+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về việc phát triển không gian sông Sài Gòn

    (ĐS&PL) - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố không đặt nặng hoạt động kinh tế lên không gian sông Sài Gòn.

    Theo báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại kỳ họp lần thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa X diễn ra sáng 19/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến được phê duyệt chậm nhất vào cuối tháng 9/2024.

    Tại kỳ họp này, ông Phan Văn Mãi cũng phản hồi ý kiến của các đại biểu về sự phù hợp trong cách tính toán dân số giữa quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa ra những lý giải cụ thể.

    Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích, dân số của thành phố đang là 12 - 13 triệu người nhưng số liệu chính thức chỉ gần 10 triệu người do có sự chênh lệch là số dân vãng lai. Trong 10 năm qua, tỷ lệ chênh lệch dân số vãng lai khoảng 25-30%.

    Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Theo dự báo, quy mô dân số toàn thành phố đến năm 2030 là 11 triệu người, tới năm 2040 là 13 triệu người, đến năm 2050 là 14,5 triệu người và đến năm 2060 là 16 triệu người. Ông Phan Văn Mãi cho biết, các số liệu này phải cộng thêm 25-30% dân số vãng lai đã nêu.

    Việc tính toán vấn đề tăng dân số phải được đặt trong tương quan phát triển của thành phố. Theo ông Phan Văn Mãi, tỷ lệ 25-30% dân vãng lai sắp tới sẽ có sự thay đổi khi các địa phương trong vùng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với thành phố tốt hơn.

    Vì vậy, cần tính toán có chừng mực để tránh đầu tư hạ tầng lớn nhưng hiệu quả phục vụ không cao, trong bối cảnh thành phố sẽ không tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, đất đai mà tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao.

    Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, 5 phân vùng đô thị trong đồ án điều chỉnh (trung tâm, phía Đông, phía Bắc - Tây Bắc, phía Tây, phía Nam) đều phải hình thành khu đô thị gần như hoàn chỉnh, đặt mục tiêu 60% chức năng đô thị phải được thực hiện tại chỗ.

    "Đây là điểm mới đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, dành nguồn lực để phát triển các vùng đô thị này song song với việc kết nối giữa 5 phân vùng đô thị", ông Phan Văn Mãi nói, đồng thời nhấn mạnh cần lưu ý giải quyết cả các điểm nghẽn thời gian qua, chủ yếu là về giao thông.

    Liên quan đến giải quyết các điểm nghẽn của thành phố, VietNamNet dẫn lời ông Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, việc phân bổ vùng đô thị và chức năng vùng đô thị chưa thực hiện được như quy hoạch. Điều đó làm cho dân cư đổ về khu vực trung tâm nhiều hơn, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập nhiều hơn…

    Theo ông Phan Văn Mãi, việc quy hoạch 5 phân khu nói trên nhằm chuyển hướng phát triển ra các khu vực khác, tránh quá tải cho khu vực trung tâm hiện hữu.

    Hình ảnh sông Sài Gòn nhìn từ trên cao. Ảnh: VietNamNet

    Hình ảnh sông Sài Gòn nhìn từ trên cao. Ảnh: VietNamNet

    Về phát triển không gian sông Sài Gòn, ông Phan Văn Mãi chia sẻ trong quy hoạch, sông Sài Gòn được xem như điểm nhấn cho khu vực. “Sông Sài Gòn sẽ trở thành động lực mới cho phát triển, thành phố không đặt nặng hoạt động kinh tế lên không gian sông Sài Gòn”, ông khẳng định.

    Cũng theo ông Phan Văn Mãi, quy hoạch lần này cũng lưu ý các quận, huyện phải xem xét, vùng nào không ưu tiên phát triển dân cư thì kiên quyết không đầu tư hạ tầng nhiều. Nơi nào là đô thị thì tập trung làm hạ tầng cho tốt, phần còn lại là không gian dành cho nông nghiệp, sinh thái, tự nhiên để dự trữ cho tương lai.

    Chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm, trong quy hoạch, thành phố đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính mang tầm khu vực và cũng là động lực mới cho sự phát triển. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc này là rất khó. Đến nay, đề án chưa thông qua và cũng chưa có khuôn khổ pháp lý cho đề án này.

    Trong quy hoạch xây dựng, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Trung tâm tài chính sẽ không xây dựng rộng lớn, trước mắt sẽ lấy một phần trung tâm quận 1 và mở rộng sang khu vực Thủ Thiêm của TP.Thủ Đức.

    “Thời gian sau này, khi những điều kiện về pháp lý, kinh tế cho phép thì điều chỉnh thêm. Bây giờ đưa ra quy hoạch rộng quá thì khó khả thi, mà có thể trở thành quy hoạch treo”, ông Phan Văn Mãi nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chu-tich-ubnd-tp-hcm-chia-se-ve-viec-phat-trien-khong-gian-song-sai-gon-a424865.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan