Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã phát động chiến dịch "Tháng ba gian khổ", cảnh báo về những trở ngại và khó khăn trước mắt.
Ngày 8/4, phát biểu tại hội nghị của Đảng Công nhân cầm quyền của Triều Tiên (WPK), Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra lời cảnh báo về những trở ngại và khó khăn mà người dân nước này phải đối mặt trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Kim phát biểu: "Tôi đã yêu cầu các tổ chức WPK các cấp, bao gồm cả ủy ban trung ương và các bí thư chi bộ của toàn đảng thực hiện chiến dịch 'Tháng ba gian khổ' để giảm bớt khó khăn cho người dân".
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong hội nghị Đảng Công nhân cầm quyền Triều Tiên hôm 8/4 vừa qua. Ảnh: KCNA |
Tuyên bố trên của ông Kim được đưa ra trong thời điểm cộng đồng quốc tế bao gồm các nhóm nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ và các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nhân quyền tại Triều Tiên, một đất nước vốn nghèo khó.
Việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khởi động chiến dịch "Tháng ba gian khổ" đã khiến nhiều người lo ngại về tình hình hiện tại của quốc gia này. Trước đó, vào những năm 1990, Bình Nhưỡng cũng từng phải phát động một chiến dịch tương tự do nạn đói và nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo bà Rachel Lee, một nhà phân tích các vấn đề Triều Tiên của Mỹ, việc tham chiếu đến "Tháng ba gian khổ" không có nghĩa là tình hình bên trong đất nước hiện đang tồi tệ như những năm 1990.
Tuy nhiên, theo bà Lee, ông Kim dường như đã "xác nhận mức độ nghiêm trọng của những khó khăn kinh tế" nhưng "quyết tâm vượt qua vấn đề mà không cần tới sự giúp đỡ hay cải thiện từ bên ngoài, bao gồm cả việc cải thiện quan hệ với Mỹ".
Bà Lee phân tích: "Trong nội bộ, ông Kim Jong-un đã kêu gọi các quan chức của mình gồng minh trong thời gian kinh tế khó khăn và tăng cường làm việc, tương tự chiến dịch 'Tháng ba gian khổ' từng được áp dụng vào những năm 1990. Tuy nhiên, đối với bên ngoài, ông ấy phát đi thông điệp khẳng định sẽ không nhún nhường, không hạ thấp giới hạn đàm phán với Mỹ chỉ để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông ấy coi quan hệ Mỹ-Triều là một vấn đề lâu dài và ông ấy cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho đến thời điểm phù hợp".
Các số liệu thống kê xung quanh nền kinh tế của Triều Tiên hiện nay được đánh giá là không đáng tin cậy. Tầm nhìn quốc tế về đất nước này cũng càng bị suy giảm sau khi hầu hết các nhà ngoại giao nước ngoài và nhân viên cứu trợ quốc tế có trụ sở tại Bình Nhưỡng buộc phải rời khỏi đất nước. Các hoạt động di chuyển của họ đã bị hạn chế như một phần trong phản ứng của chính phủ Triều Tiên đối với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1990. Ba đợt đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, các lệnh trừng phạt thương mại và thiệt hại do lũ lụt và bão lụt vào năm ngoái đã tác động xấu đến nền kinh tế.
Được biết, Hàn Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt và tăng cường viện trợ cho người dân Triều Tiên. Song phía Bình Nhưỡng đã từ chối sự hỗ trợ của nước ngoài trong việc cung cấp viện trợ và vaccin vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thông qua hàng hoá nhập khẩu từ bên ngoài.
Minh Hạnh(Theo Financial Times)