Theo thông báo kết luận mới đây của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, trong đó có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) sẽ chưa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong thời gian chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, Thường trực Chính phủ giao các bộ, cơ quan quản lý sử dụng các công cụ pháp lý, như cấp phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng để kiểm soát hạn chế loại hình này, theo báo Lao động.
Trước đó, hồi tháng 4, tạp chí Đầu tư tài chính đưa tin, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề xuất bổ sung game online vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Một trong những nguyên nhân là game online có doanh thu lớn, lợi nhuận cao, thu hút dân cư mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ.
Do vậy, việc đánh thuế nhằm hạn chế tiêu dùng đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe con người (trong đó có giới trẻ); góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước. Dù vậy, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh game online.
Tuy nhiên, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sau đó đã phản đối và cho rằng game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển tại chương trình chuyển đổi số quốc gia, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Theo đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá, trong xã hội có nhiều quan điểm khác nhau về game online, bao gồm những định kiến như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động. Tuy nhiên, nhiều trò chơi hiện được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng, kích thích tư duy, khả năng phản xạ. Do vậy, ông Tuấn cho rằng cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
Trong khi đó, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc thu được thuế đối với hoạt động này là không dễ, khi nhà cung cấp dịch vụ nằm ngoài biên giới. Như vậy, đối tượng chịu tác động chủ yếu là doanh nghiệp và người chơi ở trong nước. Đối với doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng lợi ích mang lại từ việc thu thuế là quá nhỏ so với tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có thể được triển khai đối với các trò chơi có phép thông qua doanh nghiệp trong nước, làm tăng chi phí sử dụng dịch vụ do người dùng chi trả, triệt tiêu sức cạnh tranh của các trò chơi có phép. Nhu cầu giải trí của con người không bao giờ mất đi, mà sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác có chi phí sử dụng thấp hơn.
Bà Dung cho rằng nếu như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng dịch chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản. Như vậy, chính sách này đang gián tiếp khuyến khích người dùng sử dụng trò chơi không phép.
Được biết, năm 2014, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online cũng từng được đưa ra thảo luận nhưng sau đó không nhận được sự đồng thuận từ cấp có thẩm quyền.
Vân Anh(T/h)