+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch tỉnh Cà Mau: “Không có gì mờ ám trong việc nhận 2 xe Lexus“

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định không có vấn đề gì mờ ám, không có chuyện tiêu cực khi tỉnh nhận 2 xe Lexus do doanh nghiệp tặng.

    Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định không có vấn đề gì mờ ám, không có chuyện tiêu cực khi tỉnh nhận 2 xe Lexus do doanh nghiệp tặng.

    Liên quan đến sự việc tỉnh Cà Mau nhận 2 chiếc xe Lexus mà Công ty TNHH Xây dựng Công Lý, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về vụ việc này.

    PV: Thưa ông, hiện nay dư luận đang rất băn khăn là tại sao Cà Mau lại nhận 2 chiếc xe Lexus có trị giá khoảng 6 tỷ đồng của Công ty Công Lý cho tặng như vậy?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Vào ngay đầu năm 2016, thời điểm Cà Mau đang có tình trạng hạn hán gắt gắt, kéo dài làm hư hỏng nhiều công trình, đời sống nhân dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó Chính phủ cũng cấm chưa cho mua xe công. Cà Mau đang thiếu rất nhiều các đầu xe.

    Theo thống kê và đã được Bộ Tài chính xác nhận: Cà Mau thiếu 35 đầu xe. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ cũng thiếu xe cho nên Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ xây dựng Công Lý đã nhiều lần đặt vấn đề tặng cho tỉnh 2 chiếc xe để phục vụ công tác chung như là đi kiểm tra đê điều, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng…

    UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu. Sau đó, Sở căn cứ vào Nghị định 29 năm 2014 của Chính phủ về vấn đề quản lý tài sản công của Nhà nước; xác lập tài sản đã đề xuất UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng đã xem xét thấy rằng đó là phù hợp cho nên đã đồng ý. Sau đó, UBND tỉnh ban hành một quyết định để xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hai xe này.

    Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

    Tiếp đó, Sở Tài chính có trình phương án sử dụng 2 xe: Giao cho Văn phòng Tỉnh uỷ và Văn phòng UBND tỉnh để phục vụ cho công việc chung như tôi vừa nói ở trên. Sau khi xem xét thấy phương án hợp lý, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định, giao tài sản cho 2 đơn vị trên để phục vụ vào mục đích chung chứ không của riêng ai.

    PV: Thưa ông, vì sao doanh nghiệp Công Lý lại tặng xe thay bằng tặng các tài sản như là trường học, bệnh viện hay công trình phúc lợi công cộng?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Công ty này có chủ doanh nghiệp là người địa phương Cà Mau. Những công trình mà công ty này đầu tư thì rất là khó và ít ai làm. Ví dụ như đầu tư nhà máy xử lý rác tại TP Cà Mau. Cà Mau đã kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư xây nhà máy xử lý rác không chỉ ở TP Cà Mau mà ở các huyện nữa nhưng mà không nhà đầu tư nào làm, chỉ có nhà đầu tư này làm thôi. Công ty cũng đầu tư làm điện gió.

    Vậy thì từ hoạt động của người ta trên địa bàn, đồng thời là một người con của Cà Mau, doanh nghiệp không chỉ có tặng xe, nhiều năm trước cũng đã hỗ trợ những công trình như: trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, cầu, đường nông thôn…và còn hỗ trợ nữa.

    PV: Thưa ông, có một vấn đề nữa mà dư luận cũng rất quan tâm là vì sao Cà Mau lại ứng 25 tỷ đồng cho Công ty để xử lý nhà máy rác trước? Việc ứng 25 tỷ đồng có vượt quá quy định không?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Trước hết phải khẳng định rằng, việc ứng tiền xử lý rác là việc làm cũng rất là rõ ràng. Hiện nay, Cà Mau thuê nhà máy này xử lý rác với cái mức giá là: 350.000 đồng/tấn rác. Mức giá đó đã được các cơ quan chức năng của Cà Mau thẩm định. Mà để xử lý được 1 tấn rác phải tốn là 460.000 đồng, nhưng mình chỉ hỗ trợ 350.000 đồng thôi. Còn lại nhà máy này bên cạnh việc xử lý rác còn làm ra phân compot để đi bán thì mới hoà vốn và có lãi.

    Thực tế, phân compot này chưa bán được cho nên nhà máy bị thua lỗ. Vì vậy, công ty đề nghị được ứng trước tiền xử lý rác. Sở Tài chính cũng đã nghiên cứu xem xét. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho thành lập 2 đoàn để đi kiểm tra thực trạng nhà máy hoạt động thế nào, có thực sự hư hỏng không? Xin nói thêm là Cà Mau thời điểm này chỉ có một nhà máy xử lý rác duy nhất thôi. Lượng rác hàng ngày thải ra của TP Cà Mau và các huyện chuyển về để cho nhà máy này xử lý là 120 đến 150 tấn/ngày.

    Nếu như nhà máy ngưng hoạt động chỉ 1 tuần thì hàng ngàn tấn rác sẽ ùn lên. Như thế thì môi trường rất là ô nhiễm. Vì mục đích chung là bảo vệ môi trường, vì sức khoẻ của người dân buộc UBND tỉnh phải ứng trước tiền xử lý rác cho nhà máy này để nhà máy có nguồn mua sắm thiết bị sửa chữa ngay để xử lý rác. Việc ứng này đúng theo quy định.

    PV: Vây công ty sẽ trả 25 tỷ đồng này bằng cách nào?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Chúng tôi đã thực hiện, mỗi một tháng là thu 50% tiền phí xử lý rác của nhà máy này; tức là nếu 1 tháng nhà nước trả 100 triệu sẽ thu về 50%. Như thế thì không tới 2 năm sẽ thu hết tiền tạm ứng này. Thực tế từ khi tạm ứng đến nay đã thu rồi. Nói thêm năm 2012, UBND tỉnh cũng đã 1 lần cho công ty này ứng 20 tỷ rồi và năm 2015 đã thu hồi hết rồi.

    PV: Dư luận cũng cho rằng, doanh nghiệp này đang đầu tư khu du lịch ở Khai Long và làm chết một ít rừng phòng hộ. Vậy có phải tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp khi xử lý trong việc để chết rừng không?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Trước hết phải nói rằng, nếu nói doanh nghiệp gây ra chết cây rừng là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi chúng tôi cho ngành Lâm nghiệp đi kiểm tra diện tích rừng do công ty Công lý quản lý thì thấy có 8ha bị chết, chủ yếu là cây mắm. Đây là rừng nghèo kiệt, rừng phòng hộ và đã được giao cho công ty sử dụng vào mục đích du lịch.

    Nguyên nhân mắm chết là do tháng cuối năm có nhiều cơn mưa lớn trái mùa, triều cường lại dâng cao, ở khu vực thì chỉ có 4 cống thoát nước nên không thoát kịp, rừng bị úng nên dẫn đến cây chết, tỷ lệ chết khoảng 60%. Hiện sau hơn 1 tháng đã có 4 ha tái sinh. Hướng khắc phục là công ty phải dọn và trồng lại số cây mắm bị chết. Còn khuyết điểm của Công ty và Kiểm lâm cơ sở là không kịp thời báo cáo cấp trên để chỉ đạo hướng khắc phục và chúng tôi đã xử lý các cán bộ này.

    PV: Trở lại câu chuyện về 2 chiếc xe, có dư luận cho rằng, việc doanh nghiệp tặng cho nó có thế đúng về mặt pháp luật nhưng vấn đề cũng rất nhạy cảm nên cần cân nhắc khi cho và nhận?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Cái quan trọng là mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, làm đúng pháp luật. Có người nói là công ty cho 2 chiếc xe dẫn đến việc được ưu ái ứng tiền để cho nhà máy rác hay là để cây rừng chết không được xử lý thì việc này hoàn toàn không phải như thế. Bởi việc nào ra việc nấy, ứng tiền thì theo quy định của nhà nước về tài chính. Không có sự ưu ái nào ở đây cho cả hai vấn đề.

    PV: Thưa ông, trước dư luận có nhiều ý kiến như vậy, Cà Mau có ý định trả lại 2 chiếc xe được doanh nghiệp tặng cho?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Đây là tài sản của doanh nghiệp tặng cho Nhà nước để dùng vào việc công đúng theo quy định của pháp luật và đã được tiếp nhận theo quy trình thủ tục và thẩm quyền quy định. Hiện 2 chiếc xe này đã là tài sản của Nhà nước thì không có việc trả lại cho doanh nghiệp hay bất cứ ai mà là tài sản công.

    PV: Có thể nói vụ việc cũng gây ra ít nhiều ảnh hưởng đến địa phương, bản thân là lãnh đạo tỉnh ông có suy nghĩ gì?

    Ông Nguyễn Tiến Hải: Về việc này, chúng tôi càng thấy rằng, mình làm đã đúng rồi nhưng là một bài học để tới đây trong mọi công việc thì càng phải nghiêm túc hơn, phải tuân theo các quy định của pháp luật để không được xảy ra những sai sót gì. Tôi rất mong độc giả, thính giả hiểu rõ bản chất của sự việc và yên tâm, nhất là Đảng bộ và nhân dân Cà Mau yên tâm là không có vấn đề gì mờ ám, lẫn lộn giữa việc nọ với việc kia; không có chuyện tiêu cực trong sự việc này.

    PV: Xin cảm ơn ông./.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-tinh-ca-mau-khong-co-gi-mo-am-trong-viec-nhan-2-xe-lexus-a182120.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan