“Huyết chiến” trong bệnh viện
Với nhiều năm kinh nghiệm hành nghề và tham gia nhiều vụ án hình sự từ đơn giản đến phức tạp, mỗi vụ án đều để lại trong Luật sư Nguyễn Trung Tiệp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội những ấn tượng khó quên. Trong đó phải kể đến vụ bị cáo Nguyễn Văn Liên (tức Nam, SN 1982, trú ở xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) bị đưa ra xét xử cùng lúc về 2 tội Giết người và Cố ý gây thương tích.
Nhớ lại vụ án, luật sư Tiệp cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ án này một phần cũng xuất phát từ việc bị hại có hành vi xúc phạm và xô đẩy mẹ của Liên, khiến bị cáo không kiềm chế được nên mới phạm tội.
Theo lời kể của luật sư, trước đó vào tối 3/10/2015, Liên nhận được điện thoại của cháu ruột kêu cứu do bị một nhóm thanh niên làng cùng đi ăn cưới đánh phải nhập viện nên Liên đã chạy về lấy “đồ” và rủ 4 người khác cùng đi giải quyết sự việc.
Chưa tới bệnh viện thăm cháu ngay, Liên cùng anh em xông thẳng vào đám cưới để truy xét xem kẻ xấc xược nào dám đánh cháu mình. Đang lúc tức tối thì nhóm Liên xảy ra cãi chửi nhau với Nguyễn Văn T. (SN 1992, cũng xã với Liên). Bị anh T. cầm gach ném nhưng không trúng, Liên nhanh chóng chạy ra xe lấy đao và dùng sống đao chém nhiều nhát vào lưng anh T. Hậu quả, anh Tính bị thương tích phải vào Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cấp cứu (sau này giám định bị tổn hại 7% sức khỏe).
Đánh anh T. xong, nhóm của Liên lúc này mới quay vào Bệnh viện Đa khoa Mê Linh để xem tình trạng của đứa cháu ra sao thì đúng lúc gặp một nhóm thanh niên khác cũng vào Bệnh viện thăm anh T., trong đó có người cùng xã là anh Nguyễn Văn K. (SN 1988). Chạm mặt nhau tại bệnh viện, Liên và anh K. liền xảy xô xát. Có mặt tại đây, mẹ Liên lật đật chạy đến can ngăn thì bị anh K. dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm người lớn tuổi, thậm chí còn xô đẩy người đáng tuổi mẹ mình khiến Liên như một con thú điên lên, sẵn con dao bấm trong túi quần, Liên rút ra đâm 1 nhát thấu ngực đối phương. Hậu quả anh K. tử vong ngay sau đó. Cả bệnh viện nháo nhào, hoảng loạn. Để thoát khỏi sự phản ứng, vây hãm của nhóm đối phương, Liên đã dùng đao khua khoắng hòng thoát thân.
Nỗi đau người ở lại
“Đối với những án này, mọi người, đặc biệt là gia đình bị hại vô cùng bức xúc và căm phẫn trước kẻ đang tâm tước đoạt mạng sống người khác, thậm chí họ còn đòi “nợ máu phải trả bằng máu”. Vậy nhưng khi nhận bào chữa cho bị cáo và quá trình tiếp xúc, nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi cũng rất trăn trở khi mà nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Liên là hành vi bộc phát nhất thời, phía bị hại cũng có một phần lỗi. Lại biết hoàn cảnh éo le của Liên, bằng lương tâm nghề nghiệp và kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã quyết tâm tìm ra các căn cứ pháp lý xác đáng để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình một cách tốt nhất”, luật sư Tiệp chia sẻ.
Xét về nguyên nhân dẫn đến vụ án, luật sư Tiệp cho rằng do thấy anh K. có lời lẽ thiếu văn hóa và không tôn trọng đối với mẹ của mình nên Liên đã có lời qua tiếng lại với người bị hại. Chỉ đến khi đối phương có hành vi xô ngã mẹ mình, Liên mới càng bị kích động về tình cảm và tinh thần. Dù được mọi người can ngăn nhưng anh K. vẫn lao vào đánh, lúc này Liên mới rút dao đâm lại để phòng vệ.
“Ngay từ giai đoạn điều tra cho đến ngày mở tòa, Liên đều khai báo trung thực, chính xác, thể hiện sự thành khẩn, ăn năn, hối cải. Gia đình bị cáo Liên đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại để khắc phục một phần hậu quả mà mình đã gây ra. Bố đẻ và bác bị cáo lại là người có công với các mạng, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”, luật sư Tiệp nói.
Liên cùng lúc phải đối mặt với hai tội danh, trong đó mức án cao nhất của tội Giết người là tử hình. Nhưng bằng sự phân tích thấu tình đạt lý, cùng những lập luận sắc bén khi đưa ra được các căn cứ pháp lý xác đáng. Chấp nhận bản luận cứ bào chữa của luật sư, cũng như xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, cuối phiên xét xử hôm đó, HĐXX của TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Văn Liên tù chung thân về tội Giết người; 9 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh mà Liên phải chấp hành là tù chung thân. Vụ án khép lại, nhưng trong lòng luật sư Tiệp vẫn dáy lên một nỗi buồn man mác và tiếc nuối cho cả đôi bên. Họ đều là những thanh niên độ tuổi 8X, 9X, tương lai còn rộng mở phía trước. Thế nhưng, chỉ vì hành vi hống hách, nông nổi nhất thời mà người thì vĩnh viễn ra đi, người thì khép lại tương lai sau bốn song sắt trại giam lạnh lẽo.
Gia cảnh bị cáo Liên cũng vô cùng éo le khi mà bản thân bị cáo không hề có công việc ổn định. Ba con nhỏ nheo nhóc, bố mẹ già yếu. Nay Liên lại vướng vòng tù tội để lại gánh nặng cơm áo lên vai người vợ. Với đồng lương công nhân ba cọc, ba đồng khiến người vợ nhiều lúc cảm thấy quay quắt và bất lực trước cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt.
“Trăn trở nhất trong tôi khi tham giao bảo vệ vụ án này là lần nào cũng vậy, cứ nhắc đến gia đình, Liên lại bật khóc rưng rức. Bị cáo trước giờ là một người hiền lành, nặng về tình cảm và rất thương mẹ. Những ngày tháng bị giam giữ, nhớ mẹ, nhớ vợ con khiến Liên càng không thôi trách giận bản thân. Ngày ra tòa, nhìn vào hai thứ tóc nham nhở trên đầu thanh niên 8X, trông Liên suy sụp và già hơn nhiều so với tuổi. Giá như lúc đó các bị cáo đều biết kiềm chế bản thân hơn đôi chút và có cách hành xử chín chắn hơn thì có lẽ đã không để xảy ra vụ án đau lòng như ngày hôm nay”, luật sư Tiệp nói.