Ông Chính cho hay trước con ông làm ngoài, thu nhập rất cao, ông phải động viên nhiều để con về làm việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trước làn sóng dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Đức Thiện, con trai Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, được tuyển vào Sở Ngoại vụ tỉnh này và được bổ nhiệm “thần tốc”, là do được bố "lót đường" và đó là sai quy định.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị: Ông Thiện "có quá trình học tập và công tác rất tốt"
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Nam, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, cho biết Sở Ngoại vụ đã báo cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, khẳng định không có “cái gọi là quan lộ thần tốc” trong việc bổ nhiệm ông Thiện.
Theo ông Nam cho biết căn cứ vào hồ sơ, ông Thiện có một quá trình học tập và công tác rất tốt. Cụ thể, ông Thiện học Trường chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh, từng đạt giải 3 môn Hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, được tuyển thẳng đại học.
Sau thời gian làm việc tại Học viện Mê Kông (Thái Lan), ông Thiện tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Úc và năm 2013 - 2014 làm điều phối viên dự án Phát triển kinh tế vùng và địa phương các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông Tây, Học viện Mê Kông (Thái Lan) khu vực Quảng Trị.
Ông Nguyễn Đức Thiện (áo màu tối, đeo mắt kính) trong thời gian làm quản lý vùng chương trình Phát triển kinh tế vùng và địa phương các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông Tây, Học viện Mê Kông - Ảnh: Thanh Lộc. |
Ông Hoàng Nam cũng cho rằng dư luận về việc "ông Thiện đang trong thời gian tập sự mà được bổ nhiệm" là chưa đúng vì ông Thiện không thuộc diện được tuyển dụng thông thường, mà được tiếp nhận vào Sở Ngoại vụ theo chính sách đãi ngộ của tỉnh và T.Ư và hoàn toàn đúng quy định.
Cũng theo ông Nam, thu nhập của ông Thiện cũng bị... tụt lùi từ khi rẽ ngang về làm công chức Nhà nước.
Ngày 10/3, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Nam cho biết ông Thiện được tuyển vào làm việc tại Sở Ngoại vụ khi đã tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi tại Trường đại học New South Wales (Úc), vì thế theo quy định, ông Thiện mặc nhiên đã đạt chuẩn chuyên viên bậc 2 khi vào sở.
Về quy định có từ ba năm công tác tại đơn vị hành chính trở lên mới đủ điều kiện bổ nhiệm phó phòng, ông Nam giải thích quy định này của tỉnh Quảng Trị ban hành nhưng chỉ áp dụng với trường hợp đối tượng bổ nhiệm từ nguồn tại chỗ.
Còn trường hợp ông Thiện được chuyển từ một đơn vị không thuộc khối hành chính vào nên mặc nhiên không áp dụng quy định này.
Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị. |
Thông tin từ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cũng cho hay, ông Thiện được tuyển dụng làm chuyên viên của sở này từ tháng 1.2015, sau khi vượt qua nhiều ứng viên khác. Ông Thiện được bổ nhiệm làm Phó phòng Lãnh sự và người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Sở Ngoại vụ Quảng Trị vào tháng 6.2016, được biệt phái giữ chức Phó giám đốc Trung tâm phụ trách phục vụ đối ngoại Quảng Trị vào tháng 10.2017.
Ký văn bản chưa bổ nhiệm con trai
Trước đó, chiều 9/3, khi trao đổi với PV của Vietnamnet, ông Nam đã cho biết, trên thực tế, ông Thiện quyết định ứng tuyển và về làm việc tại Sở Ngoại vụ là “thiệt thòi” chứ không phải được ưu ái như dư luận nghĩ.
“Khi làm điều phối viên của Học viện Mê Kông, thu nhập hàng tháng của ông Thiện gần 40 triệu nhưng ông ấy vẫn chấp nhận nghỉ việc để về làm việc ở Sở, hưởng lương bậc 2 với gần 3 triệu đồng/tháng”, ông Nam cho biết.
Ông Nam cho biết ngay trong quá trình Sở Ngoại vụ làm quy trình bổ nhiệm cho ông Thiện, với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Chính từng có văn bản “tuýt còi” vào ngày 6/7/2017 gửi Sở Ngoại vụ và Sở Nội vụ, nêu ý kiến “Chưa thực hiện việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Thiện, Phó trưởng phòng lãnh sự và Người Việt Nam ở nước ngoài làm Giám đốc trung tâm phục vụ đối ngoại của tỉnh để tiếp tục thử thách”.
Văn bản do ông Nguyễn Đức Chính ký yêu cầu "chưa thực hiện việc bổ nhiệm" đối với ông Nguyễn Đức Thiện từ tháng 7/2017 - Ảnh: Thanh Lộc. |
Dư luận đang không công bằng
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính chia sẻ, ông rất buồn khi có dư luận không tốt về quá trình công tác của con trai tại Sở Ngoại vụ: “Việc tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ là việc của tổ chức, bản thân tôi là Chủ tịch tỉnh chưa bao giờ chỉ đạo hay có ý kiến gì để ưu ái con trai.
Việc thu hút nhân tài đối với tỉnh nghèo rất quan trọng, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm gương mẫu, nên tôi gọi con cái mình về làm việc giúp tỉnh. Chứ nếu hễ con cái học hành thành tài mà cứ cho ra nước ngoài làm việc thì lấy ai xây dựng quê hương. Đối với trường hợp cụ thể của cháu Thiện, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho tôi nếu tôi cứ để cháu làm ngoài, thu nhập cao với vị trí quản lý và không bao giờ bị dư luận đặt vấn đề”.
Ông Chính còn trải lòng, ông từng làm Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị khi chưa đầy 30 tuổi. Nhưng ngày đó, ông không bị dư luận soi kỹ như bây giờ, vì đơn giản ông "không phải là con trai của chủ tịch tỉnh".
"Tôi chỉ lo cháu bị tổn thương, vì ngày xưa khi cháu đang làm "ngoài", thu nhập cao, tôi đã động viên rất nhiều để cháu về làm việc cho tỉnh. Tôi cảm giác như dư luận đang không công bằng với những nỗ lực của Thiện, bởi đơn giản là Thiện là … con trai tôi”, ông Chính chua chát.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính mong dư luận có cái nhìn thấu đáo, công bằng với con trai mình - Ảnh: Nguyễn Phúc. |
Nhân vật chính lên tiếng
Trả lời trên một tờ báo điện tử, ông Nguyễn Đức Thiện, con trai ông Nguyễn Đức Chính, cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc tuyển dụng, bổ nhiệm là việc của tổ chức. Tôi chỉ là đối tượng được tuyển của tổ chức nên không thể phát ngôn thêm về vấn đề này. Trường hợp của tôi trước đây dư luận có đặt vấn đề thì tổ chức là Sở Ngoại vụ cũng đã có báo cáo giải trình. Đó là nguồn thông tin chính thống và tôi không có trách nhiệm phát ngôn về việc này. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình, đóng góp cho tỉnh nhà".
Có lẽ đã đến lúc dư luận cần bãi bỏ thành kiến với việc con em cán bộ được bổ nhiệm vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Nếu chúng ta có thể chấp nhận những đại gia đình, gia tộc có truyền thống nghiên cứu khoa học, nhiều người trong cùng gia đình là giáo sư, tiến sỹ cùng ngành nghề thì tại sao lại không thể có những gia đình toàn làm hoạt động chính trị?
Dân gian vẫn có câu nói là "con nhà nòi". Với những đứa trẻ được lớn lên, chứng kiến và "mưa dầm thấm sâu" công việc của cha mẹ thì khả năng trở thành những cán bộ tốt sẽ càng cao hơn. Tất nhiên là vẫn phải làm đúng quy định, nhưng chúng ta cần có một cái nhìn công bằng hơn trong việc này.
Minh Minh(T/h)