Sáng 9/12, HĐND Thành phố Hà Nội Khóa 16 đã khai mạc kỳ họp thứ 20 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024, kế hoạch năm 2025.
Kỳ họp của khí thế mới
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII vừa đề ra nhiều chủ trương, quyết sách rất quan trọng nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, thông qua 18 dự án luật, 21 nghị quyết quan trọng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
"Vì vậy, tôi cho rằng, kỳ họp lần này của HĐND Thành phố Hà Nội sẽ là Kỳ họp của khí thế mới, của tinh thần đổi mới, tạo đột phá mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của Nhân dân Thủ đô, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thành phố Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số cả nước, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa. Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP ước đạt 1,3 triệu tỷ đồng, khoảng 55 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 6.350 USD, gấp 1,47 lần bình quân cả nước.
Thu ngân sách năm 2024 dự kiến đạt trên 492 nghìn tỷ đồng, thu nội địa chiếm 93,8% tổng thu, tăng trưởng ước đạt khoảng 6,8 - 7%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật.
Sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả; sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Việc tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong Nhân dân.
Trong thành tựu chung của Thành phố Hà Nội, có sự đóng góp quan trọng của HĐND Thành phố. HĐND Thành phố tiếp tục là điểm sáng, tiêu biểu trong hoạt động của HĐND Thành phố các tỉnh, Thành phố. Chất lượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, thực chất, hiệu lực, hiệu quả, từ việc tổ chức các kỳ họp, các hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình và quyết định các vấn đề quan trọng.
Công tác phối hợp giữa HĐND, Thường trực HĐND Thành hố và các cơ quan, tổ chức hữu quan được tăng cường, chủ động, thể hiện rõ sự đồng hành và hiệu quả.
Thường trực HĐND Thành phố đã nghiêm túc, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong triển khai các nhiệm vụ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị. Các đại biểu HĐND đã đổi mới, luôn tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri trong xây dựng, hoạch định chính sách, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thi hành Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù
Đánh giá cao về những cố gắng, nỗ lực và nhiệt liệt chúc mừng về những kết quả đạt được của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân Thủ đô, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác, phát huy đầy đủ.
Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước...
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về Hà Nội, trong đó Quốc hội đã xem xét, thông qua Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỉ lệ rất cao (95,06%); đặc biệt ngày 27/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và có những chỉ đạo hết sức quan trọng, cụ thể, đây là những cơ sở quan trọng để triển khai Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.
Bước sang năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thành phố thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Chủ động ban hành các cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Hà Nội.
Trong Luật Thủ đô có gần 90 nội dung quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND Thành phố trong việc cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút, khai thác, phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, phát huy cao nhất những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Bên cạnh đó cần triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân cấp cho HĐND được quy định tại các Luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (trong các dự án sử dụng đất và quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, xem xét các dự án sử dụng tài nguyên tại địa phương);
các nhiệm vụ trong Luật Đất đai (tăng cường vai trò giám sát của HĐND trong việc quản lý, quy hoạch và phân bổ đất đai tại địa phương); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thẩm quyền trong việc phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp)…
Cùng với đó, tập trung triển khai đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.