bồ Đề được các cơ quan thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

    - Theo kết quả kiểm tra của Sở LĐTBXH và UBND phường Long Biên thì các việc tiếp nhận và chăm sóc và nuôi dưỡng của chùa Bồ Đề là chưa đúng theo quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ về điều kiện thành lập và giải thể các cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt là cơ sở vật chất, điều kiện và phương pháp, chất lượng chăm sóc các cháu là có vấn đề.

    Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Hà Nội, từ năm 2013, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp với UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề làm việc với chùa Bồ Đề và đã có những kết luận ban đầu, đã yêu cầu chùa Bồ Đề tạm dừng tiếp nhận những trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi. Đồng thời, chỉ đạo cho UBND quận Long Biên rà soát lập danh sách và phối hợp với Sở LĐTBXH để lập kế hoạch đưa những trường hợp trẻ em tìm được người thân hoặc trẻ em mồ côi bị bỏ rơi về gia đình trong trường hợp tìm được người thân hoặc gửi tới các cơ sở xã hội thuộc thành phố Hà Nội để chăm sóc nuôi dưỡng lâu dài.

    Một trong những yêu cầu của cơ quan lao động xã hội địa phương và UBND quận Long Biên là đề nghị chùa Bồ Đề thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68 của Chính Phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, qua rất nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan lao động thương binh xã hội địa phương và các đoàn kiểm tra của UBND quận Long Biên, chùa Bồ Đề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

    - Theo quy định tại Nghị định số 68 của Chính phủ quy định về điều kiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì các tổ chức cá nhân được khuyến khích tham gia vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân này phải nuôi dưỡng những trường hợp này theo quy định của pháp luật. Tức là những trường hợp cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên thì phải lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-bo-de-chua-duoc-cap-phep-tiep-nhan-cham-soc-tre-bi-bo-roi-a44667.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    5 tổ công tác bắt đầu thanh tra chùa Bồ Đề

    5 tổ công tác bắt đầu thanh tra chùa Bồ Đề

    (ĐSPL) Ngày 5/8, đoàn thanh tra quận Long Biên gồm 5 tổ công tác đã bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện chùa Bồ Đề, sau vụ bảo mẫu bị bắt giữ để điều tra về hành vi mua bán trẻ em.