+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch Quốc hội: Ngân sách TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình việc ngân sách TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất.

    Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình việc ngân sách TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... Ngoài ra, thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.

    Tán thành trao quyền tự chủ cho TPHCM quyết định về thêm thuế tài sản

    Sáng 14/11, thảo luận tại tổ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu quan điểm tán thành với việc trao quyền tự chủ cho thành phố được quyết định tăng các mức thuế, thí điểm thêm thuế tài sản để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố với nguyên tắc "mở ra để thu hút đầu tư chứ không phải để cản trở sức cạnh tranh của thành phố".

    “Mở ra tạo các sắc thuế mới để tăng thu nhưng phải làm thế nào để không cản trở thành phố, nhất là với việc thực hiện chương trình chống ngập”, đại biểu Phương cho hay.

    Theo đại biểu Phương, tình trạng ngập lụt đã gây nhiều hậu quả nặng nề với TPHCM. Mỗi lần lên TPHCM công tác, ông Phương chia sẻ, lo nhất là chiều về mà mưa vì thấy mưa là hiểu “thôi rồi”, không biết đến khi nào về được Cần Thơ. Khoản tiền 18.800 tỷ đồng cho chương trình chống ngập của thành phố, theo đó, đại biểu khuyến cáo là cần cấp đủ cho TPHCM chứ không thể “cắt”.

    Về cơ chế tự chủ, tự quyết việc tăng lương cho cán bộ, công chức, chuyên gia, nhân tài của TPHCM, ông Phương nhận định là việc cần làm. Ngoài ra, tự chủ việc trả lương là hướng tốt để giúp giữ nhân tài.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Dân Trí

    Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản nhất nghị quyết này cần tuân thủ là có thể “vượt” luật nhưng nhất định không được đứng trên Hiến pháp, không được trái với những cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, không được làm ảnh hưởng tới cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, làm “phạm” trần nợ công.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện TPHCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất cả nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách TƯ cũng lớn nhất, thu 100 đồng thì chỉ được để lại 18 đồng, còn 72% là điều tiết về ngân sách Trung ương. Vừa qua, TPHCM phải chịu áp lực rất lớn với việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại, từ 23% xuống còn 18%, giảm liền 5%. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với TP HCM mà tỷ lệ điều tiết, để lại dưới 20% thì không thể nào phát triển được.

    "Vừa qua, dù tình hình nhìn chung vẫn đi lên, thành phố vẫn phát triển nhưng tốc độ đã chậm hơn. Mà vùng động lực, đầu tàu lại chậm thì tất cả những toa kéo theo cũng sẽ chậm đi, rất đáng lo ngại” – Chủ tịch Quốc hội nói.

    Về nội dung nghị quyết, giao thẩm quyền từ Thủ Tướng cho HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, Chủ tịch Quốc Hội cho rằng cần phân cấp mạnh để thành phố giải quyết nhanh chóng, kịp thời đón nhận triển khai các dự án đầu tư. Dự thảo cũng giao HĐND Thành phố quyết định dự toán ngân sách Thành phố, phân bổ ngân sách cấp mình bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển các lĩnh vực của Chính phủ, Quốc hội căn cứ dự toán NSNN hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

    Chủ tịch Quốc hội nói: “Chúng ta cứ chốt đồng này mua mắm, đồng kia mua tương thì người muốn ăn mắm mà không ăn tương cũng không mua được. Nên phải thay đổi cơ chế giao quyền chủ động phù hợp với thực tế của địa phương”.

    Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình việc ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... cũng như cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.

    “Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước? Tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực, người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra lưc lượng của cải vật chất và tôi lấy cái đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó chia nhỏ ra thì tất cả nắm tay nhau cứ đi ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá, người giàu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

    Đề xuất cho làm việc tại nhà

    Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), đi kèm với đó nên cho TPHCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.

    Đại biểu Hiển đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Theo ông Hiểu, nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…

    Đại biểu Hiên phân tích: “Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”.

    Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt.

    Theo ông Hoàng Văn Cường, TPHCM có thể tăng thêm mức thu nhập, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Cũng theo đại biểu này, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên.

    Với lĩnh vực tài chính, ông Cường đề nghị phải hết sức cân nhắc trong việc tăng thuế, phí, vì giải pháp này chưa chắc đã tăng thu. Thay vào đó, có thể mở rộng đối tượng thu thuế mới. TPHCM có nhiều tiềm có thể áp dụng tăng thu, như thuế môi trường, hay thuế tài sản, phí du lịch lưu trú… Nếu TPHCM thí điểm làm tốt, có thể áp dụng rộng rãi ra cả nước.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-quoc-hoi-ngan-sach-tphcm-duoc-huong-50-khoan-thu-tien-su-dung-dat-a209322.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan